Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nỗ lực thoát nghèo của đồng bào Chơ Ro ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Lê Vũ – Bảo Trần - 20:29, 30/06/2021

Những năm qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung nhiều chương trình đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế vùng đồng bào DTTS. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc Chơ Ro đã mạnh dạn vay vốn ưu đãi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vươn lên thoát nghèo, một số hộ đã trở nên khá giả.

Chị Lê Thị Xuân giới thiệu về đàn bò của gia đình được chăn nuôi thành công từ nguồn vốn vay của NHCSXH. (Ảnh NV)
Chị Lê Thị Xuân giới thiệu về đàn bò của gia đình được chăn nuôi thành công từ nguồn vốn vay của NHCSXH. (Ảnh NV)

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có khoảng 28 dân tộc anh em sinh sống, trong đó ngoài dân tộc Kinh, thì đông nhất là đồng bào dân tộc Chơ Ro với gần 10.000 người, tập trung chủ yếu ở các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Đất Đỏ và thị xã Phú Mỹ. Trong những năm qua, được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đồng bào dân tộc Chơ Ro đã có điều kiện phát triển kinh tế, đời sống thay đổi tích cực.

Trước đây, gia đình chị Lê Thị Xuân ở tổ 7, ấp 1, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc, thuộc diện hộ nghèo. Đôi vợ chồng trẻ việc làm không ổn định, phải giật gấu vá vai, lo chạy từng bữa nuôi 5 đứa con nheo nhóc. Năm 2006, gia đình chị Xuân được bình xét vay 15 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để mua 1 con bò mẹ và 1 con bê. “Hai vợ chồng tính toán, sau này bò mẹ sinh sản bán đi vừa có tiền trả nợ ngân hàng, vừa có tiền lo cho bọn trẻ đi học”, chị Xuân kể.

Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, thì bò mẹ đổ bệnh lăn ra chết, chị Xuân đánh “liều” tiếp tục đi vay được 8 triệu đồng phụ thêm tiền mua 1 con bò mẹ. Món nợ ngân hàng và tương lai của con trẻ là động lực để chị Xuân quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Chỉ hai năm sau, trả hết nợ cũ, chị Xuân lại vay tiếp ngân hàng 30 triệu đồng đầu tư mở rộng đàn bò. 

Không những thoát nghèo, làm giàu từ việc chăn nuôi, nhiều hộ đồng bào Chơ Ro trên địa bàn tỉnh đã biết chuyển đổi phương thức sản xuất phù hợp. Điển hình là hộ anh Đào Văn Tâm (thôn Lồ Ồ, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức), vừa kết hợp chăn nuôi dê, gà, heo rừng với cày ruộng, cuốn rơm, anh còn mạnh dạn đầu tư 2 chiếc máy cày trị giá vài trăm triệu đồng để đáp ứng nhu cầu mùa vụ. Nhờ có máy móc hỗ trợ việc sản xuất, kinh doanh, mỗi năm gia đình anh Tâm có thu nhập hơn 100 triệu đồng, tạo thêm việc làm cho một số lao động địa phương.

“Cứ 1ha ruộng, sau khi trừ chi phí, tôi thu lời 2 triệu đồng từ tiền bán rơm cho các hộ chăn nuôi bò, trồng nấm. Từ ngày có chiếc mày này, tôi làm không hết việc, vì ở các xã Bình Giã, Bình Trung, Đá Bạc có cả ngàn ha trồng lúa, mà tôi thì chuyên đi mua rơm ở các ruộng đã suốt lúa. Chiếc thì cày ruộng, cuốn rơm, chiếc kia thì chở rơm cuộn đi bán cho khách hàng”, anh Tâm cho biết.

Anh Đào Văn Tâm đang thu hoạch rơm (Ảnh NV)
1ha ruộng, sau khi trừ chi phí, anh Đào Văn Tâm thu lời 2 triệu đồng từ tiền bán rơm cho các hộ chăn nuôi bò, trồng nấm(Ảnh NV)

Hiện nay, gia đình anh Tâm đã trở thành hộ khá trong vùng. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, anh Tâm còn tự nguyện hiến 480m2 đất làm đường nông thôn, tích cực tuyên truyền giữ gìn an ninh trật tự thôn xóm… cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới.

Một khu vực tập trung đông đồng bào Chơ Ro sinh sống nữa ở Bà Rịa -Vũng Tàu, đó là ấp Tân Thuận, xã Long Tân, huyện Đất Đỏ. Đây là nơi cư ngụ của hơn 130 hộ bà con người dân tộc Chơ Ro. Nơi đây xưa kia là vùng đồi rừng, người Chơ Ro sinh sống chủ yếu bằng nghề làm rẫy, cuộc sống nghèo nàn và không ổn định. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, người Chơ Ro đã chuyển sang định canh, định cư, phát triển nghề trồng trọt và chăn nuôi, đời sống dần được cải thiện.

Điển hình như gia đình bà Lý Thị Hương, từ nguồn vốn vay ban đầu 28 triệu đồng của NHCSXH, bà vừa đầu tư lo chăm sóc vườn hồ tiêu, vườn điều và còn dành dụm mở cửa hàng bán tạp hóa phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của bà con trong ấp. Mấy năm nay, nhờ giá hồ tiêu, hạt điều tăng hơn trước, cộng thêm đồng ra đồng vào từ cửa hàng tạp hóa đã giúp gia đình bà có nguồn thu nhập ổn định, khoảng hơn 100 triệu đồng một năm. Con cháu của bà đều sống chung với bà dưới mái nhà được xây dựng khang trang, lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười nói.

Bà Hương cho biết: "So với trước, đời sống của bà con đổi thay rõ rệt. Bà con chúng tôi vui vì có điện thắp sáng, nước sinh hoạt đầy đủ, đường sá đi lại thuận tiện. Trước đây, đồng bào dân tộc không có vốn, nhờ có chính quyền giúp đỡ vay vốn nên thoát nghèo. Nếu được vay thêm nữa thì tôi sẽ đầu tư thêm vào sản xuất, chăn nuôi và mở rộng cửa hàng".

Có thể thấy, nếu như trước đây, đồng bào dân tộc Chơ Ro sản xuất, phát triển kinh tế chỉ đủ ăn thì hiện nay, bà con đã có ý thức vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương. Từ sự chuyển biến này, bà con ngày càng tin tưởng vào các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. 

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.