Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Giáo dục

Nỗi lo “lớp tạm” ở vùng khó Điện Biên Đông

Vũ Lợi - 20:05, 11/08/2021

Trong tổng số 948 phòng học ở 3 cấp (mầm non, tiểu học, THCS), huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) vẫn còn 328 phòng bán kiên cố, 67 phòng học tạm và 5 phòng học mượn. Ngoài nỗi lo “lớp tạm”, việc thiếu nhà ở cho giáo viên, học sinh và các công trình phụ trợ hỗ trợ học tập khác cũng đang là vấn đề nan giải ở huyện nghèo 30a này.

Huyện vùng cao Điện Biên Đông hiện còn khoảng 42,1% lớp học bán kiên cố, lớp tạm và lớp mượn
Huyện vùng cao Điện Biên Đông hiện còn khoảng 42,1% lớp học bán kiên cố, lớp tạm và lớp mượn

Động đâu thiếu đó

Trường PTDT bán trú THCS Phình Giàng, xã Phình Giàng được tách ra từ Trường PTCS Phình Giàng vào năm 2008 với 27 cán bộ, giáo viên. Năm học 2020 - 2021, trường có 265 học sinh là con em đồng bào Mông và Khơ Mú theo học ở 8 lớp, với 172 học sinh diện bán trú.

Những năm gần đây, được sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, mạnh thường quân cùng sự nỗ lực của địa phương, nhà trường đã kiên cố hóa được 4 phòng học tiêu chuẩn 3 cứng (cứng nền, tường thưng, mái tôn), còn lại vẫn là phòng học tạm. Trường hiện còn thiếu 1 phòng âm nhạc, 1.000m2 sân bê tông, tường rào, 10 phòng vệ sinh loại 2 ngăn, 50 chiếc giường, 2 nhà tắm. Thiết bị dạy học vẫn còn thiếu: 30 bộ máy tính, 10 máy chiếu, 30 quạt điện, bóng đèn…

Thầy Nguyễn Thanh Sơn, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: "Sau nhiều năm ra “ở riêng” nhưng ngôi trường này không thay đổi nhiều, vẫn vô cùng thiếu thốn và khó khăn. Việc các thầy cô và học sinh vẫn đang phải giảng dạy, học tập ở những lớp tạm khiến chúng tôi rất trăn trở. Gọi là lớp 3 cứng, nhưng mùa Đông gió vẫn lùa từng cơn khiến các em rét run bần bật, mặt mày lạnh tê tái. Rồi khi mưa rào đổ bất chợt hắt ướt hết sách vở, đồ dùng học tập hay mùa Hè đến nóng như đổ mỡ…".

Năm học 2020 - 2021, huyện Điện Biên Đông huy động được trên 22.300 học sinh theo học tại 837 lớp thuộc 51 trường học các cấp mầm non, tiểu học và THCS. Trong đó, 19 trường mầm non, 17 trường tiểu học, 11 trường THCS, 4 trường liên cấp tiểu học và THCS. Huyện vẫn còn 165 điểm trường lẻ rải rác ở các bản xa trung tâm.

Điển hình trong đó là Trường Mầm non Hoa Ban, xã Háng Lìa. Trường được chia tách, thành lập từ năm 2007 với 1 điểm trường trung tâm và 8 điểm lẻ. Năm học 2020 - 2021, toàn trường có 436 học sinh theo học. Hiện trường có 17 lớp học, trong đó có 8 phòng kiên cố, 8 phòng bán kiên cố, 1 phòng học tạm. Ngoài ra, bếp nấu ăn cho trẻ ở trường trung tâm rất nhỏ, không bảo đảm diện tích. Đặc biệt, cả 8 bếp ăn ở các điểm bản đều tạm bợ và xuống cấp. Cùng với đó, 100% các nhà vệ sinh hiện cũng được dựng tạm. Nhà trường còn thiếu 6 bộ đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Riêng đồ chơi không gian ngoài sân trường cơ bản là không có.

Chung tay chăm lo giáo dục vùng cao

Ông Nguyễn Tiến Thắng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Điện Biên Đông cho biết: Toàn huyện hiện có 948 phòng học ở cả 3 cấp. Trong đó, 328 phòng bán kiên cố, 67 phòng học tạm và 5 phòng học mượn. So với quy mô phát triển số lớp, học sinh, số phòng học và phòng hỗ trợ học tập vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu.

Những lớp học 3 cứng đang được kết nối xây dựng từ nguồn xã hội hóa. (Trong ảnh: Giáo viên huyện Điện Biên Đông ở lại dịp Hè để xây dựng lớp học 3 cứng).
Những lớp học 3 cứng đang được kết nối xây dựng từ nguồn xã hội hóa. (Trong ảnh: Giáo viên huyện Điện Biên Đông ở lại dịp Hè để xây dựng lớp học 3 cứng).

Điện Biên Đông vẫn còn 98/356 phòng công vụ giáo viên bán kiên cố và 145/356 phòng công vụ tạm. So với số lượng cán bộ giáo viên, nhân viên, số phòng công vụ chưa đáp ứng được nhu cầu. Song song với đó, dù thiết bị phục vụ việc dạy và học được trang bị, mua sắm bổ sung, nhưng không ít thiết bị được mua sắm từ nhiều năm trước đã hết niên hạn và hư hỏng không thể sử dụng được. Ngoài ra, địa phương có 29 trường PTDT bán trú và 19 trường mần mon tổ chức nấu ăn bán trú, song cơ bản cơ sở vật chất vẫn còn thiếu thốn. Gần 43% phòng ở nội trú tại các trường PTDT bán trú đang trong tình trạng bán kiên cố và tạm bợ.

Theo ông Thắng, hằng năm, dù địa phương vẫn dành kinh phí cho giáo dục nhưng không thấm vào đâu, bởi nhu cầu nhiều, chi phí xây dựng, nhân công đều đắt hơn vùng thuận lợi. Do vậy, việc được Bộ GD&ĐT chọn để triển khai Chương trình “Kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021 - 2025” là tin vui với người trong ngành, đặc biệt đội ngũ giáo viên cắm bản.

Theo kế hoạch, giai đoạn I, Bộ GD&ĐT sẽ cùng với cấp ủy đảng, chính quyền tỉnh Điện Biên kêu gọi nguồn lực để chung tay xây dựng 20 trường học cho huyện. Trong số đó, có 10 trường mầm non, 5 trường tiểu học và 5 trường THCS tại các xã khó khăn, như: Pú Hồng, Keo Lôm, Phình Giàng, Tìa Dình, Chiềng Sơ, Mường Luân, Na Son, Phì Nhừ, Sa Dung.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Đắk Lắk: Đầu tư, đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp với điều kiện học tập, bản sắc văn hóa truyền thống

Thực hiện Dự án 5 về Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719), tỉnh Đắk Lắk đã phân bổ khoảng 173 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị dạy học cho các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú. Đồng thời, quan tâm đổi mới giáo dục, phương pháp giảng dạy phù hợp với ngôn ngữ, văn hóa của từng dân tộc.