Ông Lê Văn Tấn, Tổ dân phố 1, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai cho biết: Cứ sau mỗi cơn lũ qua đi, nhiều diện tích đất, hoa màu của người dân lại bị sạt lở xuống sông. Tình trạng sạt lở ngày càng diễn biến phức tạp, hiện nhiều đoạn sông đã ăn sâu vào đất vườn, khiến hơn 30 nhà ở của người dân ở Tổ dân phố 1 có nguy cơ bị đổ sụp xuống dòng sông.
Còn ông Võ Tấn Thành, ở thôn 3, xã Đạ Oai, huyện Đạ Huoai cho biết: Khu vườn 4 sào của gia đình ông hiện chỉ còn một nửa. Nếu sạt lở tiếp tục tái diễn, gia đình sẽ không còn đất để sản xuất.
Nói về tình trạng này, ông Võ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai cho biết: Do có quá nhiều điểm sạt lở nên việc xử lý gặp khó khăn, không thể trong một sớm một chiều. Hiện tại, chính quyền địa phương đã cảnh báo người dân tại các điểm sạt lở. Cục Đường bộ cũng đang xử lý bằng rọ đá để khắc phục tạm thời đối với chân cầu Đạm Rê.
Khu vực giáp ranh với huyện Đạ Tẻh cũng rơi vào cảnh tương tự. Ngoài nhiều diện tích canh tác hoa màu của người dân bị mất, một số đoạn đường giao thông ở dọc hai bên bờ sông Đạ Quay bị hư hỏng nghiêm trọng.
Theo ông Lê Mậu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, nguyên nhân sạt lở do cấu tạo của đất trong khu vực này rất yếu, cộng với mưa lũ lớn kéo dài khiến nước sông Đạ Quay dâng cao, chảy xiết nên gây xói mòn và sạt lở trên diện rộng. Trước thực trạng này, chính quyền địa phương đã yêu cầu, các đơn vị chức năng khẩn trương khắc phục điểm sạt lở, đồng thời nâng cao mức cảnh giác, sẵn sàng triển khai lực lượng giúp người dân di dời đến nơi ở an toàn.