Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nỗi lòng nghệ nhân H’Săn Êban

Lê Hường - 07:09, 25/11/2022

Nghệ nhân Ưu tú H’Săn Êban ở Buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana là nữ nghệ nhân duy nhất đánh trống dẫn nhịp chiêng của tỉnh Đắk Lắk. Cả đời gắn bó với chiếc trống dẫn nhịp cho cả đội chiêng hợp tấu, ở tuổi ngoài 80, nghệ nhân H'Săn đau đáu nỗi niềm người kế tục, trăn trở việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa chiêng nữ Ê Đê Bih.

Linh hồn của chiêng Jho

Căn nhà 2 gian cũ kỹ của gia đình Nghệ nhân Ưu tú H’Săn Êban nằm tĩnh lặng giữa khoảng đất trống rộng thênh thang, cách nhà văn hóa cộng đồng buôn Trấp chỉ vài chục mét.

Nghệ nhân H’Săn cùng đội chiêng nữ buôn Trấp biểu diễn tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk
Nghệ nhân H’Săn cùng đội chiêng nữ buôn Trấp biểu diễn tại Liên hoan văn hóa cồng chiêng tỉnh Đắk Lắk

Ngày xưa, cồng chiêng xuất hiện trong tất cả các sinh hoạt, lễ hội và các nghi lễ vòng đời của người Ê Đê. Cồng chiêng không chỉ mang giá trị vật chất là tài sản quý giá của gia đình, dòng họ mà còn mang giá trị tinh thần rất lớn. Đối với người Ê Đê vui cũng có cồng chiêng mà buồn cũng có cồng chiêng.

Nghệ nhân H’Săn kể: Từ khi còn nhỏ bà đã theo bà, theo mẹ đi lễ hội xem các bà, các cô trong đội chiêng của buôn hợp tấu cồng chiêng, múa xoang. Chiêng Jho, bộ chiêng chỉ có 3 cặp và 1 chiếc trống da trâu, mỗi lần diễn tấu trống phải đánh trước để chiêng hòa đúng nhịp. Theo mẹ đi xem biểu diễn mình chỉ chú ý đến chiếc trống, cứ như vậy âm thanh, nhịp điệu của trống ngấm vào người. Khi tham gia đội chiêng mình đã được xếp ngay vào vị trí đánh trống.

Với đội chiêng Jho, trống đóng vai trò chủ đạo, dẫn dắt nhịp điệu cho toàn bộ dàn chiêng. Khi biểu diễn, trống cố định ở một vị trí, còn các nghệ nhân đánh chiêng và múa xoang di chuyển theo vòng tròn từ phải qua trái theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, nghĩa là ngược về nguồn cội. Suốt bao nhiêu năm qua, nghệ nhân H’Săn gắn bó với chiếc trống, cùng đội chiêng tham gia các ngày hội lớn, liên hoan văn hóa cồng chiêng trong và ngoài tỉnh.

Nghệ nhân Ưu tú H’Săn Êban
Nghệ nhân Ưu tú H’Săn Êban

Ông Trần Viết Dụ, cán bộ văn hóa thông tin thị trấn Buôn Trấp cho biết: Cả huyện Krông Ana này nghệ nhân H’Săn là người phụ nữ duy nhất đánh trống trong đội chiêng. Vì thế, trong tất cả các bài chiêng của người Ê Đê Bih, trống vang lên thì chiêng mới đánh theo. Trống chính là linh hồn của đội chiêng nữ, vai trò của người đánh trống vô cùng quan trọng, một nhịp trống không đúng, cả đội chiêng loạn nhịp. Nếu không có trống thì bộ chiêng Jho cũng không còn ý nghĩa. 

Đánh trống đúng nhịp là cả một hành trình luyện tập và khả năng thẩm thấu. Người đánh trống phải có thần thái “thủ lĩnh” thì mới dẫn dắt được cả đội chiêng trong quá trình biểu diễn. Cho đến bây giờ, nếu vắng bà H’Săn thì đội chiêng không thể biểu diễn vì không ai thay thế để đánh trống được”, ông Trần Viết Dụ nói.

Mòn mỏi tìm người kế thừa

Mặc dù là nghệ nhân đánh trống giỏi, nhưng cả 4 người con gái của bà H’Săn lại không ai nối nghiệp. Ở tuổi ngoài 80, điều khiến nghệ nhân H’Săn trăn trở nhất là tìm người kế tục. Vì thế mà nhiều năm qua, nghệ nhân H’Săn mải miết đi tìm kiếm người kế nhiệm. Bà tham gia tất cả các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho các thế hệ trẻ người Ê Đê Bih để tìm truyền nhân.

Nghệ nhân H’Săn tham gia các lố truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ người Ê đê Bih
Nghệ nhân H’Săn tham gia các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ người Ê đê Bih

Nghệ nhân H’Săn trải lòng: Hầu như trong các lớp truyền dạy đánh cồng chiêng, người học đánh trống chỉ học được vài ngày đã bỏ cuộc. Nếu mai này già về với bến nước của ông bà mà không có người đánh trống thay thế thì cũng đồng nghĩa với việc đội chiêng Jhô ở Buôn Trấp sẽ dần đi vào dĩ vãng. 

“Truyền dạy đánh cồng chiêng nhiều người có thể học được, nhưng truyền dạy đánh trống thì khó vô cùng bởi đánh trống phải có niềm đam mê, phải thẩm thấu, cảm nhận được từng nhịp. Người đánh trống phải làm sao để cả dàn chiêng hòa nhịp được. Đó chính là cái khó nhất, đòi hỏi cao nhất đối với người đánh trống”, nghệ nhân H’Săn nói.

Mới đây nhất, nghệ nhân H’Săn tham gia lớp truyền dạy cho 19 bé gái độ tuổi từ 6-13 do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk mở. Sau 2 tháng kiên trì truyền dạy, nghệ nhân H’Săn đã tìm thấy một bé gái có khả năng đánh trống để bà tiếp tục đào tạo thay thế vị trí của mình. “Thời gian quá ngắn, cháu bé chưa thể đánh trống giỏi, nhưng về cơ bản cháu đánh đúng nhịp, dẫn dắt được đội chiêng nhỏ tuổi trình diễn coi như đã thành công. Già cũng yên tâm phần nào vì thế hệ trẻ đã tiếp nối giá trị truyền thống cha ông để lại”.

“Hậu duệ” đánh trống dẫn dịp dàn chiêng nữ trẻ chính là cháu ngoại của Nghệ nhân H’Săn
“Hậu duệ” đánh trống dẫn dịp dàn chiêng nữ trẻ chính là cháu ngoại của Nghệ nhân H’Săn

Điều khiến nghệ nhân H’Săn vui vì người kế nhiệm chính là một trong số các cháu ngoại của bà, bà có điều kiện hơn trong việc tiếp tục bồi dưỡng người đánh trống. Từ đây, nghệ nhân H’Săn mong rằng giá trị văn hóa đặc trưng của người Ê Đê Bih sẽ được bảo tồn, phát huy.

Với những cống hiến trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, thời gian qua nghệ nhân H’Săn đã nhận được nhiều giấy khen, bằng khen của nhiều cơ quan, ban ngành từ trung ương đến địa phương. Đặc biệt, vào tháng 9/2019, bà H’Săn đã vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Hy vọng, với những chính sách hỗ trợ từ dự án 6 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được triển khai, sẽ góp phần thêm cơ hội cho các nghệ nhân dân gian, cho địa phương làm tốt hơn nữa việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, cồng chiêng trong đời sống cộng đồng nói riêng.

Tin cùng chuyên mục
Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Với người Nùng tại thôn Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nghề làm hương là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của đồng bào, do vậy trải qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây vẫn miệt mài nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. Do vậy, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được đầu tư, theo đó đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề này.