Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Người có uy tín Hồ Văn Ly tích cực bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống

Hồng Phúc - Văn Sơn - 07:23, 22/11/2022

Nghe tiếng già làng, Người có uy tín Hồ Văn Ly - một “nghệ nhân" được dân phong đã lâu, thế nhưng chúng tôi chưa có cơ duyên được gặp. Nhận được cuộc điện thoại từ chị Hồ Thị Biến, cán bộ văn hóa xã Phước Mỹ, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) thông báo ở thôn Công Ta Năng sắp diễn ra lễ hội ăn mừng lúa mới của đồng bào Bh’noong. Một công đôi việc, chúng tôi hào hứng lên đường tác nghiệp.

 Già làng Hồ Văn Ly (bên phải) cùng dân làng Công Ta Năng trang trí cho cây nêu
Già làng Hồ Văn Ly (bên phải) cùng dân làng Công Ta Năng trang trí cho cây nêu

Sau chặng chạy xe giữa non ngàn, bên tai tiếng gió lạnh vù vù của ngày Đông, khiến tiếng động cơ xe máy chỉ còn nhè nhẹ, cuối cùng cũng đến thôn Công Ta Năng. Nhìn  thấy những làn khói tỏa ra từ mái nhà sàn của đồng bào Bh’noong (nhóm địa phương thuộc dân tộc Gié Triêng), cảm giác thật ấm áp.

Tại thôn, già làng Hồ Văn Ly (75 tuổi), người Bh’noong cùng rất nhiều thanh niên, đang hối hả hoàn tất cây Nêu (Xờ neng) cho lễ hội tết mùa ăn mừng lúa mới của đồng bào. 

Vừa trang trí cho cây nêu, già Ly vừa trò chuyện với khách. Già bảo, ngày thơ ấu, già đã theo chân cha mẹ tham gia các lễ hội văn hóa ở làng, già ấn tượng nhất với quanh cảnh xung quanh đống lửa rực đỏ trước cây nêu ở sân nhà rông (a troóng), mọi người trong làng phấn khởi, vui vẻ tham gia điệu múa xoang trong không gian rộn ràng tiếng chiêng, điệu nhạc dân tộc.

Hiện vật của người Bh'noong mà già làng Hồ Văn Ly tặng lại cho Bảo tàng Quảng Nam
Hiện vật của người Bh'noong mà già làng Hồ Văn Ly tặng lại cho Bảo tàng Quảng Nam

Lúc đó, hình ảnh rất thiêng liêng của cây nêu đã ngấm vào người già lúc nào không hay biết. Từ lúc đó, già Ly bắt đầu theo các già làng, những người có năng khiếu để tìm tòi học về cách làm những phụ kiện trang trí trên cây nêu như: la hnăl và la zănh (tua cách điệu biểu tượng bông lúa), hình con cá (ktica), trang trí những bông hoa (pai) làm từ cây nứa, những chiếc diều (klang pa) với họa tiết hình tam giác cân... đến học đẽo, gọt, vẽ, tô màu cho cây nêu mỗi mùa lễ hội. Năm 18 tuổi, già Ly đã thành thạo và có thể đảm nhận một mình làm cây nêu phục vụ lễ hội của làng.

Đưa tay chỉ vào một ống lồ ô chẻ ra và được đan lại, già làng Hồ Văn Ly bảo, đây là nơi đựng lễ vật dâng lên cúng Yàng, tổ tiên ông bà người Bh’noong. Từ xa xưa, đồng bào Bh’noong sống với núi rừng, sống với sương giăng mây phủ. Theo quan niệm của họ, từ lâu cây nêu như chiếc cầu kết nối bầu trời và mặt đất, họ thành tâm ước nguyện mong Yàng sẽ che chở, ban mưa thuận gió hòa cho bản làng. Việc dựng cây nêu cao lớn giữa làng, cũng là lời khẳng định địa vị và khu vực của cộng đồng người Bh’noong.

Thôn Công Ta Năng hiện có 203 hộ, với 774 nhân khẩu, là đồng bào Bh’noong. Những năm qua, già làng Hồ Văn Ly đã tích cực cùng đồng bào Bh’noong nơi đây làm tốt công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Mỗi khi trong thôn có những dịp lễ quan trọng trong năm như: Lễ cúng Yàng Sơri (Thần lúa), lễ ăn Tết rẫy (Xa pế xiếc), đám cưới, đám hiếu... già làng Hồ Văn Ly được mọi người tín nhiệm bầu làm chủ lễ, đứng ra kêu gọi người dân trong thôn cùng đóng góp và tham gia vào buổi lễ. 

Già làng Hồ Văn Ly đã vận động con, cháu dòng họ, người thân và gia đình cùng bà con trong thôn tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội, lưu giữ, bảo tồn cây nêu. Chính tâm huyết ấy, đã khơi dậy cho lớp trẻ trong thôn niềm tự hào về văn hóa truyền thống bao đời mà tổ tiên người Bh’noong đã lưu giữ. “Đó là phần “hồn” của làng và là báu vật của cha ông để lại”, già Ly nói.

 Đồng bào Bh’noong vui múa trong ngày hội mừng lúa mới. (Ảnh: Alăng Ngước)
Đồng bào Bh’noong vui múa trong ngày hội mừng lúa mới. (Ảnh: Alăng Ngước)

Chị Hồ Thị Hồng Hảo, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Phước Sơn, cũng là người con Bh’noong thôn Công Ta Năng trải lòng: Trong lớp người già hiện nay ở xã Phước Mỹ, năm nay đã bước sang tuổi 75, già làng Hồ Văn Ly được bà con trên địa bàn ví như “cây đại thụ” không chỉ nổi tiếng giữa núi rừng vùng Đông Trường Sơn về am hiểu văn hóa truyền thống, mà già Ly còn lưu giữ nhiều những loại hình văn hóa truyền thống độc đáo và đặc sắc của người Bh’noong. Hơn 50 năm qua, già Ly đã dành bao tâm huyết cho công tác bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng, giữ lại vốn quý để lớp trẻ chúng tôi học tập, noi theo.

Anh Hồ Văn Nhanh, Trưởng thôn Công Ta Năng chia sẻ, với một niềm yêu mến và cảm phục, già làng Hồ Văn Ly đã được cộng đồng người Bh’noong ở Công Ta Năng suy tôn là già làng gương mẫu (2010), Bí thư Chi bộ thôn Công Ta Năng (từ năm 2015), Người có uy tín trong cộng đồng (từ năm 2011).

Những cặp bánh sừng trâu, bánh ốc được gói bằng gạo rẫy để đón khách trong ngày hội. (Ảnh: Alăng Ngước)
Những cặp bánh sừng trâu, bánh ốc được gói bằng gạo rẫy để đón khách trong ngày hội. (Ảnh: Alăng Ngước)

Với uy tín của mình, những năm qua già làng Hồ Văn Ly còn là "cầu nối" tạo khối Đại đoàn kết toàn dân, góp phần xây dựng đời sống văn hóa, ổn định an ninh trật tự ở cơ sở. Địa phương vẫn duy trì kiến trúc truyền thống với những ngôi nhà sàn thấp quây quần bên nhà rông. Già Ly còn là người vận động, hướng dẫn dân làng giữ gìn các nét đẹp văn hóa của làng, bởi sự tâm huyết với văn hoá của dân tộc mình.

Trước khi rời vùng cao và chia tay già làng Hồ Văn Ly về lại dưới xuôi, già Ly đã tặng cho chúng tôi một ống lồ ô, có dáng tựa như chiếc cung. Đây là vật dụng để người Bh'noong dùng đuổi chim, chuột, sóc bảo vệ mùa màng trên rẫy, như một minh chứng về sự hiện diện của người Bh'noong làng Công Ta Năng hàng trăm năm trên đại ngàn Trường Sơn. Già Ly như "cây đại thụ" của núi rừng đang nâng niu, ươm mần cho thế hệ trẻ tiếp nối những giá trị tốt đẹp của dân tộc mình.

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Tương Dương (Nghệ An): Người có uy tín chung sức thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cùng với nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) và sự chung tay góp sức của đội ngũ Người có uy tín trong tuyên truyền, vận động người dân thực hiện hiệu quả các dự án của Chương trình; huyện vùng cao Tương Dương (Nghệ An) đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đời sống đồng bào từng bước được nâng lên, cơ sở hạ tầng thiết yếu đã có nhiều khởi sắc.