Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Tiếng chiêng ở Kon Tơ Neh mãi ngân vang

H.Đại - H. Thanh - 08:58, 24/11/2022

Nghệ nhân A Kyunh (44 tuổi) hiện là Đội trưởng đội chiêng nam thôn Kon Tơ Neh, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum. Nhiều năm qua, anh luôn giữ vững niềm đam mê, nhiệt huyết “giữ lửa” cho văn hóa cồng chiêng; đồng thời góp phần truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu trong làng.


Tiếng chiêng ở Kon Tơ Neh mãi ngân vang
Đội trưởng đội chiêng A Kyunh (bên phải) và đội phó A Phái cùng nhau luyện tập

Khơi dậy niềm đam mê

Được sự giới thiệu của Thôn trưởng Y Byenh, chúng tôi ghé thăm thôn Kon Tơ Neh, xã Đăk Tờ Re gặp gỡ nghệ nhân A Kyunh, tìm hiểu về văn hóa cồng chiêng. Nghệ nhân A Kyunh có vóc dáng cao và gầy, khi đánh chiêng, thì đôi tay anh thoăn thoắt và mạnh mẽ từng động tác. Mỗi khi biểu diễn cùng đội, anh vừa chỉ huy vừa đảm nhiệm chơi giai điệu trên những chiếc chiêng nhỏ, còn chơi chiêng lớn để giữ nhịp, thì những thành viên khác đảm nhiệm.

Theo chia sẻ của nghệ nhân A Kyunh, anh  là người con của dân tộc Ba Na, sinh ra và lớn lên ở huyện Kbang (tỉnh Gia Lai). Năm 2000, sau khi lấy vợ, anh chuyển đến sinh sống ở thôn Kon Tơ Neh và bắt đầu đóng góp cho việc "giữ lửa" cồng chiêng của thôn. 

Nghệ nhân A Kyunh cho biết: Cồng chiêng được xem như linh hồn của buôn làng và là báu vật của cha ông để lại. Muốn chơi được chiêng hay trước hết cần phải hiểu nó, xem nó như bạn, người chơi và chiêng phải hòa vào làm một, thì âm thanh đánh ra mới có hồn, da diết và tạo cảm xúc. Mỗi bài chiêng khác nhau đều có nhịp điệu, tiết tấu đặc trưng, mang thông điệp và tác dụng khác nhau trong mỗi dịp lễ hội. Do đó, với mỗi bài, các nghệ nhân đánh chiêng phải có sự thay đổi trong diễn tấu và tập đi tập lại nhiều lần cho thành thục, không bài nào giống bài nào.

Vừa nói, nghệ nhân A Kyunh vừa lấy chiêng để biểu diễn cho chúng tôi nghe. Nghệ nhân  sử dụng tay trần để gõ chiêng, từng tiếng vang lên nhịp nhàng chắc chắn và tạo thành giai điệu hấp dẫn mặc dù không cần phối hợp từ nhiều người. Anh kể, từ nhỏ anh đã được bố chỉ dạy cho cách đánh cồng chiêng sao cho tiếng vang, ấm và dày, phân biệt được các cung bậc âm thanh khác nhau. Khi lớn lên, được đi nhiều nơi và học hỏi nhiều từ những nghệ nhân gạo cội khác, thì tay chiêng mới trở nên chắc chắn và sắc xảo như vậy.

“Cồng chiêng như đã ăn sâu vào máu và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của tôi. Bà con thôn Kon Tơ Neh cũng rất yêu chiêng, mến chiêng và thôn này là một trong số ít thôn còn giữ được phong trào chơi chiêng mạnh mẽ cho dù nhịp sống hiện đại và các thể loại nhạc mới đã du nhập vào thôn, làng của đồng bào”, Nghệ nhân A Kyunh chia sẻ.

Nghệ nhân A Kyunh dẫn chúng tôi đến thăm nhà nghệ nhân A Phái (65 tuổi)- Đội phó đội chiêng để ngắm bộ chiêng của làng. Căn phòng nhỏ cất chiêng được khóa kỹ càng để tránh kẻ xấu lấy trộm, vì theo ông, trước đây trong làng thường xuyên xuất hiện tình trạng nhiều người vào làng gạ gẫm bà con bán chiêng. Nhiều hộ cũng vì cuộc sống khó khăn và không hiểu hết giá trị của chiêng mà đem bán chiêng trong nhà để trang trải cuộc sống, sau này muốn mua lại thì không được vì giá cao.

“Hiện trong thôn vẫn còn 2 bộ chiêng chính dùng để các nghệ nhân và già làng tập luyện khi rảnh rỗi. Việc duy trì đội chiêng và sự tập luyện đều đặn của thôn, là sự nỗ lực không hề nhỏ của những nghệ nhân gạo cội, già làng, Người có uy tín. Chính điều đó đã góp phần không nhỏ để khơi dậy niềm đam mê và ý thức bảo tồn văn hóa truyền thống của lớp trẻ, các nghệ nhân nhí nơi đây”,Nghệ nhân A Kyunh chia sẻ.

Nghệ nhân A Kyunh truyền dạy chiêng cho thế hệ trẻ
Nghệ nhân A Kyunh truyền dạy chiêng cho thế hệ trẻ

Tiếp lửa cho thế hệ trẻ

Thôn Kon Tơ Neh cũng nổi tiếng là thôn đi đầu trong các hoạt động văn hóa, nhất là cồng chiêng tại địa phương. Các tiết mục cồng chiêng ở đây, mỗi lần đi thi đều được giải cao. Đội cồng chiêng của thôn cũng rất được du khách ưa chuộng, thường xuyên được mời đi biểu diễn phục vụ ở nhiều huyện trong tỉnh. Số tiền đạt giải trong mỗi cuộc thi sẽ được chia đều cho các em nhỏ để lấy động lực, số còn lại dùng làm quỹ để sửa chữa chiêng và các vật dụng.

Nghệ nhân A Kyunh cũng rất thích thú giảng dạy chiêng cho các em nhỏ tại làng, vì các em ngoan và có tinh thần học tập. Đội chiêng nhí tại làng gồm 14 em đều có năng khiếu tương đương nhau, thường tập hợp trước nhà rông mỗi sáng cuối tuần để cùng nhau tập chiêng. Em nào cũng có tinh thần tập luyện, sáng tạo, háo hức trong từng động tác, bài chiêng mới.

Em A Doar (16 tuổi), một trong những học trò chơi chiêng giỏi trong đội cho biết: Thầy giáo A Kyunh rất nhiệt tình chỉ dạy cho chúng em và thầy luôn tạo tâm lý thoải mái nên lớp học rất vui, ai cũng muốn đi học. Qua những lời chỉ dạy của thầy, chúng em càng thêm hiểu và trân trọng giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Khi được hỏi về những đóng góp của nghệ nhân A Kyunh trong văn hóa cồng chiêng tại làng, nghệ nhân A Phái (từng là Đội trưởng đội chiêng của làng, khi già, ông đã trao lại vị trí đội trưởng cho nghệ nhân A Kyunh), ông A Phái cho biết: “Từ khi được giữ vị trí Đội trưởng đội chiêng, nghệ nhân A Kyunh luôn chú trọng tính đoàn kết và tinh thần tập luyện của cả đội, ai nấy đều luôn đặt lợi ích của đội, của buôn làng lên hàng đầu, đi tập đúng giờ và kỷ luật. Nhờ vậy, thời gian gần đây, phong trào văn hóa tại thôn, trong đó có cồng chiêng luôn được các cấp, các ngành biểu dương”.

Rời Kon Tơ Neh khi xế trưa, chúng tôi ai cũng mang trong lòng một tình cảm yêu quý và cảm phục về những nghệ nhân, người dân của thôn, đặc biệt là sự "dẫn dắt" của người đội trưởng đội chiêng nam-Nghệ nhân A Kyunh. Nhờ có họ mà chúng tôi được thưởng thức nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bào. 

Hy vọng rằng, với những chính sách hỗ trợ từ dự án 6 của Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đang được triển khai, sẽ góp phần thêm cơ hội cho các nghệ nhân dân gian, cho địa phương làm tốt hơn nữa việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nói chung, cồng chiêng trong đời sống cộng đồng  nói riêng.

Tin cùng chuyên mục
Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Kết nối di sản văn hóa phi vật thể - “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”

Trong 2 ngày 21, 22/11, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk tổ chức Tập huấn triển khai mô hình kết nối di sản văn hóa phi vật thể “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trong hành trình du lịch di sản Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.