Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Nỗi nhọc nhằn của dân di cư tự phát

Thùy Dung - 10:22, 22/09/2020

Tại chân núi Cư Bung thuộc xã Ia Le, huyện Chư Pưh (Gia Lai) hiện có 79 hộ di cư tự phát (DCTP) sinh sống. Họ phần nhiều là những người tứ xứ dạt về vùng này với hy vọng có một cuộc sống tốt hơn. Tuy nhiên vì DCTP nên người dân gặp nhiều khó khăn để mưu sinh trên vùng đất mới.

Vì đường sá đi lại khó khăn, trẻ con ở khu di cư tự phát hầu hết chỉ học hết tiểu học.
Vì đường sá đi lại khó khăn, trẻ con ở khu di cư tự phát hầu hết chỉ học hết tiểu học.

Dưới chân núi Cư Bung là một thung lũng rộng 229ha, cách trung tâm xã Ia Le hơn 20km. Khu vực này có dãy núi cao là ranh giới tự nhiên giữa xã Ia Le với huyện Phú Thiện (Gia Lai) và huyện Ia Hleo (Đăk Lăk). Hiện nơi đây có 79 hộ với 262 nhân khẩu. Trong đó, có 55 hộ với 181 nhân khẩu là dân di cư, còn lại là dân xâm canh từ các làng phía ngoài của xã Ia Le và huyện Ia Hleo (Đăk Lăk).

Con đường dẫn vào chân núi Cư Bung mùa này bụi bay mờ mịt, những con đường ngoằn ngoèo cho đến những lối mòn khiến chúng tôi mất hơn 1 tiếng đồng hồ di chuyển mới tơi nơi. Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Văn Thịnh (55 tuổi). Ở khu này, ông Thịnh được xem là cầu nối với chính quyền xã Ia Le.

Quê ông Thịnh ở tỉnh Thái Bình, nhưng vì nhiều lý do cá nhân buộc ông phải ly hương vào Bình Dương sinh sống và lập gia đình. Năm 2012, khi nghe tin ở vùng này có người bán lại 3ha đất, với số tiền khoảng 100 triệu đồng, vợ chồng ông vay mượn rồi mua đất. Ông về đây sinh sống còn vợ ở lại Bình Dương làm công nhân nuôi 2 đứa con ăn học. “Ở đây toàn là dân tứ xứ, vùng nào cũng có. Hộ vào sớm nhất là từ năm 2003, còn lại là từ năm 2012. Khu này chia làm nhiều cụm: Một cụm gồm 18 người Thái ở tỉnh Thanh Hóa. Một cụm người dân ở các tỉnh miền Tây. Một cụm tổng hợp gồm các tỉnh Nghệ An, Cao Bằng, Thái Bình, Đăk Lăk, Đăk Nông… Có hộ ở một mình trên đỉnh núi”, ông Thịnh cho biết thêm.

Cách nhà ông Thịnh chừng 500m là xóm người Thái, gồm 18 hộ, quê ở Thanh Hóa. Còn xóm miền Tây cách nhà ông Thịnh khoảng 1km. Hầu hết, các hộ dân ở đây đều rời bỏ quê hương vào Tây Nguyên lập nghiệp với hy vọng đổi đời, thoát khỏi cảnh đói ăn mùa giáp hạt. Gia đình ông Vi Thanh Duẩn (50 tuổi) ở xóm người Thái, chuyển vào khu Cư Bung ở hẳn từ năm 2013. Ông Duẩn bộc bạch: Dù trong này thiếu thốn nhưng đỡ hơn ở quê. Ở quê, 10 người trông vào 1 sào ruộng nên không đủ ăn.

Thuộc diện DCTP nên các hộ dân ở khu Cư Bung gặp rất nhiều khó khăn như không được hưởng các quyền lợi, chế độ phúc lợi an sinh - xã hội. Đặc biệt, ở đây khó khăn nhất là việc đi học của con trẻ. Cả khu có 40 đứa trẻ, nhưng vì tách biệt trong núi, đường sá đi lại khó khăn nên chỉ còn 20 đứa trẻ đi học, chủ yếu là học tiểu học.

Để giúp các hộ dân ổn định, các cấp chính quyền tỉnh Gia Lai đã xây dựng phương án di dời. Để làm khu tái định cư cho các hộ dân DCTP ở xã Ia Le, huyện Chư Pưh đã trích hơn 430 triệu đồng mua 2,6ha đất ở làng Ia Brêl. Tỉnh sẽ đầu tư kinh phí hơn 6 tỷ đồng để di dời 55 hộ dân khu Cư Bung đến khu tái định cư mới; trong đó, vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là 5,5 tỷ đồng và 550 triệu đồng hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân di dời nhà cửa.

Ông Lê Thanh Việt, Chủ tịch UBND xã Ia Le cho biết: “UBND huyện đã giao cho Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp và Ban Quản lý các Dự án Đầu tư Xây dựng huyện xây dựng dự án di dời 55 hộ DCTP ở Cư Bung về khu tái định cư mới. Qua nhiều buổi làm việc, có 54/55 hộ đồng ý ra khu tái định cư mới. Hiện, dự án đã trình lên tỉnh và chờ phê duyệt”.


Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Phát huy vai trò của Người có uy tín, già làng trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ở vùng đồng bào DTTS

Không chỉ là tấm gương mẫu mực trong làm kinh tế giỏi, là cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân, trong thời gian qua, lực lượng già làng, trưởng thôn, Người có uy tín ở Quảng Nam đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi các hủ tục, tệ nạn, tình trạng tảo hôn ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhờ đó, nhận thức của người dân ngày càng được nâng lên, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền của tỉnh.