Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bạn của nhà nông

Nông dân Lào Cai chống rét cho gia súc bằng kinh nghiệm và khoa học

Trọng Bảo - 09:43, 17/01/2022

Sa Pa là một trong những địa phương có nền nhiệt độ thấp nhất của tỉnh Lào Cai vào mùa đông. Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại của các năm trước, ngay từ mùa đông năm nay, nông dân trên địa bàn thị xã đã chủ động phòng, chống đói rét cho đàn gia súc bằng những kinh nghiệm dân gian và hướng dẫn của cán bộ nông nghiệp. Nhờ đó, đã giảm thiểu số lượng gia súc bị chết mỗi khi mùa đông về...

Tận dụng rơm rạ sau thu hoạch người dân mang về dự trữ làm thức ăn cho gia súc trong những ngày gia rét không thể chăn thả
Tận dụng rơm rạ sau thu hoạch người dân mang về dự trữ làm thức ăn cho gia súc trong những ngày gia rét không thể chăn thả

Gia đình ông Lý Phù Kinh, dân tộc Dao ở thôn Tả Chải, xã Tả Phìn có 5 con trâu. Để bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn trâu khi thời tiết rét đậm, rét hại, ông Kinh đã chủ động tích trữ một lượng lớn rơm khô sau vụ thu hoạch, để có nguồn thức ăn trong những ngày thời tiết giá rét không thể chăn thả. Bên cạnh đó, được sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, ông cũng thường xuyên pha muối với nước ấm cho trâu uống để tăng sức đề kháng khi trời lạnh. Cách làm này giúp đàn trâu của gia đình có đủ dinh dưỡng và chống chọi với nhiệt độ khắc nghiệt.

“Trước đây, gặt xong lúa thì rơm rạ thường đốt luôn ngoài ruộng. Bây giờ thì gia đình tôi cũng như bà con trong thôn đều mang rơm về để nơi khô ráo, dự trữ thức ăn cho trâu khi mùa đông về. Thường thì vào mùa đông, nếu những ngày nắng ấm có chăn thả thì cũng vẫn phải cho trâu ăn thêm vì cỏ rất ít”, ông Kinh cho biết.

Thực tế cho thấy, vào mùa đông nhiệt độ chênh lệch giữa ban ngày và ban đêm rất lớn; kèm theo đó là sương muối, có khi còn có băng tuyết. Đây là những hiện tượng thời tiết rất có hại cho đàn gia súc.

Trước đây, vào những ngày giá rét, gia đình ông Tẩn Vần Siệu ở thôn Sín Chải vẫn đưa châu đi chăn thả. Chính vì vậy, tình trạng trâu, nghé chết rét còn xảy ra, gây thiệt hại lớn cho kinh tế của gia đình.

“Bây giờ thì thì gia đình tôi rút kinh nghiệm rồi. Thời tiết ở trên này vào mùa đông lạnh lắm. Gia đình có 13 con trâu bò, bắt đầu từ tháng 10 âm lịch hầu như không thả mà chủ yếu nhốt trong chuồng cho ăn thức ăn dự trữ như cám, rơm… nếu có chăn thả ra ngoài đồng thì cho trâu bò về chuồng sớm hơn. Cùng với đó, tôi dùng bạt căng, quây kín chuồng để chắn gió rét; trồng thêm cỏ voi để có nguồn thức ăn xanh bổ sung…”, ông Siệu chia sẻ.

Gia đình ông Siệu che chắn chuồng trại tránh rét cho đàn trâu bò
Gia đình ông Siệu che chắn chuồng trại tránh rét cho đàn trâu bò

Tùy vào điều kiện thời tiết mà người dân tại các vùng cao Lào Cai có nhiều cách để bảo vệ đàn gia súc. Ngoài việc kiên cố chuồng trại, bảo vệ đàn gia súc tại chỗ, nhiều hộ chăn nuôi số lượng lớn hay khu vực sinh sống có nền nhiệt độ xuống quá thấp, họ sẽ lựa chọn phương án di chuyển đàn gia súc xuống khu vực khí hậu ấm áp hơn.

“Xã chúng tôi có nhiệt độ khá thấp vào mùa đông. Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con tăng cường các biện pháp giữ ấm cho đàn gia súc, thì UBND xã đã có văn bản gửi xuống các xã giáp gianh như, Tằng Loỏng của huyện Bảo Thắng; xã Tòng Sành của huyện Bát Xát...để các địa phương tạo điều kiện cho người dân trong xã di chuyển đàn trâu xuống tránh rét”, ông Giàng A Lùng, Phó Chủ tịch xã Tả Phìn thông tin.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn thị xã Sa Pa có gần 4.500 hộ chăn nuôi gia súc, với tổng đàn đạt gần 14.000 con. Nhờ triển khai tốt các biện pháp phòng, chống rét, nên từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thị xã hầu như không còn xảy ra tình trạng gia súc bị chết rét, chết đói.

“Cùng với việc thực hiện các biện pháp giữ ấm cho gia súc theo kinh nghiệm của bà con, chúng tôi cũng đã chỉ đạo các ban ngành, các xã tăng cường vận động bà con thực hiện việc kiên cố chuồng trại, tăng cường dự trữ thức ăn… Nhờ đó, đến nay toàn thị xã đã có trên 91% chuồng trại được xây dựng kiên cố; hơn 70% số hộ chăn nuôi đã thực hiện việc dự trữ thức ăn. Đây là hai yếu tố quan trọng bảo đảm giữ cho đàn gia súc có thể vượt qua mùa đông giá rét”, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa nhấn mạnh.

Với những cách làm đơn giản mà hiệu quả, nông dân vùng cao Sa Pa đã và đang bảo vệ tốt đàn gia súc, giảm thiểu hại do thời tiết khắc nghiệt gây ra, góp phần ổn định sản xuất, xóa đói giảm nghèo./.

Tin cùng chuyên mục
Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa

Vào thời điểm giao mùa, sức đề kháng của gà giảm nên dễ mắc phải các bệnh phổ biến do sự thay đổi về thời tiết và môi trường. Bà con cần chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống bệnh để đảm bảo đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh. Để việc nuôi đạt được hiệu quả tối ưu trong chăn nuôi mời bà con tham khảo hướng dẫn phòng bệnh cho gà trong thời điểm giao mùa sau đây.