Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao

Nguyễn Trang - 10:42, 17/11/2020

Cây măng tây xanh được trồng tại xã Bình Trung, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) chỉ khoảng mấy năm trở lại đây, song bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với các loại cây rau màu truyền thống khác.

Ông Phạm Số, Giám đốc HTX Nông nghiệp 1 Bình Trung, với mô hình trồng măng tây xanh phát triển tốt
Ông Phạm Số, Giám đốc HTX Nông nghiệp 1 Bình Trung, với mô hình trồng măng tây xanh phát triển tốt

Cách đây 2 năm, ông Cao Văn Thân (xã Bình Trung) qua tìm hiểu thấy cây măng tây xanh cho hiệu quả kinh tế cao. Nhờ sự hỗ trợ mô hình kinh tế của địa phương, ông Thân mạnh dạn đầu tư 16 sào măng tây xanh, trở thành nông dân có diện tích trồng lớn nhất. Ông Thân cho biết: “Mô hình măng tây xanh nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện đất sản xuất, giống và kỹ thuật từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) còn người dân chủ yếu bỏ công chăm sóc, thu hoạch”.

Măng tây xanh được trồng ở đất Bình Trung có chiều cao cây 1 - 1,5m, hàng cách hàng 50cm, trung bình cứ 60 - 80 ngày là cho thu hoạch một vụ, sau đó thực hiện ngắt quãng để chăm sóc cây 5 - 10 ngày mới thu hoạch vụ tiếp theo. Với 16 sào măng tây xanh, mỗi sào thu bình quân 6kg/sào, giá bán 40.000/kg, mỗi vụ ông Thân thu về gần 4 triệu đồng, mỗi năm thu khoảng 4 - 5 vụ. “Người trồng không lo về đầu ra sản phẩm vì đã có công ty hợp đồng thu mua bao tiêu toàn bộ nên người dân an tâm”, ông Thân cho biết.

Theo ông Thân, so với trồng lúa thì trồng măng tây xanh hiệu quả gấp khoảng 10 lần. Ông Thân nhẩm tính: Trung bình nông dân trồng lúa mỗi vụ nếu có lãi thì chỉ lãi khoảng 600 - 700 nghìn đồng/vụ, mỗi năm chỉ trồng được 2 vụ. Trong khi đó, măng tây xanh thu hoạch liên tiếp trong cả năm”. Từ ngày trồng măng tây xanh, ông Thân giảm đất trồng lúa, chỉ còn trồng 1 sào để có gạo ăn gia đình.

Ông Phạm Số, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp 1 Bình Trung, cũng trồng 5,5 sào măng tây xanh, vừa hướng dẫn nông dân tham gia mô hình. Ông Số cho biết: Măng tây xanh là cây rau màu sạch bởi giai đoạn từ 15 - 20 ngày trước khi thu hoạch thì cây được chăm sóc tự nhiên và chỉ tưới nước để cây phát triển. Đọt măng tây lên rất nhanh, chỉ sau 1 đêm, đọt măng đã lên 20cm. Người dân có thể cắt bán mỗi ngày trong suốt chu kỳ thu hoạch”.

Vùng đất xã Bình Trung ít bị ảnh hưởng thiệt hại do mưa lũ, không xảy ra ngập lụt nên việc trồng măng tây xanh mang tính ổn định. Từ năm 2018, UBND huyện Bình Sơn đã thực hiện thí điểm mô hình trồng măng tây xanh trên 2.000m2 ở xã Bình Trung, sau đó đã được nhân rộng ra nhiều xã trên địa bàn huyện.

Theo ông Trịnh Phú Định, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, để phát triển thành vùng chuyên canh, trước tiên phải thành lập HTX chuyên về măng tây xanh để các nhóm hộ tham gia, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật và liên kết đơn vị bao tiêu sản phẩm. Hiện tại, UBND xã đang tiến hành làm thủ tục đăng ký nhãn hiệu măng tây xanh Bình Trung.

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn nhận định: “Măng tây xanh phát triển tốt trên đất Bình Trung là tín hiệu tốt cho ngành Nông nghiệp. Kết quả cho thấy, mỗi năm người dân trồng măng tây xanh thu nhập khoảng 100 triệu đồng/ha. Định hướng đến năm 2022 sẽ hình thành vùng chuyên canh với diện tích 5ha, và sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất”.

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.