Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nông dân vùng cao Livestream bán nông sản

Trọng Bảo - 07:59, 11/01/2022

Trước tình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hình thức Livestream giới thiệu sản phẩm ngày càng trở nên phổ biến. Tiếp cận với xu thế này, những phụ nữ người Mông, người Pa Dí... ở Mường Khương đã thành công khi đưa hàng nông sản của địa phương lên bán trên mạng xã hội gắn với những câu chuyện về văn hóa dân tộc trong từng sản phẩm...

Những người phụ nữ Mông, Pa Dí… bây giờ đã tự tin bán các sản phẩm nông sản qua mạng
Những người phụ nữ Mông, Pa Dí… bây giờ đã tự tin bán các sản phẩm nông sản qua mạng

Từ đầu vụ quýt đến nay, chị Lồ Dìn Phủng ở thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương, huyện Mường Khương (Lào Cai) đã bán được gần 20 tấn quả. Đây là kết quả bất ngờ với chị Phủng, khi mà ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho việc tiêu thụ sản phẩm gặp nhiều khó khăn.

Chị Phủng cho biết, mọi năm trước, chủ yếu chị và bà con trong thôn bán quýt bằng cách mang ra chợ phiên, hoặc bán cho thương lái vào tận vườn thu mua. Tuy nhiên, vụ quýt năm nay, việc tiêu thụ trực tiếp gặp rất nhiều khó khăn. “Cái khó ló cái khôn”, qua theo dõi trên tivi, đài báo, mạng xã hội chị thấy rất nhiều người kinh doanh bằng hình thức Livestream. Chính bản thân chị cũng nhiều lần mua hàng qua hình thức này.

“Mình chợt nảy ra suy nghĩ, mọi người bán hàng được qua Livestream, tại sao mình không thử mang sản phẩm quýt của mình bán bằng hình thức này. Mình quyết định làm thử. Buổi đầu cũng còn bỡ ngỡ, ngại ngùng, nhưng kết quả mang lại rất khả quan, số lượng quýt khách đặt còn cao hơn nhiều lần so với đi bán ngoài chợ”, chị Phủng tâm sự.

Bây giờ, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, mỗi ngày, chị Phủng cùng chị em trong thôn dành nhiều thời gian trên vườn quýt, vừa thu hái quả, vừa thuyết minh để giới thiệu sản phẩm. Thị trường tiêu thụ khó khăn là vậy, nhưng hoa quả của gia đình chị Phủng và bà con trong thôn vẫn tiêu thụ ổn định, giá cả còn có phần cao hơn so với mọi năm.

Những phụ nữ người Mông, Pa Dí vốn nhút nhát, khép kín trước kia, giờ đã mạnh dạn, tự tin để giao lưu trực tuyến với khách hàng qua mạng xã hội. Mỗi buổi Livestream bán hàng mang đến cho chị em rất nhiều niềm vui, không chỉ là niềm vui khi nông sản được mùa, được giá.

“Bán hàng như thế này được giao tiếp với nhiều người, mình thấy tự tin hơn và thấy rất vui. Chỉ ban đầu thì hơi ngại thôi, bây giờ thì mình cũng có thêm nhiều bạn bè, mối hàng không chỉ ở trong tỉnh mà còn rất nhiều địa phương khác”, chị Lù Thị Sủi, ở thôn Lao Chải chia sẻ.

Quýt Mường Khương đã và đang ngày càng nhận được sự ưa chuộng của người tiêu dùng
Quýt Mường Khương đã và đang ngày càng nhận được sự ưa chuộng của người tiêu dùng

Qua không gian văn hóa từ các buổi Livestream, giúp cho khách hàng ở nhiều nơi trên cả nước biết đến thương hiệu quýt Mường Khương; đồng thời, cũng gửi đến người tiêu dùng ở mọi nơi thông điệp về sự tự hào trong bản sắc văn hóa các dân tộc. Chính sự mộc mạc trong lời nói, nét đặc trưng của trang phục truyền thống, cũng là yếu tố để những buổi Livestream của chị em thêm thu hút với cộng đồng mạng.

Chị Phủng cho biết: Trong các buổi bán hàng qua mạng, rất nhiều người ngoài việc mua sản phẩm, còn có những câu hỏi tìm hiểu về văn hóa của đồng bào Mông, Pa Dí…

“Những lúc như vậy, mình lại vui vẻ giới thiệu bản sắc văn hóa của dân tộc mình; nét hoa văn trên bộ áo váy của phụ nữ Mông, về lễ hội Say Sán, về các đặc sản của đồng bào vùng cao Mương Khương như tương ớt, thịt treo… Qua Livestream những người bán hàng và khách mua hàng đều rất cởi mở và tự tin, rất nhiều người mong ước sẽ được một lần đến với mảnh đất Mường Khương, điều này thành công ngoài sự mong đợi của chúng mình...”, chị Phủng vui vẻ kể.

Dịch bệnh Covid-19 đã và đang ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống. Với đồng bào vùng cao, thì cả năm chỉ trông chờ vào vụ thu hoạch. Khi các sản phẩm nông sản không bán được, thì cũng coi như mất mùa. Livestream bán hàng nông sản tức là người nông dân đã mạnh dạn với tư duy sản xuất, kinh doanh hiện đại, tương tác với khách hàng ở mọi nơi, đáp ứng nhu cầu của khách hàng để nâng cao hiệu quả sản xuất…

Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.