Nông dân đổi mới tư duy
Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tuyên truyền, vận động, khuyến khích cán bộ hội viên, nông dân đổi mới tư duy, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, khai thác tiềm năng, thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.
Điển hình tại huyện Lang Chánh, Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện triển khai sâu rộng, hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi. Từ đó, xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu cho ý chí, nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu trở thành những gương sản xuất kinh doanh giỏi.
Trong lĩnh vực trồng trọt ở có hộ ông Vi Hồng Nghị, thôn Tân Thủy, xã Tân Phúc và hộ bà Lê Thị Thuật thôn Cốc Mốc xã Đồng Lương với mô hình trồng bưởi da xanh, bưởi diễn, cam, quýt.
Lĩnh vực chăn nuôi ở xã Đồng Lương có ông Phạm Văn Hoàng, thôn Khụ 1 với mô hình nuôi dúi; ông Ngân Văn Thương bản Vặn, với mô hình nuôi hươu lấy nhung; mô hình nuôi lợn khép kín của hộ ông Lê Văn Hường, thôn Cốc Mốc,…
Ông Lê Hồng Chuyên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lang Chánh cho biết, thời gian tới, Hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để toàn thể cán bộ, hội viên nông dân hiểu rõ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là tập trung xây dựng nhân rộng các mô hình điển hình, phù hợp với địa phương, góp phần thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Là một trong những nông dân tiêu biểu của huyện Quan Hóa, ông Hà Văn Khường (60 tuổi) ở bản Pượn, xã Trung Sơn đã mạnh dạn cải tạo ao nuôi cá giống, bán ra thị trường từ khoảng 5 năm nay. Quá trình làm ao nuôi, ông Khường đã tận dụng suối Pượn tạo dòng chảy để nuôi cá dốc. Bằng kinh nghiệm tích lũy và hướng phát triển kinh tế gắn với thị trường tiêu thụ, mỗi năm ông đã cung ứng hàng chục nghìn con cá dốc giống ra thị trường (mỗi con từ 3 - 15 nghìn đồng). Trừ chi phí, mỗi năm, ông Khường thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Sản xuất cá giống có lãi, ông Khường còn mua lại ao của các hộ gia đình lân cận để mở rộng diện tích ao nuôi. Hiện tại ông đã có 14 ao nuôi, với diện tích mặt nước hơn 3.000m mét vuông. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ, hướng dẫn nhiều hộ nông dân trong xã nuôi cá thương phẩm cho giá trị, hiệu quả kinh tế cao.
Đến nay, trên địa bàn xã Trung Sơn đã có hơn 70 hộ nuôi cá dốc và các loại cá thương phẩm, cho thu nhập trung bình từ 50 - 70 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều hộ đầu tư quy mô lớn, có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Ông Phạm Bá Ảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung Sơn, cho biết: Ngoài mô hình nuôi cá, nhiều hội viên nông dân của xã đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn đen, lợn trắng thương phẩm, gà đồi... Những mô hình này, không chỉ góp phần từng bước cải thiện và nâng cao thu nhập, mà quan trọng hơn đã giúp người nông dân thay đổi tư duy, xóa bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, cung ứng hàng hóa ra thị trường.
Sát cánh cùng nông dân
Theo bà Hà Thị Cươi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quan Hóa, trong thời gian qua, các cấp hội nông dân trong huyện đã sát cánh, đồng hành với cấp ủy, chính quyền huyện triển khai thành công các nghị quyết, chương trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Hội đã có nhiều giải pháp, cách làm, tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia các mô hình phát triển kinh tế.
Đồng thời, phối hợp với các phòng chuyên môn của UBND huyện và UBND xã, thị trấn tập huấn kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hội viên nông dân. Từ đó, nhiều mô hình đã được xây dựng thành công, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 05-NQ/HU của Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa về phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2022-2030.
Trong triển khai thực hiện các mô hình phát triển kinh tế, ngoài tư vấn, hỗ trợ, tập huấn kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng cho hội viên, Hội Nông dân huyện Quan Hóa đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện thực hiện ủy thác cho vay đối với các hộ nghèo và các đối tượng chính sách; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt tín chấp cho các hộ vay vốn không phải thế chấp. Đồng thời, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, đã có hàng nghìn hộ nông dân được hỗ trợ vốn.
Thông qua các mô hình phát triển sản xuất, các cấp hội nông dân huyện Quan Hóa đã góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện, nâng cao giá trị thu nhập, nâng cao đời sống của nông dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 28,16%. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, với 1 xã, 31 bản đạt chuẩn nông thôn mới, 1 bản đạt nông thôn mới kiểu mẫu...
Dấu ấn khác là từ phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và tư duy, khơi dậy tính chủ động sáng tạo của nông dân tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Chỉ tính riêng giai đoạn 2018- 2023, các hộ nông dân sản xuất giỏi trong tỉnh đã tạo việc làm tại chỗ cho gần 2 triệu lao động nông thôn, hỗ trợ 20.082 hộ nông dân thoát nghèo; góp phần cùng địa phương hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới.
Bà Vũ Thị Thanh Xuân, Trưởng Ban Kinh tế - Xã hội, Hội Nông dân tỉnh Thanh Hóa cho biết, những thành quả đạt được từ phong trào đã khẳng định vị trí, vai trò, sự cố gắng vượt bậc của các cấp hội nông dân trong tỉnh, cũng như những bước tiến mới của nông dân Thanh Hóa.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của hội cơ sở và chi hội. Hội tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.