Thương anh em còn ở ngoài khơi xa lạnh lẽo
Chúng tôi trở lại làng biển Tam Giang, tìm gặp các ngư dân gặp nạn trên biển được cứu đã về nhà. Dù đã qua nhiều ngày, nhưng đôi mắt của lão ngư Huỳnh Văn Khởi vẫn còn đờ đẫn sau những ngày mệt nhoài đối diện với sinh tử, ông kể: Tàu chìm quá nhanh, anh em không kịp trở tay. Lúc anh em đang ở trên tàu, lốc xoáy đến nhanh và nhấn chìm dần con tàu. Ông bị va đập vào thành tàu và sau đó bị hất văng xuống biển.
Trong thời khắc phải đối diện giữa sự sống và cái chết, ý chí mong được sống, được trở về trong ông trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. “Tôi cố bơi để tìm kiếm một vật gì đó để bám víu, may mắn gặp một thùng xốp và cứ thế thả trôi trên biển. May mắn sau đó được tàu của bạn thuyền cứu kịp, nên hôm nay với được về với gia đình”, lão ngư đưa đôi mắt nhìn xa xăm.
Cũng theo ông Khởi, lốc xoáy làm tàu chìm quá nhanh. Trong tích tắt khoảng vài chục giây, tàu đã chìm xuống biển giữa đêm đen. Dù đã trở về với gia đình, nhưng lão ngư vẫn rất lo lắng cho những anh em thuyền viên còn mất tích trên biển. “Tội cho họ quá, nhưng không biết phải làm sao được. Mong sao sẽ tìm thấy được họ, để rồi một ngày nào đó chúng tôi lại cùng nhau ra khơi như trước…”, ông Khởi nghẹn ngào nói
Ngư dân Phan Văn Nam ở xã Tam Giang cũng kể lại, sau khi tàu bị chìm, ông lênh đênh trên mặt biển từ lúc 20 giờ ngày 16/10 cho đến khoảng 2 giờ sáng 17/10 thì mới may mắn được bạn thuyền cứu vớt. Lúc lên được thuyền thúng, ông mới dám nghĩ là mình còn sống. “Khi tàu bị chìm, mọi người đều hốt hoảng. Rồi sau đó, một số anh em bị rơi xuống biển. Nhiều người đã bám được vào ghe thúng nên đã thoát nạn. Chỉ thương một số anh em hiện nay chưa tìm được, vẫn mong những phép màu nhiệm đến với họ” ngư dân Nam nói.
Cũng theo anh Nam, nghề nào cũng có những hiểm nguy riêng, không chỉ riêng nghề biển. Nhưng ngư dân như các anh bao đời nay vẫn xem thuyền là nhà, biển là quê hương, nên dẫu có nguy hiểm thì cũng không bỏ nghề. Sau chuyến đi này, anh dự định sẽ nghỉ ngơi một thời gian rồi sau đó sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển.
“Từ nhỏ đến lớn tôi sinh ra đã gắn bó với nghề biển, dù rất nguy hiểm, có khi đánh đổi cả tính mạng của mình như chuyến biển này. Nhưng nghề biển mang lại cuộc sống ấm no cho gia đình tôi. Nên tôi sẽ tiếp tục vươn khơi bám biển. Giờ tôi nghỉ ngơi để bình tâm, lấy lại sức khỏe rồi sẽ tiếp tục vươn khơi trở lại”, anh Nam chia sẻ thêm.
Hi vọng mong manh
Những ngư dân được trở về, hết thảy đều mong lực lượng chức năng sẽ sớm tìm thấy những người còn lại đang mất tích sau hai vụ chìm tàu. “Chúng tôi may mắn được cứu sống trở về với gia đình nhưng còn 13 bạn tàu vẫn ở lại biển khơi. Đây là nỗi đau quá lớn, tôi mong các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức tìm kiếm các nạn nhân này. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho anh em được bình yên trở về với gia đình”, ngư dân Hồ Văn Quận nói.
Ngày 21/10, sau hơn 100 giờ nỗ lực tìm kiếm các ngư dân còn lại mất tích trên biển, lãnh đạo Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, lãnh đạo Chi đội kiểm ngư số 3 - vùng 3 Hải quân, lãnh đạo huyện và ba xã có người thân mất tích..., đã có cuộc họp kết nối trực tuyến đến các tàu đang nỗ lực tìm kiếm các ngư dân còn mất tích ngoài biển. Khi nghe thông tin từ các tàu tìm kiếm ngoài khơi báo về “mọi sự nỗ lực vẫn đang được tiếp diễn, rất khẩn trương. Các khu vực tìm kiếm được mở rộng, nhưng khả năng cao là không tìm kiếm được được nữa”, nhiều người thân của các ngư dân đã bật khóc nức nở.
Tại cuộc họp này, Thượng tá Trương Bá Long, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 cho biết: Vùng biển tìm kiếm đã được mở rộng ra tới 60 đến 70 hải lý, nhưng lực lượng vẫn chưa tìm thấy thêm ngư dân mất tích nào
Chị Đặng Thị Nhật Huyền, em ruột ngư dân Đăng Minh Vương (đang còn mất tích) khẩn cầu lực lượng chức năng tiếp tục hỗ trợ tìm kiếm anh mình dù là hi vọng nhỏ nhoi. "Nếu thực sự anh không may mắn sống sót, thì ít nhất thi thể cũng được đưa về nhà”, chị Huyền nói trong nước mắt.
Chia sẻ nỗi đau với các gia đình có người thân vẫn bị mất tích, ông Ngô Đức An, Phó Chủ tịch UBND huyện Núi Thành cho biết, huyện cũng đã phối hợp với các lực lượng chức năng đã tổ chức lễ bàn giao cho ngư dân gặp nạn về tới đất liền an toàn, còn về chính sách, thì địa phương sẽ tạo điều kiện giúp các ngư dân gặp này có công ăn việc làm, giúp mọi người sớm ổn định cuộc sống trở lại
Cũng tại cuộc họp diễn ra 21/10, Đại tá Trần Tiến Hiền, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cho biết, sau cuộc họp này sẽ đề xuất UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các lực lượng tiếp tục Tìm kiếm cứu nạn đến hết ngày 22/10.
“Sau ngày 22/10, sẽ kết thúc tìm kiếm quy mô, còn sau đó các tàu đang làm nhiệm vụ vẫn tiến hành quan sát, thông báo cho các tàu hàng, tàu cá quan sát nếu tìm thấy nạn nhân kịp thời thông báo”, Đại tá Hiền nói thêm.