Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Nước mắt làng biển

Thanh Nguyễn - 11:46, 06/12/2021

Bám biển mưu sinh, là nghề truyền nối bao đời của ngư dân vùng biển xứ Nghệ. Sinh nghề tử nghiệp! Những giọt nước mắt đợi chờ cũng vì thế mà đã khiến những mái đầu “vọng phu” thêm bạc trắng, để bao gia đình chia lìa, nát tan…

Bà Đậu Thị Nhụ ôm những manh áo, tấm quần ngày thường chồng, con, cháu thường mặc… mà thổn thức
Bà Đậu Thị Nhụ ôm những manh áo, tấm quần ngày thường chồng, con, cháu thường mặc… mà thổn thức

Ngóng đợi tàu về…

Tôi đến xã biển Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), sau mấy ngày tàu cá mang số hiệu NA-93553TS chìm ngoài khơi xa. Khắp làng trên, xóm dưới thất thần đón nhận hung tin về 5 ngư dân gặp nạn. Phía biển, những con sóng bạc đầu vẫn cứ mải miết xô bờ, nhưng chưa mang lại thêm chút tin tức tốt lành nào về những người con của biển. Còn đường làng, giữa những cơn lạnh se sắt ngày Đông, những hạt mưa lây rây như khiến những khu dân cư ven biển càng thêm thê lương.

Vụ chìm tàu cá NA-93553TS xảy ra vào sáng 30/11, trên vùng biển Hà Tĩnh và Quảng Bình; cách đất liền khoảng 35 hải lý. Trên tàu cá có 6 ngư dân, do anh Thái Bá Huy ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu làm thuyền trưởng, ra khơi vào ngày 23/11. Thật buồn, 5 ngư dân còn lại vẫn đang mất tích là Thái Bá Huy, Thái Bá Tĩnh (bố anh Huy), Thái Bá Hòa (con trai anh Huy), Trần Văn Hợi, Trần Văn Nghĩa.

Trong số những gia đình có người thân gặp nạn, nỗi đau buồn với gia đình bà Đậu Thị Nhụ như nhân lên gấp bội. Căn nhà nhỏ của bà Nhụ nằm sâu trong con hẻm ở xóm 3, xã Sơn Hải nay khá đông bà con chòm xóm hỏi thăm, chia sẻ. Nhưng bà Nhụ còn lòng dạ nào mà đáp lời. Hết ngắm nghía mấy tấm căn cước công dân, rồi lại ôm những manh áo, tấm quần ngày thường chồng, con, cháu thường mặc… mà thổn thức.

Chỉ mấy ngày đón nhận hung tin, mà người đàn bà hơn 60 tuổi đầu như già thêm chục tuổi. Tôi đứng ở cửa lặng nhìn bà hồi lâu mà không biết bắt đầu bằng câu hỏi nào, đành lặng lẽ bước sang nhà người phụ nữ có chồng và con mất tích trên biển - chị Nguyễn Thị Hải. Sốc vì tin dữ, chị Hải nằm liệt giường, vật vã gọi tên chồng con.

Bà Nhụ, chị Hải - hai người phụ nữ “xa lạ” nhưng đang có nỗi đau đớn chung khi 3 người thân của họ gặp nạn, chưa rõ tin tức. 3 người thân ấy là 3 thế hệ trong một đại gia đình, gồm cha, con và cháu. Một người thân của ngư dân Thái Bá Huy (con trai bà Nhụ) kể: Vợ chồng Huy có 4 mặt con. Đứa gặp nạn cùng Huy là Hòa, là con thứ 2 nhưng là trai duy nhất, năm nay 18 tuổi. Gia đình khó khăn nên nó nghỉ học theo cha đi biển từ mấy năm nay. Định bụng đỡ đần cha mẹ ít tháng rồi ra Tết đi nghĩa vụ, nào ngờ…

Bà Trần Thị Tí ngóng đợi tin chồng
Bà Trần Thị Tí ngóng đợi tin chồng

Ngồi ngóng tin chồng đang bị mất tích, bà Trần Thị Tí cũng ở xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu nức nở: Chồng tôi là ông Trần Văn Nghĩa vẫn chưa có tin tức gì sau mấy ngày tàu gặp nạn. Cũng bởi không có đất sản xuất, cuộc sống khó khăn nên hơn 60 tuổi, ông nhà tôi vẫn phải đi biển. Rồi bà Tí khóc tức tưởi: Hai đứa con trai đang đi tàu trên biển, chưa biết tin cha gặp nạn

Người dân làng biển buồn buồn khi nhắc đến cuộc sống cơ cực mưu sinh trên từng con sóng. Bám biển mưu sinh đã là nghề truyền nối bao đời của ngư dân vùng biển xứ Nghệ. Sinh nghề  tử nghiệp! Những giọt nước mắt đợi chờ cũng vì thế mà đã khiến những mái đầu “vọng phu” thêm bạc trắng, để bao gia đình chia lìa, nát tan…

Chờ một điều kỳ diệu

Trong 6 thuyền viên gặp nạn, Trần Văn Huy may mắn hơn cả. Khi tàu chìm, mỗi người ôm một phao rồi bị sóng đánh trôi dạt tứ tung. Suốt nhiều giờ lênh đênh trên biển, Trần Văn Huy may mắn được cứu sống bởi những đồng nghiệp ở Quảng Ngãi.

Trao đổi qua điện thoại, sức khỏe của ngư dân Huy đã ổn định, và đang chờ tin tức của các thuyền viên còn lại. Huy kể: Trưa 30/11, tàu cá đang hoạt động ngoài vùng biển Quảng Trị, thì bị bể nước hoa sen dưới máy tàu khiến nước tràn vào bên trong. Mặc dù các thuyền viên nỗ lực tát nước và tìm mọi cách để ứng cứu, nhưng vẫn không kịp. Nước tràn vào quá nhanh làm con tàu bị đắm.

Người thân bất an khi tin tức về 5 ngư dân mất tích trên biển vẫn bặt tăm
Người thân bất an khi tin tức về 5 ngư dân mất tích trên biển vẫn bặt tăm

Dẫu khuôn mặt rũ rượi và cõi lòng nát tan, nhưng trong tâm khảm những cư dân miệt biển Sơn Hải vẫn không thôi hy vọng. Ngày tiếp ngày, tin tức về 5 ngư dân mất tích vẫn biệt tăm, nhưng dường như chưa ai tin đó là sự thật.

Ông Thái Bá Vũ, em trai ông Thái Bá Tĩnh tâm sự: Ai cũng mong một phép màu kỳ diệu sẽ xảy ra với 5 ngư dân đang mất tích. Hy vọng họ bị trôi dạt vào đâu đó và đã được cứu sống an toàn.

Thông tin với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu Cao Xuân Điệp cho hay: Địa phương vẫn đang ngóng chờ tin tức từ cơ quan chức năng về việc tàu cá của ngư dân trên địa bàn bị chìm ngoài khơi khiến 5 thuyền viên mất tích. Chúng tôi đã đề nghị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Trị, Quảng Ngãi và Cục Cứu hộ, cứu nạn trên biển để tổ chức tìm kiếm các thuyền viên mất tích. Đồng thời, trực tiếp thăm hỏi, động viên người thân của những ngư dân gặp nạn.

Tin từ Bộ Chỉ huy Biên phòng Nghệ An cho biết, đơn vị đã điều động 1 tàu cứu hộ tham gia tìm kiếm các ngư dân đang bị mất tích. Hiện tại, Bộ Tư lệnh Biên phòng cũng đã chỉ đạo Biên phòng các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình triển khai lực lượng, phương tiện, đồng thời thông báo cho các tàu đang đánh bắt trên vùng biển tàu cá NA-93553TS gặp nạn để hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân.

Thời điểm được cứu sống, ngư dân Trần Văn Huy đã hơn 10 giờ vật lộn với sóng, gió lạnh giữa biển khơi. Đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi tàu cá mang số hiệu NA-93553TS chìm ngoài khơi xa, giữa những đói, khát, lạnh, mệt… tính mạng 5 ngư dân còn mất tích sẽ như thế nào? Không ai dám nghĩ tiếp, chỉ mong một phép màu…

Tin cùng chuyên mục
Bên lề cuộc điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội vùng DTTS Nghệ An

Bên lề cuộc điều tra thu thập thông tin kinh tế - xã hội vùng DTTS Nghệ An

Để có những thông tin chính xác, đầy đủ về thực trạng kinh tế - xã hội vùng DTTS tại Nghệ An, các Điều tra viên đã không quản ngại khó khăn, vất vả “đi từng ngõ, gõ từng nhà”. Có những địa bàn vùng sâu, vùng xa, Điều tra viên phải mất cả hàng giờ đi bộ, thậm chí ngồi thuyền máy vượt lòng hồ… mới khai thác đầy đủ thông tin của từng hộ.