Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Nước mắt ngóng trông ở làng biển Tam Quang

T.Nhân-H.Trường - 12:17, 19/10/2023

Làng biển Tam Quang, huyện Núi Thành (Quảng Nam) thường ngày rộn rã, nay lại chìm trong sự im lặng, lo lắng và nước mắt. Những người thân của các ngư dân mất tích sau vụ chìm tàu cứ đi ra đi vào ngóng tin, hi vọng người chồng, người cha của họ sớm được trở về bình yên.

Lực lượng cứu hộ đã tiếp cận các ngư dân gặp nạn, hỗ trợ y tế
Lực lượng cứu hộ đã tiếp cận các ngư dân gặp nạn, hỗ trợ y tế

Mong một phép màu

Từ khi hay tin tàu câu mực gặp nạn, người thân, xóm làng liên tục đến thăm hỏi, động viên gia đình có ngư dân gặp nạn. Khuôn mặt ai nấy đều đượm buồn, mong một phép nhiệm màu sẽ đến với những ngư dân đang còn mất tích ngoài biển. Người thân của các ngư dân gặp nạn cứ đi vào, đi ra ngóng tin về chồng, cha của họ từ phía biển. Đâu đó, thoáng chốc lại nghe tiếng thở dài não nuột.

Tại Sở Chỉ huy tìm kiếm các ngư dân gặp nạn, những chiến sĩ Bộ đội Biên phòng cũng liên tục những cuộc gọi đi như tìm kiếm một thông tin dù rất nhỏ từ những tàu Cảnh sát biển đang nổ lực tìm kiếm các ngư dân. Thượng tá Trần Văn Hóa - Chính trị viên Đồn Biên phòng cửa khẩu Kỳ Hà cùng cán bộ biên phòng đến từng nhà những ngư dân đang còn mất tích, thăm hỏi, động viên gia đình. “Các cấp, ngành đang nỗ lực từng phút, từng giây ngoài biển, tìm kiếm 13 ngư dân mất tích. Chúng tôi xin chia sẻ với nỗi lo của gia đình, mong mọi người giữ gìn sức khỏe, tiếp tục chờ đợi. Công tác cứu nạn đang rất khẩn trương”, Thượng tá Hoà nói với người thân của các ngư dân.

Chị Phạm Thị Liên khóc cạn nước mắt ngóng chồng trở về
Chị Phạm Thị Liên khóc cạn nước mắt ngóng chồng trở về

Theo chân các cán bộ Đồn Biên phòng Kỳ Hà, chúng tôi đến nhà chị Phạm Thị Liên (thôn Trung Toàn, xã Tam Quang). Chị Liên là vợ của ngư dân Nguyễn Ngọc Pháp hiện đang mất tích sau vụ chìm tàu xảy ra hai ngày trước. Lúc chúng tôi đến, tại nhà chị Liên có rất đông họ hàng, bà con lối xóm đến động viên, chia sẻ. Mẹ của chị Liên từ đêm qua cũng đã lên túc trực với con. Hai đứa con, đứa lớn học lớp 11, đứa nhỏ mới lớp 4 vẫn còn chưa mường tượng được chuyện gì đang xảy ra với gia đình nhỏ của mình.

Chị Liên đang mang thai đứa con thứ ba ở tháng thứ bảy. Cứ ngỡ  sau chuyến biển này, cả nhà sẽ vui vẻ đón đứa con sắp sinh, nhưng nào ngờ giờ cả gia đình lại ngóng trông tin chồng, cha. Người ta thường nói “lấy chồng đi biển, hồn treo cột buồm” và có lẽ đây là thời khắc chị Liên thấm thía nhất câu nói này. Mắt chị Liên sưng húp vì đêm qua mất ngủ. Chị khóc suốt từ khi hay tin tàu của chồng gặp nạn. “Hôm qua lúc đang đi sửa quần áo dưới chợ thì hay tin tàu của chồng gặp nạn, tôi cảm thấy lo lắng lắm. Chồng tôi đi biển cũng nhiều năm rồi, phần lớn đi với tàu của anh Viên. Trên chuyến tàu đó, ngoài chồng còn có cha tôi nữa. May mắn, cha tôi được cứu vớt, còn tin về chồng mình vẫn biệt vô âm tín” chị Liên nói trong buồn bã.

Cách đó vài căn nhà, bà con, họ hàng của chị Bùi Thị Ngọc Thúy (vợ ngư dân Đặng Thanh Quang) cũng đã túc trực từ suốt đêm qua để động viên chị. “Hồi bão Chanchu anh cũng ở trên biển, rồi hai lần tàu bị chết máy, bị va phải tàu hàng, đi biển nhiều năm nhưng lần nào chồng tôi cũng đều trở về bình an. Đàn ông làm nghề biển, lên tàu là chẳng liên lạc gì về nhà. Chỉ biết cầu nguyện người ta sớm tìm thấy anh” chị Thúy lặng đi, khóc không thành tiếng.

Gia đình chị Chị Nguyễn Thị Đào kể lại phút giây hay tin chồng mất tích sau vụ chìm tàu
Gia đình chị Nguyễn Thị Đào kể lại phút giây hay tin chồng mất tích sau vụ chìm tàu


Còn chị Nguyễn Thị Đào (49 tuổi, vợ của ngư dân Nguyễn Văn Diễn) cho hay sáng  17/10, chị đang đi vá lưới thuê ở Tam Tiến thì nghe người nhà báo tin tàu cá gặp nạn. Lúc đó bà lật đật chạy về, rồi qua bên Tam Giang để nghe ngóng tin. Khi dò danh sách những người mất tích, không có tên Diễn mà chỉ có Nguyễn Văn Hiển, bà thở phào. Nhưng linh tính mách bảo, bà lại tiếp tục dò thông tin về chồng và đến chiều cùng ngày thì hay tin dữ chồng bà là một trong những ngư dân mất tích. 

Đang đưa các ngư dân gặp nạn vào bờ

Sáng 19/10, Đại tá Trần Viết Hiền - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Nam cho biết, đến rạng sáng nay, tàu Kiểm ngư KN467 đã tiếp nhận 43 ngư dân và hai thi thể từ tàu cá QNa-90039TS để đưa vào bờ. Hiện nay, tàu Kiểm ngư này đang di chuyển đến vị trí tàu QNa-91782TS do ông Trần Văn Kỵ làm chủ, thuyền trưởng để tiếp nhận 38 thuyền viên tàu cá QNa-90927TS bị chìm. Dự kiến đến trưa mai (20/10), tàu Kiểm ngư sẽ đưa các ngư dân này vào đất liền.

Trước đó, trong ngày hôm qua, tại Sở Chỉ huy tiền phương được lập ở Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam), lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Kỳ Hà kêu gọi các phương tiện hoạt động gần khu vực các tàu bị nạn hỗ trợ tìm kiếm ngư dân mất tích.

Nhiều người đến chia sẻ, động viên các gia đình có ngư dân mất tích trên biển
Nhiều người đến chia sẻ, động viên các gia đình có ngư dân mất tích trên biển

Theo Đại tá Trần Viết Hiền, khu vực hai tàu gặp nạn gió cấp 3-4, trời nắng, thuận tiện cho hoạt động tìm kiếm. Sáu tàu cá ngư dân và 4 tàu của Bộ Quốc phòng, gồm tàu Cảnh sát biển, tàu hải quân và tàu kiểm ngư đang tích cực tìm kiếm ngư dân mất tích. Ngoài ra còn có máy bay và tàu nước ngoài tham gia hỗ trợ tìm kiếm các nạn nhân. UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 chỉ đạo tàu Cảnh sát biển 8002 đón, tiếp nhận 78 thuyền viên và 2 thi thể ngư dân, sau khi kết thúc tìm kiếm cứu nạn và vận chuyển về cầu cảng Vùng Cảnh sát biển 2 ở huyện Núi Thành để bàn giao cho gia đình.

Lực lượng đồn Biên phòng Kỳ Hà đến thăm, động viên các ngư dân
Lực lượng đồn Biên phòng Kỳ Hà đến thăm, động viên các ngư dân

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, đến chiều tối ngày 18/10, vẫn chưa phát hiện thêm ngư dân mất tích. Tuy nhiên, lực lượng tìm kiếm phát hiện nhiều ngư cụ, vật dụng như thùng phuy, áo quần, chăn màn cá nhân… trôi nổi trên mặt biển xung quanh khu vực tàu chìm. Ông Lương Văn Viên (thuyền trưởng tàu QNa 90129 TS bị chìm), nhận định có nhiều khả năng 12 ngư dân bị mất tích đã chìm theo tàu sau khi bị lốc xoáy, tàu nghiêng rồi chìm rất nhanh. Theo thuyền trưởng Viên, khu vực tàu bị chìm có độ sâu khoảng trên vài ngàn mét nên lực lượng tìm kiếm không có khả năng trục vớt tàu bị chìm.

Vào lúc 19 giờ 30 ngày 16/10, tàu cá QNa-90129 TS do ngư dân Lương Văn Viên (57 tuổi, ngụ xã Tam Giang, huyện Núi Thành, Quảng Nam) làm thuyền trưởng, hành nghề câu mực tại vùng biển Trường Sa của Việt Nam. Đang hành nghề thì tàu bị lốc xoáy đánh chìm. Nhận tin, tàu cá QNa-90039 TS hoạt động gần khu vực này đã đến ứng cứu, vớt được 40 thuyền viên còn 14 ngư dân đang mất tích. Đến trưa 17-10, ngư dân vớt được thêm hai người, nhưng sau đó đã tử vong.

Một vụ chìm tàu khác xảy ra vào lúc 1 giờ ngày 17-10. Tàu cá QNa - 900927 đang hoạt động cách bờ biển TP Quy Nhơn (Bình Định) khoảng 240 hải lý và cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý thì bị sóng đánh chìm. Tàu cá QNa-91782 TS hoạt động gần khu vực tàu chìm đã vớt được 38 thuyền viên trên tàu cá QNa-90927 TS còn ngư dân Nguyễn Duy Định (63 tuổi, ngụ Thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành) mất tích.

Tin cùng chuyên mục
Tổng công ty Điện lực miền Bắc huy động toàn bộ nhân lực hỗ trợ các Công ty Điện lực ngay khi bão số 3 đi qua

Tổng công ty Điện lực miền Bắc huy động toàn bộ nhân lực hỗ trợ các Công ty Điện lực ngay khi bão số 3 đi qua

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Điện lực miền Bắc Đỗ Nguyệt Ánh vừa chỉ đạo Ban điều hành Tổng công ty kịp thời tổng chỉ huy điều động nhân lực, vật lực từ tất cả đơn vị trong EVNNPC để hỗ trợ các Công ty Điện lực khắc phục hậu quả ngay khi cơn bão số 3 đi qua. Việc điều động sẽ được bố trí rạch ròi, kịp thời theo các khu vực phù hợp với mức độ ảnh hưởng khác nhau, đảm bảo tổ chức khoa học và hiệu quả.