Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Nữ Trưởng bản gương mẫu

Quỳnh Trâm - 08:55, 08/10/2020

Tại xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), bà Phạm Thị Lâm được xem như ngọn cờ đầu của người Mã Liềng (nhóm địa phương thuộc dân tộc Chứt) ở bản Cáo. Cách trung tâm xã khoảng 6km, bản Cáo đặc biệt khó khăn với 43 hộ, 170 nhân khẩu; trong đó 95% số hộ là người Mã Liềng.

Bà Lâm (thứ hai từ phải qua) tại Đại hội Đại biểu DTTS tỉnh Quảng Bình năm 2019.
Bà Lâm (thứ hai từ phải qua) tại Đại hội Đại biểu DTTS tỉnh Quảng Bình năm 2019.

Được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng bản, với cương vị của mình, bà Lâm luôn làm tốt công tác hòa giải và xử lý các vụ việc xảy ra theo hương ước của bản, không để có vụ việc phức tạp kéo dài. Nhờ đó, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được giữ vững. Bà Lâm còn vận động dân bản xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình an ninh trật tự “Bản bình yên”, mô hình dân vận khéo “Sạch nhà, xanh vườn”.

Trưởng bản Phạm Thị Lâm cũng tích cực triển khai các hoạt động văn hóa xã hội, được bà con dân bản hưởng ứng tham gia, như các hoạt động văn nghệ, thể thao do xã tổ chức; vận động con em đến trường và tuyên truyền người dân chấp hành nghiêm chỉnh chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình…

Người Mã Liềng trước đây có tập tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Để xóa bỏ tập tục lạc hậu này, bà đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, những năm qua, hủ tục này đã giảm thiểu. Với những nỗ lực của mình, bà Lâm đã được các cấp, ngành ở địa phương ghi nhận và tặng giấy khen.

“Là đảng viên, Trưởng bản, tôi luôn tâm niệm mình phải có trách nhiệm với bà con. Để làm gương cho bà con, tôi luôn nêu cao tính tiên phong trong phát triển kinh tế hộ, giáo dục con cái và tham gia các hoạt động cộng đồng”, bà Lâm chia sẻ.

Xác định phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm là thế mạnh của bản, bà Lâm tích cực tuyên truyền, vận động bà con đầu tư phát triển, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi. Vì vậy, tổng đàn gia súc, gia cầm của bản tăng qua hằng năm, trong đó, nhiều hộ có đàn gia súc từ 5 - 15 con, đàn gia cầm từ 20 - 100 con.

“Bản Cáo nói riêng và vùng đồng bào DTTS huyện Tuyên Hóa nói chung vẫn còn rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn ở mức cao, trình độ, cơ sở hạ tầng của các bản chưa được đầu tư đồng bộ. Để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, chúng tôi sẽ cố gắng phát huy nội lực, sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ để đưa quê hương ngày một thay đổi”, bà Lâm bày tỏ. 

Được biết, bà Lâm là một trong những đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc các DTTS Việt Nam lần thứ II sắp tới. 

Tin cùng chuyên mục