Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Nuôi dưỡng tình yêu văn hóa truyền thống

Hoàng Quý - 10:40, 12/05/2020

Những năm gần đây, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhiều trường học của tỉnh Hà Giang đã lồng ghép nội dung giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc vào chương trình học tập, hoạt động ngoại khóa của học sinh.

Học sinh Trường THCS Tân Bắc (huyện Quang Bình, Hà Giang) tham gia trò chơi dân gian đẩy gậy
Học sinh Trường THCS Tân Bắc (huyện Quang Bình, Hà Giang) tham gia trò chơi dân gian đẩy gậy

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Chiến Phố (Hoàng Su Phì) có 100% học sinh là con em dân tộc Nùng và Mông. Tại đây, ngoài dạy học theo chương trình chính khóa, nhà trường còn hướng cho học sinh giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình, qua các buổi hoạt động ngoại khóa và lồng ghép tổ chức các trò chơi, biểu diễn dân gian để các em được hòa mình vào không gian văn hóa các dân tộc. 

Vào các ngày lễ lớn của đất nước, Ban Giám hiệu còn chỉ đạo Đoàn trường tổ chức các hội thi, các hoạt động gắn với bản sắc văn hóa truyền thống như múa khèn Mông; Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao; Múa ngựa giấy, hát sli của dân tộc Nùng; Múa gậy đồng xu, múa khèn của dân tộc Mông hay Lễ hội Tết Khu Cù Tê của dân tộc La chí…

Em Lù Thị Chích, học sinh Trường PTDTBT THCS Chiến Phố chia sẻ: “Thông qua các nội dung hoạt động tại trường, chúng em đã hiểu nhiều hơn về truyền thống dân tộc mình, về những giá trị văn hóa kết tinh trong trang phục, tiếng nói, phong tục, tập quán..., để từ đó thêm tự hào về dân tộc mình, tự hào về mảnh đất nơi mình đã được sinh ra và lớn lên”.

Để nâng cao hiệu quả, Trường PTDTBT THCS Chiến Phố đã thành lập Ban Chỉ đạo giáo dục văn hóa truyền thống các DTTS để xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ cụ thể theo từng năm học. Bên cạnh việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, mời nghệ nhân dân gian đến trò chuyện với học sinh, Nhà trường còn tích cực hướng dẫn các em thành lập nhiều câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ…

Thầy giáo Đỗ Hữu Vịnh, Hiệu trưởng Nhà trường cho biết, trường đã thành lập được nhiều câu lạc bộ, thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh với 9 nội dung: Múa khèn Mông, múa gậy đồng xu, múa ô, múa ngựa, thêu thùa, may vá… Ngoài ra, các em còn được dạy cách tự quản lý tài sản cá nhân, tập thể dục buổi sáng, giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường, lớp; cách qua suối an toàn; trồng và chăm sóc vườn rau xanh... Thông qua các hoạt động này, góp phần thu hút học sinh đến trường đông đủ hơn, tạo hứng thú cho học sinh trong quá trình học tập, rèn luyện.

Thời gian qua, công tác giới thiệu, truyền dạy về văn hóa truyền thống các DTTS trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã được các đơn vị trường học triển khai thực hiện, với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa đạng: Giới thiệu về các di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh và các phong tục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian ở địa phương cũng như của tỉnh Hà Giang; truyền dạy một số làn điệu dân ca của địa phương như hát sli, hát lượn, dân ca Lô Lô, dân ca Mông,…; sử dụng một số nhạc cụ dân tộc như khèn môi, khèn lá, sáo Mông, đàn Tính,…

Ông Lâm Thế Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác giáo dục gắn với văn hóa truyền thống ngành Giáo dục tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các huyện/thành phố đôn đốc, kiểm tra, chỉ đạo việc giáo dục kỹ năng sống, truyền dạy văn hóa truyền thống trong nhà trường, nhân rộng những mô hình, cách làm hay, hiệu quả. 

Tin cùng chuyên mục
Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Làm du lịch cộng đồng ở làng hương trăm tuổi của người Nùng

Với người Nùng tại thôn Phia Thắp, xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng, nghề làm hương là niềm tự hào văn hóa đã in sâu trong tiềm thức của đồng bào, do vậy trải qua nhiều thế hệ đồng bào dân tộc nơi đây vẫn miệt mài nối tiếp nhau giữ gìn nghề truyền thống. Do vậy, Phia Thắp được lựa chọn là một trong 7 điểm du lịch cộng đồng của tỉnh được đầu tư, theo đó đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân làng nghề này.