Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Nuôi ruồi để chăn nuôi sạch

PV - 10:43, 27/08/2020

Dù cả gia đình ngăn cản, cũng như có không ít ánh mắt tò mò, nghi ngại của xóm giềng, ông Cao Đức Ấn (thôn 5, xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà, Kon Tum) vẫn bắt tay vào nuôi ruồi lính đen để làm thức ăn phục vụ chăn nuôi sạch. Hiệu quả đem lại đã cho thấy hướng đi đúng của ông Ấn.

Ông Ấn khoe đàn ruồi lính đen trưởng thành. Ảnh: HT
Ông Ấn khoe đàn ruồi lính đen trưởng thành. Ảnh: HT

Làm việc “điên khùng”

Dù đang thực hiện mô hình vườn, ao, chuồng (nuôi cá, trồng cà phê, cây ăn quả), nhưng ông Ấn vẫn luôn tìm tòi các mô hình phát triển kinh tế bền vững. Năm 2018, tình cờ xem trên mạng xã hội, ông biết đến mô hình nuôi ruồi lính đen để làm thức ăn chăn nuôi. Tìm tòi, suy nghĩ, nghiên cứu kỹ, lại nhận thấy có đủ nguồn lực (đất rộng, khí hậu phù hợp…), ông quyết tâm nuôi ruồi để làm thức ăn cho gà, cá. “Thay vì cho gà, cá ăn cám công nghiệp, tôi nuôi ruồi để lấy thức ăn cho chúng, phát triển theo hướng chăn nuôi hữu cơ, sạch, bền vững” - ông Ấn giải thích.

Vẫn biết ông Cao Đức Ấn là người hay mày mò, sáng tạo, làm những việc chưa ai làm đại trà, nhưng năm 2019, nghe chuyện ông chuẩn bị nuôi ruồi, ai nấy đều xua tay ngăn cản. “Ông này toàn làm việc “điên khùng”. Nuôi con gì không nuôi lại đi nuôi ruồi. Nuôi ruồi cho ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu dân cư”. Người ta nói tôi như vậy - ông Ấn chia sẻ.

Vợ ông - bà Phan Thị Hồng Nhung - luôn ủng hộ ông thực hiện các mô hình, nhưng lần này, bà cũng nhất quyết ngăn cản. Thậm chí, bà còn gọi điện về quê, nhờ người nhà cùng tác động để dừng ngay việc làm “điên khùng” của chồng.

Mặc kệ mọi người ra sức ngăn cản, tìm hiểu kỹ càng, ông Ấn vẫn quả quyết thực hiện. “Ai nói gì kệ, tôi không phân bua, giải thích, để kết quả chứng minh” - ông Ấn bảo vậy.

Suy nghĩ kỹ, ông đặt mua trên mạng 2 lạng trứng ruồi lính đen với giá 6 triệu đồng. “Lúc đấy tôi cũng nóng vội. Chuồng trại chưa chuẩn bị, kinh nghiệm chưa có, nên tôi thất bại. Trong quá trình vận chuyển, do nhiệt độ quá cao, 2 lạng trứng chết sạch. Tôi mất 6 triệu đồng” - ông Ấn nói.

Không bỏ cuộc, rút kinh nghiệm lần đầu, khoảng tháng 9/2019, sau khi chuẩn bị chuồng trại đàng hoàng, ông tìm vào Đồng Nai tham quan, học tập kinh nghiệm nuôi ruồi. Trong 1 tuần, ông học các kỹ thuật chăm sóc, phòng trị bệnh, cách ủ, ấp trứng… Có thêm những kiến thức cơ bản và kinh nghiệm từ thực tế, ông tiếp tục mua 2 lạng trứng ruồi đem về ấp trứng.

“Ăn với ruồi, ngủ với ruồi”

Không như lần đầu, lần này, sau khi mua trứng về, ông bỏ vào khay ủ trứng. Khoảng 2 ngày 3 đêm, trứng nở ra ấu trùng. Với kinh nghiệm học được, ông sử dụng cám (loại cám cho gà con) hòa với nước rồi rải lên khay để cho ấu trùng ăn. Sau khi ủ 4-7 ngày, ấu trùng to bằng đầu tăm, ông cho vào máng và sử dụng các loại bả đậu, thức ăn dư thừa để nuôi. Khoảng 20-25 ngày tuổi, ấu trùng đen dần, chuyển thành nhộng đen và đóng kén. “Lúc này ấu trùng hóa thành những con sâu đen và mình ngưng cho ăn. Và khoảng thời gian tầm 1 tuần tiếp theo nó sẽ thành ruồi và tiếp tục đẻ trứng” - ông Ấn chia sẻ.

Đã chuẩn bị sẵn tâm lý, thời gian đầu, vừa làm, vừa học để rút kinh nghiệm nên ông Ấn dành hầu hết thời gian vào đàn ruồi. Sáng, mở mắt ra, ông đã chạy xuống chuồng, kiếm thức ăn nuôi ấu trùng, chuẩn bị khay đựng trứng… quần quật đến tối mới lên nhà.

“Thời gian đầu, tôi không dám đụng vào, khiếp lắm! Lúc đấy, một mình ông ấy chăm sóc, ăn cũng nghĩ đến ruồi, ngủ cũng nghĩ đến ruồi. Nhiều lúc, nửa đêm đang ngủ ông còn chạy xuống xem đàn ruồi. Thấy ông quá quyết tâm, hơn nữa, nhìn đàn ấu trùng, nhộng ruồi mãi thành quen, hết sợ, tôi mới phụ giúp ông” – bà Nhung nhớ lại.

Ròng rã mấy tháng trời, mỗi lần làm, ông lại rút kinh nghiệm dần. Lần nuôi sau tốt hơn lần nuôi trước, cứ thế, thay vì mua trứng như ban đầu, ông đã tự ủ trứng và gây giống thành công.

1 lạng trứng nở ra khoảng 100kg ấu trùng. Ảnh: HT
1 lạng trứng nở ra khoảng 100kg ấu trùng. Ảnh: HT

Chi ít, thu nhiều

Vì ấu trùng ruồi lính đen có thể ăn nhiều thứ nên việc nuôi hầu như không tốn chi phí (trừ chi phí mua cám gà con giai đoạn đầu). “Ấu trùng của ruồi lính đen có thể phân hủy hầu hết các loại rác hữu cơ cũng như phân gà, phân heo… Chính vì vậy, phân gà thải ra đến đâu, ấu trùng xử lý hết đến đó. Ngày trước, việc chăn nuôi gà còn gây mùi hôi khó chịu, từ ngày nuôi ruồi lính đen, hoàn toàn không còn mùi hôi thối. Với những đặc điểm trên, người ta còn ứng dụng việc nuôi ruồi lính đen trong nông nghiệp và xử lý chất thải sinh hoạt” - ông Ấn cho biết.

Bên cạnh việc “dọn” vệ sinh môi trường, ấu trùng ruồi lính đen dùng làm thức ăn chăn nuôi gà, cá giúp tiết kiệm đến 50% chi phí so với nuôi bằng cám công nghiệp. “Qua làm thử nghiệm, 1 lạng trứng sẽ nở ra được khoảng 100 kg ấu trùng. Tôi trộn ấu trùng ruồi lính đen với bắp để cho khoảng 300 con gà ăn. Nếu như trước đây nuôi bằng cám công nghiệp, 1 ngày tôi mất 400 ngàn đồng tiền cám thì bây giờ khi dùng ấu trùng ruồi lính đen, tôi chỉ mất chi phí khoảng 200 ngàn đồng, mà hiệu quả hơn rất nhiều” - ông Ấn nói.

Ông Ấn còn cho hay, theo các nghiên cứu, ấu trùng ruồi lính đen trước giai đoạn hóa nhộng có thành phần dinh dưỡng cao (khoảng trên 40% protein, 10% chất béo và 5% canxi). Chính vì hàm lượng chất dinh dưỡng cao, gà, cá ăn ấu trùng mau lớn và sức đề kháng cao. Ông cho biết, đàn gà nhà ông nhanh lớn, khỏe mạnh, không bị bệnh phần lớn là nhờ ăn ấu trùng ruồi lính đen.

Không chỉ có vậy, xác ruồi lính đen sau khi đẻ trứng được tận dụng làm thức ăn cho gà, cá; làm phân bón hữu cơ cho cây trồng. Tiếng lành đồn xa, từ việc lo ngại việc nuôi ruồi lính đen tác động xấu đến môi trường, một số hộ chăn nuôi tại huyện Đăk Hà đã xuống tận nhà ông Ấn “mục sở thị” và làm theo.

Thay vì bán với giá 3 triệu đồng/1 lạng trứng, ông Ấn chỉ bán cho người dân với giá 1,5 triệu đồng. Cùng với đó, ông còn tận tình hướng dẫn cách làm chuồng trại, cách chăm sóc…

“Nuôi ruồi lính đen vừa là mô hình làm sạch môi trường chăn nuôi, vừa là mô hình chăn nuôi kinh tế được nhiều địa phương ở các tỉnh triển khai, nhưng ở Đăk Hà, gia đình tôi triển khai đầu tiên. Sắp tới, tôi cũng có hướng nhân rộng thêm. Bây giờ thì không ai nói ông Ấn “điên, khùng” nữa rồi. Nếu ai muốn học hoặc làm, tôi sẵn sàng giúp đỡ” - ông Ấn cười vui vẻ.


Tin cùng chuyên mục
Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Áp thuế GTGT 5% đối với phân bón là phù hợp

Tại tọa đàm tham vấn “Ảnh hưởng của việc áp dụng thuế suất thuế GTGT 5% đến ngành phân bón” mới đây, các chuyên gia kinh tế, tài chính đã khẳng định, cần chuyển đổi áp thuế GTGT 5% với phân bón để có dư địa giảm giá bán. Điều này phù hợp về góc độ khoa học, lợi ích kinh tế và hài hòa lợi ích các bên.