Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Ổn định cuộc sống cho công dân “hồi hương” tránh dịch: Nhiều thách thức (Bài 1)

Hải Tiến - 13:13, 19/08/2021

Thời gian qua, từ các tỉnh, thành phía Nam, hàng nghìn người dân ngày đêm vượt cung đường xa xôi lên tới cả nghìn cây số để về lại quê nhà do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dòng người ấy không chỉ gây áp lực lớn cho chính quyền địa phương trong công tác phòng chống dịch mà còn đặt ra nhiều vấn đề cho địa phương, liên quan đến chính sách hỗ trợ ổn định đời sống trước mắt, cũng như giải quyết việc làm về lâu dài.

 Lực lượng kiểm soát dịch bệnh phía Nam tỉnh Quảng Bình làm việc hết công suất khi hàng ngàn lao động hồi hương né dịch
Lực lượng kiểm soát dịch bệnh phía Nam tỉnh Quảng Bình làm việc hết công suất khi hàng ngàn lao động hồi hương né dịch

Hành trình rời bỏ chốn mưu sinh để hồi hương, không chỉ là áp lực với chính quyền sở tại mà còn với bản thân hàng ngàn lao động trong cuộc trở về bất đắc dĩ. Những khó khăn và thách thức ấy không chỉ là quãng đường thiên lý hàng ngàn km mà còn là những bữa ăn, giấc ngủ, an toàn phòng dịch bệnh… ngay tại mỗi khu cách ly mà chính quyền các cấp đang nỗ lực thực hiện.

Cuộc trở về bất đắc dĩ

Tôi đã từng cùng đồng nghiệp đứng tại chốt kiểm soát dịch bệnh cầu Bến Thủy 2 (Hưng Nguyên, Nghệ An) hàng giờ mà chẳng tin nổi vào mắt mình. Trên những chiếc xe máy cà tàng, nhiều đôi vợ chồng đèo thêm con nhỏ, xung quanh là bơm xe, can xăng dự phòng rồi ba lô quần áo… vượt chặng đường thiên lý hàng ngàn km để về đến quê nhà.

Trong cuộc trở về mà chúng tôi gặp ngày hôm ấy có vợ chồng Lỳ Bá Tồng và Vờ Y Dỡ  trú tại xã Đoọc Mạy huyện Kỳ Sơn (Nghệ An). Tồng sinh năm 1989 và Dỡ sinh năm 1994, nhưng đã nhiều năm mưu sinh ở Bình Dương. 

Tồng kể: Nhiều người bỏ về quê, vợ chồng tôi lo lắng nên cũng về luôn vì dịch bệnh thiếu việc làm, mất thu nhập. Hỏi chuyện về nhà rồi sẽ làm gì, ở đâu, lấy gì nuôi con ăn học… thì Tổng lắc đầu bảo: chưa biết, giờ chỉ nghĩ đến về nhà thôi.

Hành trình thiên lý của vợ chồng Lỳ Bá Tồng đã và đang là câu chuyện của cả ngàn người hồi hương trong những ngày qua. Họ dắt díu, đèo nhau trên đủ mọi loại phương tiện, giã từ chốn mưu sinh để trở về quê nhà khi mà dịch bệnh bủa vây TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Tại cuộc họp HĐND tỉnh Nghệ An mới đây, thông tin được đưa ra trước diễn đàn nghị sự là: Trong khoảng thời gian từ 27/4 đến 5/8, tỉnh này đã có khoảng 72.000 người dân trở về quê.

Trong khi đó, các tỉnh khác ở vùng Trung Bộ như Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… cũng đã có hàng ngàn người dân trở về quê hương, khi “vấp” phải đợt dịch kéo dài ở phía Nam. Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thông tin: Tính đến nay, Quảng Trị đã có hàng ngàn công dân trở về quê và đang được cách ly theo quy định.

Lỳ Bá Tồng cùng vợ trên hành trình về bản ở huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An. (Ảnh chụp tại Cầu Bến Thủy chiều 29/7)
Lỳ Bá Tồng cùng vợ trên hành trình về bản ở huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An. (Ảnh chụp tại Cầu Bến Thủy chiều 29/7)

Khi ngồi gõ những dòng chữ cho bài viết này, tôi đã được đồng nghiệp cung cấp thêm thông tin về đoàn xe máy ước đến hàng ngàn người đang dự định rời bỏ TP. Hồ Chí Minh trở về quê nhà. Theo đó, vào sáng 15/8, hàng trăm người dân ở khu vực miền Trung, đa phần là công nhân lao động, thuê trọ, sống trên địa bàn Thành phố, mang theo hành lý trên xe máy với ý định đi về quê tránh dịch... 

Tại các điểm chốt chống dịch, các lực lượng chức năng đã phải rất vất vả thuyết phục, tuyên truyền người dân quay trở lại khu lưu trú, nghiêm túc thực hiện 5K và các chỉ thị chống dịch của Chính phủ. Nhưng tất cả không hề dễ dàng, khi mà TP. Hồ Chí Minh tiếp tục kéo dài lệnh cách ly xã hội đến 15/9, khi mà những lo lắng cho cuộc sống thường nhật của người lao động trở nên bức thiết hơn…

Có lẽ với rất nhiều người, họ không nghĩ đến một ngày lại rời bỏ chốn mưu sinh theo cách đặc biệt như vậy. Trong hàng ngàn người hồi hương hôm nay, chắc hẳn sẽ có rất nhiều người chưa biết đến bao giờ mới quay trở lại chốn mưu sinh ấy. Cuộc trở về quê “bất đắc dĩ” hôm nay có thể sẽ là cuộc trở về “mãi mãi”? 

Những công dân hồi hương chắc hẳn cũng sẽ có cùng suy nghĩ như vợ chồng Lỳ Bá Tồng và Vờ Y Dỡ, trú tại xã Đoọc Mạy huyện Kỳ Sơn ở trên. Ấy là dịch đến thì chạy dịch về quê. Còn về quê rồi làm gì, sinh sống như thế nào thì chưa rõ.

Những khó khăn chực chờ

Hàng ngàn lao động các tỉnh Trung Bộ hồi hương “né dịch” đã đẩy áp lực lên vai các cấp chính quyền mỗi địa phương về việc cách ly, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Đằng sau những cuộc “chạy dịch”, là bao vấn đề đặt ra cần phải giải quyết về việc làm, thu nhập, nơi ở và các vấn đề xã hội nảy sinh khi đợt cách ly kết thúc.

Những ngày qua, lượng công dân về quê đông đã gia tăng áp lực lên vai chính quyền các huyện ở Nghệ An. Áp lực trước hết là phải đảm bảo đủ cơ sở vật chất làm chỗ cách ly tập trung. Hiện Nghệ An đã trưng dụng gần 500 trường học tại các địa phương như Kỳ Sơn, Tương Dương, Anh Sơn, Diễn Châu, Thanh Chương, Quế Phong... làm khu cách ly tập trung. 

Tại Hà Tĩnh, nhiều khu cách ly tập trung ở một số địa phương đã quá tải khi số lượng người hồi hương gia tăng. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) nói: Chúng tôi buộc phải trưng dụng tất cả phòng học của bậc mầm non, trạm y tế xã để làm khu cách ly tập trung, nhưng nhiều nơi hiện đã quá tải.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng (thứ 2 từ trái qua) kiểm tra tại chốt phòng, chống dịch tại khu vực phong tỏa trên địa bàn TP. Đông Hà.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng (thứ 2 từ trái qua) kiểm tra chốt phòng, chống dịch tại khu vực phong tỏa trên địa bàn TP. Đông Hà.

Lãnh đạo các địa phương cho biết, để sử dụng phòng học thành điểm cách ly, chính quyền các cấp đã phải huy động nhiều nhân lực chuẩn bị chỗ ở an toàn, tổ chức khử khuẩn toàn bộ khuôn viên trường lớp. Ngoài ra khu bán trú, nhà chức năng cũng phải được khử khuẩn, tổ chức lại để làm chỗ làm việc của các thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch; làm khu vực nấu ăn phục vụ cho công dân đang cách ly cũng như các lực lượng tham gia chống dịch. 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho hay: Số lượng người phải cách ly đông, nên công tác đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, đảm bảo nơi ăn ở, sinh hoạt cho công dân trong khu vực cách ly là điều không hề đơn giản đối với nhiều địa phương.

“Để đảm bảo an toàn cho các khu cách ly tập trung, địa phương đã phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị túc trực canh gác, tổ chức nấu ăn, xét nghiệm định kỳ…. Không chỉ vất vả, khó khăn vì phải huy động tối đa nhân lực, dành nhiều thời gian mà còn rất tốn kém kinh phí”, ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn (Nghệ An) bày tỏ.

Nhưng tất cả mới chỉ là khó khăn khăn trước mắt. Vấn đề hậu cách ly đang là thực tế không hề đơn giản. Đó là việc số công dân hồi hương này sẽ làm việc gì, lấy thu nhập ở đâu để sống, họ sẽ ở đâu, con cái học hành như thế nào… Chưa kể, các vấn đề xã hội khác có thể này sinh nếu không quản lý tốt công dân nơi cư trú.

Lời ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, có lẽ sẽ câu chuyện đang được nhiều tỉnh vùng Trung Bộ quan tâm, chú ý. Ông Hưng cho biết: Lâu nay, đảm bảo an sinh xã hội như tạo việc làm, thu nhập, chỗ ở… cho người dân sở tại đã rất khó khăn. Nay tiếp nhận thêm hàng ngàn công dân trở về quê hương cùng một lúc, trong muôn vàn khó khăn của dịch bệnh Covid-19, thì còn khó hơn gấp nhiều nữa.

Nỗi lo đảm bảo việc làm, nơi ăn ở, học tập cho người dân và con em công dân hồi hương chưa bao giờ trở nên căng thẳng đối với các địa phương đến vậy...

Tin cùng chuyên mục
Dấu ấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ở Lào Cai

Dấu ấn thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ở Lào Cai

Lào Cai là tỉnh vùng cao với trên 60% dân số là đồng bào DTTS; thời gian qua nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc của Nhà nước, đặc biệt là các dự án Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK.