Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Ông Già Sìa Pó làm giàu từ chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa

Phạm Văn Phú - 12:12, 10/05/2021

Ông Già Sìa Pó (60 tuổi, dân tộc Mông, thôn Tìa Chớ xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang) là tấm gương vượt khó thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa gắn với trồng cỏ.

Ông Già Sìa Pó chăm sóc đàn bò của gia đình.
Ông Già Sìa Pó chăm sóc đàn bò của gia đình.

Sinh ra và lớn lên tại vùng cao khó khăn, ông Già Sìa Pó thấm thía cảnh gia đình luôn trong cảnh thiếu đói khi giáp hạt. Sống trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, đất canh tác chủ yếu là các đồi núi đá, địa hình chia cắt…, ông Pó luôn suy nghĩ làm cách nào để đưa gia đình thoát được cảnh đói nghèo. Vậy là ông Pó tìm đến các gia đình làm kinh tế thành công để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Năm 2014, ông quyết định vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 60 triệu đồng để đầu tư nuôi bò thịt. Ông bỏ ra 45 triệu đồng mua 3 con bê giống về nuôi. Số tiền còn lại, ông dùng để đầu tư chuồng trại và trồng gần 0,5 ha cỏ voi làm thức ăn cho bê. Sau gần 1 năm, ông Pó bán đàn bò được 110 triệu đồng. Từ số tiền bán bò, ông Pó đã trả hết nợ ngân hàng. Số tiền còn lại, ông tiếp tục mua bê về để nuôi. Đến nay, đàn bò của gia đình ông luôn duy trì từ 15 - 20 con.

Ông Pó chia sẻ, tôi đã không ngừng tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình chăn nuôi thành công và đọc thêm trên sách, báo; tích cực tham gia các buổi tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc do địa phương tổ chức. Để nuôi bò nhanh lớn, phải bảo đảm đủ nguồn thức ăn thô xanh và thức ăn tinh như bột ngô, cám gạo. Bên cạnh đó, phải chủ động tiêm phòng các loại dịch bệnh và vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, giữ chuồng trại thoáng mát về mùa hè và ấm vào mùa đông…

Được biết, ngoài chăn nuôi bò, gia đình ông Pó còn nuôi lợn đen và các loại gia cầm như gà xương đen, vịt, ngan… trồng trên 2,5 ha ngô nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình.

Khi được hỏi về thu nhập, ông Pó cho biết, gia đình thường nuôi bò gối lứa lên 3 - 4 tháng xuất bán một lần, mỗi lần bán từ 4 - 5 con với giá bình quân 30 - 35 triệu đồng/con. Có những con bò đực to, có thể bán với giá trên 40 triệu đồng. Tổng thu nhập từ bán bò mỗi năm được khoảng từ 600 - 650 triệu đồng, sau khi trừ các khoản chi phí (giống, thuốc tiêm phòng, thức ăn tinh bột…), ông Pó lãi khoảng 350 triệu đồng.

Ông Hoàng Văn Chất, Chủ tịch UBND xã Xín Cái, huyện Mèo Vạc nhận xét: Gia đình ông Già Sìa Pó là một hộ điển hình trong xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu từ mô hình chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa gắn với trồng cỏ voi. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Già Sìa Pó còn là một Trưởng thôn gương mẫu, được bà con tín nhiệm trong nhiều năm qua. Năm 2019, ông Pó đã được Hội Nông dân huyện Mèo Vạc cử đi báo cáo điển hình tiên tiến tại Hội nghị “Nông dân điển hình trong phát triển kinh tế 2019 tỉnh Hà Giang”.

Tin cùng chuyên mục
CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

CEO Vinamilk: Ưu tiên của chúng tôi là tiếp tục tăng thị phần, đảm bảo hiệu quả kinh doanh và cổ tức cho cổ đông

Ngày 25/4/2024, Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (“Vinamilk”) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (“ĐHĐCĐ”) năm 2024. Theo đó, dựa trên kỳ vọng tình hình vĩ mô cải thiện trong năm 2024, Công ty đặt mục tiêu tăng trưởng 4,4% về doanh thu và 5% về lợi nhuận trước thuế. Bên cạnh đó, chiến lược đổi mới về thương hiệu, sản phẩm và phát triển bền vững của Vinamilk cũng được cổ đông quan tâm.