Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Quyết chí làm giàu trên lòng hồ Hủa Na

Thanh Hải - 17:11, 18/03/2021

Dẫu đã nghe nhiều, nhưng rồi khi tận mắt chứng kiến, tôi vẫn không khỏi bất ngờ trước nghị lực, khát khao, hoài bão của những chàng trai dân tộcThái sống ở vùng lòng hồ Hủa Na, huyện Quế Phong (Nghệ An). Họ thực sự là những con người đầy bản bản lính cùng ý chí vượt khó.

Kiểm tra sự tăng trưởng của cá
Kiểm tra sự tăng trưởng của cá

Nuôi cá để thoát nghèo

Nhiều năm trước, công trình thủy điện Hủa Na ở huyện Quế Phong tích nước. Nước dâng đến đâu, dân phải di dời tái định cư đến đó. Những khu tái định cư mới được mọc lên trên các xã Đồng Văn, Thông Thụ kéo theo cuộc sống của hàng ngàn người dân phải làm lại từ đầu khi chuyển đến vùng đất mới.

Thấy một số nơi nuôi cá lồng thành công từ việc tận dụng diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, nhiều thanh niên người Thái nơi đây đã nảy sinh ý tưởng làm theo. Nhưng từ suy nghĩ, rồi đến khi bắt tay vào thực hiện, là cả một quãng thời gian đắn đo, băn khoăn. Thậm chí có hộ, dẫu muốn nhưng chẳng biết bắt đầu từ đâu, bởi trước đây chỉ quen với việc đánh lưới bắt cá ở khe suối.

Lang Văn Sáng ở bản Pù Duộc, là một trong những hộ đầu tiên ở xã Đồng Văn đóng lồng nuôi cá trên lòng hồ thủy điện. Sáng kể: Nhà mình đã có 20 lồng cá rồi đấy, tất cả là lồng sắt và nhựa tổng hợp. Mình đọc trên ti vi, sách báo và làm theo hướng dẫn của cán bộ kĩ thuật huyện. Mỗi năm, từ việc nuôi cá trắm, cá leo, nhà mình đã thu hoạch hàng chục tấn cá. Cá vừa bắt khỏi lồng, đã có người ở xa hỏi mua, vui lắm.

Khi chúng tôi ghé thăm, vợ chồng Sáng đang tất bật cho cá ăn. Những con cá giành mồi quẫy đuôi làm tung lên những lọn nước trắng, lấp lánh. Sáng bảo: Thức ăn chủ yếu lấy từ tự nhiên, như lá chuối, cỏ và cá nhỏ xay nhuyễn nên thịt cá dai và thơm ngon.

Trần Văn Thuận ở bản Piềng Văn (Đồng Văn) trước đây là một hộ nghèo, kinh tế gia đình khó khăn. Thấy mọi người đóng lồng nuôi cá, Thuận vay mượn đầu tư nuôi 60 lồng cá. Thuận cười tươi: "Nhà mình đã thoát nghèo rồi. Từ 60 lồng cá, mỗi năm nhà mình thu được 700 triệu đồng, trừ chi phí còn lại gần 200 triệu đấy".

Hiện tại, trên vùng lòng hồ Hủa Na đang có hơn 400 lồng cá của gần 30 hộ dân ở xã Đồng Văn. Cá giống là những loại thương phẩm như cá vược, bổng, lăng, ghé, trắm giòn, chình… được bà con lấy từ các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu. Mỗi lồng thả từ 200 - 300 con, thông thường 1 năm sau khi thả sẽ cho thu hoạch. Nhưng tùy nhu cầu của khách mua, họ có thể chọn tỉa bán dần. Theo giá thị trường, nhiều loại cá được thương lái mua tại lồng với giá rất cao: cá vược 120 ngàn đồng/kg, cá lăng 120 ngàn đồng/kg, cá bổng 100 ngàn đồng/kg…

Những lồng cá giữa lòng hồ Hủa Na là thành quả của sự quyết tâm, ý chí vươn lên làm giàu của những người thanh niên trẻ tuổi
Những lồng cá giữa lòng hồ Hủa Na là thành quả của sự quyết tâm, ý chí vươn lên làm giàu của những người thanh niên trẻ tuổi

Ông Bùi Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong phấn khởi: Nghề nuôi cá lồng đang là nghề kinh tế mũi nhọn, có hiệu quả cao. quá trình nuôi thả của bà con đã được cán bộ kĩ thuật của huyện hỗ trợ, hướng dẫn tỉ mỉ. Tất cả các khâu từ chọn con giống, cho ăn, chăm sóc hàng ngày… được bà con tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn.

"Chúng tôi rất mừng khi bà con đồng bào DTTS nơi đây đã biết làm giàu từ nghề nuôi cá thương phẩm trên vùng lòng hồ. Cũng nhờ nuôi cá, nhiều hộ người Thái từ nghèo đã trở nên khá giả", ông Hiền phấn khởi cho biết. 

Xây dựng thương hiệu

Nghề nuôi cá lồng đã dần đi vào ổn định, nhiều hộ đã thoát nghèo. Nhưng sản phẩm cá vẫn còn thiếu thương hiệu, tiêu thụ tự phát... Những trăn trở ấy đã được những hộ nuôi cá lồng “khắc phục” bằng việc quyết tâm thành lập Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp Hủa Na.

Lang Văn Mão, sinh năm 1987, Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Hủa Na tâm sự: Khi chưa thành lập HTX, mạnh ai nấy làm thôi. Bọn mình thành lập HTX là để hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Muốn được tiêu thụ sản phẩm ở nơi xa hơn, quảng bá và giới thiệu sản phầm tốt hơn.

Điều rất đặc biệt, những thành viên của HTX là những người có tuổi đời còn rất trẻ, thuộc thế hệ 8X, 9X. Có những thành viên như Lang Văn Quý, Lang Văn Xô… sinh năm 1993 nhưng đã sở hữu hàng chục lồng nuôi cá thương phẩm có giá trị kinh tế cao.

Lang Văn Mão cho biết: "Nhiều thành viên của HTX từng bỏ quê mưu sinh nhiều năm trời. Khi chúng tôi thành lập HTX và nhận thấy, nghề nuôi cá lồng có hiệu quả, họ đã về quê, quyết chí lập nghiệp và làm giàu trên quê hương. Đó là điều rất đáng mừng".

“Khó đâu gỡ đấy”, thiếu kiến thức về đóng lồng bè, kĩ thuật nuôi cá… các chàng trai đã tận dụng lợi thế của điện thoại thông minh smatphon, để truy cập học hỏi kinh nghiệm từ các nơi khác. Ngoài ra, phương pháp, kĩ thuật nuôi thả, chăm sóc cá… đã được cán bộ kĩ thuật Phòng Nông nghiệp, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện đã tích cực hỗ trợ. Nhờ vậy, những loại bệnh thông thường đã sớm được phát hiện và chữa trị kịp thời.

Từ khi thành lập đến nay, HTX đã liên kết tiêu thụ sản phẩm tại các siêu thị thực phẩm sạch trên địa bàn thành phố Vinh; bước đầu đã mở rộng thị trường tiêu thụ ra ngoại tỉnh. Thông qua khách tham quan du lịch lòng hồ, các gia đình đã tiêu thụ được sản phẩm qua nấu ăn cho khách.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tham quan mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An tham quan mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ

Giám đốc HTX Lang Văn Mão khoe: Sản phẩm cá lồng của bọn mình đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP rồi. Điều này rất thuận tiện để bọn mình mở rộng thị trường, mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi. Thấy hiệu quả, khoảng gần 100 lồng của 10 hộ ở xã Thông Thụ đã xin được gia nhập vào HTX. Khi được thông qua, HTX sẽ có gần 500 lồng cá của 40 hộ.

Chúng tôi đã có nguyên một ngày "cưỡi" thuyền máy, rẽ sóng để đến với những chàng trai đang quyết chí làm giàu giữa lòng hồ Hủa Na. Và rồi khi bước khỏi thuyền, rời xa những chiếc lồng đầy cá, rời xa những người trẻ miệt núi rừng… lòng không khỏi vui sướng. Vui vì nghề nuôi cá lồng giữa lòng hồ đang dần được khẳng định, vui vì những người trẻ đã vượt khó để mạnh dạn khởi nghiệp, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Tin cùng chuyên mục
Lễ hội A Riêu Piing ở A Bung được tổ chức lại sau 10 năm vắng bóng

Lễ hội A Riêu Piing ở A Bung được tổ chức lại sau 10 năm vắng bóng

Như một cái duyên, tôi trở lại xã A Bung (huyện Đakrông, Quảng Trị) đúng vào dịp lễ A Riêu Piing đang diễn ra. Sau bao năm gần như bị lãng quên trong cuộc sống hiện đại, lễ hội A Riêu Piing ở A Bung tiếp tục được tổ chức vẫn mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống đồng bào Pa Cô (dân tộc Tà Ôi), đặc biệt là âm thanh vang vọng, rộn rã của tiếng cồng, tiếng chiêng- điểm nhấn quan trọng trong lễ hội A Riêu Piing.