Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Gương sáng

Nghị lực phi thường của một cựu chiến binh

Quỳnh Trâm - 10:33, 26/03/2021

Trở về sau chiến tranh chống Mỹ cứu nước, ông Lê Xuân Khương ở huyện miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) mang trong mình nỗi đau chất độc da cam. Thế nhưng, với tinh thần vượt khó, nghị lực phi thường, người cựu binh này đã vươn lên xây dựng cuộc sống, làm giàu trên vùng đất quê hương.

Vượt qua nỗi đau chiến tranh, bệnh binh Lê Xuân Khương đã làm giàu trên đất trang trại, thu về gần nửa tỉ đồng mỗi năm.
Vượt qua nỗi đau chiến tranh, cựu chiến binh Lê Xuân Khương đã vươn lên làm giàu, với mức thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm

Vượt lên nỗi đau

Mỗi sáng sớm, như một thói quen, ông Lê Xuân Khương (SN 1950), ở xã Cát Tân, huyện Như Xuân lại thay quần áo, ủng và cầm dao lên đồi. Chăm sóc rừng keo, luồng, chăn nuôi lợn cỏ, gà đồi là công việc ông dành nhiều tâm sức những năm qua.

Ngắm nhìn trang trại rộng hơn 15 ha, ông Khương tự hào nói: “Đây là thành quả lao động của tôi làm hơn nửa đời người mới có được. Nhờ nó, vợ và các con tôi được nuôi sống”.

Kể về những ngày quân ngũ, ông vẫn nhớ rõ, ngày 19/3/1967, khi ông 17 tuổi, ông đã viết đơn bằng máu tình nguyện ra mặt trận chống Mỹ. Ông từng chiến đấu ở một số mặt trận Đường 9 Khe Sanh, chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, chiến dịch Nam Lào năm 1971, chiến dịch Quảng Trị 1972, chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.

Khi đất nước hòa bình, thống nhất, ông trở về quê hương, mang theo những vết thương chằng chịt do bom đạn với tỷ lệ thương tật 61%, một tai không còn nghe rõ. Sức khỏe yếu vì vết thương thường xuyên hành hạ, nhưng điều ông không ngờ nhất, là cơ thể ông đã nhiễm chất độc màu da cam.

Năm 1986, ông lập gia đình, lần lượt sinh được 6 người con thì có đến 3 người bị di chứng của chất độc da cam, mang trong mình những căn bệnh quái ác. Người con gái thứ 5 sinh ra lành lặn, là niềm hi vọng lớn nhất của hai vợ chồng. Nhưng nghiệt ngã thay, khi cháu đang theo học Trường Dân tộc nội trú Văn hóa Hữu nghị Trung ương, thì bệnh khớp phát nặng, liệt toàn thân, chân tay teo lại, cánh cửa tương lai gần như khép lại.

Nỗi đau chiến tranh chưa dừng lại ở đó. Con gái đầu của ông Khương lấy chồng và sinh cháu ngoại đầu tiên, thì cậu bé cũng mang trong mình căn bệnh máu trắng mà theo ông Khương, đó là di chứng của chất độc da cam.

Cuộc sống nghèo khó, khốn cùng bữa đói, bữa no, bệnh tật bủa vây, có lúc khiến người đàn ông này như rơi xuống vực thẳm. Nhưng với ý chí, lòng kiên định của một người lính cụ Hồ, người cựu binh không cho phép ông gục ngã.

Làm giàu từ hai bàn tay trắng

Suốt nhiều năm, hai vợ chồng ông chăm chỉ, cần mẫn với núi đồi để khai hoang, trồng sắn, ngô, chè, đào ao, ruộng để nuôi cá, trồng lúa.

Năm 1998, khi có dự án trồng cây cà phê, ông dồn hết vốn liếng và vay mượn thêm để trồng 4 ha cà phê. Song, do thổ nhưỡng không phù hợp, giá thu mua lại thấp nên dự án cà phê bị phá sản.

Sau thất bại đó, ông mạnh dạn vay vốn ngân hàng, tiếp tục thử sức thêm một lần nữa. Năm 2004, gia đình ông thành lập trang trại 10ha. Đây cũng là trang trại đầu tiên của huyện Như Xuân.

“Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”, từ 2010 đến 2013, gia đình ông thu hoạch được 350 tấn keo tươi, với số tiền 385 triệu đồng; cây luồng cho thu nhập từ 50 đến 80 triệu đồng/năm; thu nhập cá từ 10 đến 15 triệu đồng/năm; thu hoạch từ 3 đến 7 tấn lúa/năm; thu hoạch gà từ 40- 50 triệu đồng/năm; lợn cỏ lai lòi hơn 30 triệu đồng/năm. Ngoài ra, gia đình ông đã cải tạo vườn tạp, thay thế trồng cây công nghiệp lâu dài như: trồng 5 ha cây cao su, 2 ha keo, xen canh sắn thu hoạch gần 100 triệu đồng/năm.

Cho đến năm 2020, với 2 ha keo, gia đình ông Khương thu hoạch gần 200 triệu đồng, thu hoạch 5 ha cao su, trừ chi phí cũng được 250 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn thu hoạch được 5 tấn lúa với hơn 35 triệu đồng, 2 tấn cá với hơn 30 triệu đồng…

Đến nay, trang trại của gia đình ông có tổng diện tích gần 15 ha đã đi vào sản xuất ổn định... cho thu nhập bình quân mỗi năm từ 350 triệu đồng- 500 triệu đồng, tạo việc làm thời vụ cho 10 đến 15 lao động tại địa phương.

Ông Khương bộc bạch, nỗi đau lớn nhất là con, cháu bị ảnh hưởng chất độc da cam, cả đời bị bệnh tật hành hạ. "Tôi vẫn còn may mắn hơn hàng ngàn người khác phải nằm lại ở chiến trường, còn được trở về là còn may mắn. Phải sống làm sao để biến đau thương thành sức mạnh, vươn lên hướng tới tương lai tươi sáng hơn”, người cựu binh nói.

Với những nỗ lực của mình, bệnh binh Lê Xuân Khương được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc vượt qua khó khăn, vươn lên phát triển kinh tế, hòa nhập tốt cộng đồng. Ngoài ra, nhiều năm liền ông Khương được Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Thanh Hóa; Chủ tịch UBND huyện Như Xuân tặng Giấy khen về thành tích trong lao động sản xuất; Là người có công tiêu biểu; Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện …

Tin cùng chuyên mục