Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Pa Xa Lào rộn ràng tiếng thoi

Vũ Lợi - Hải An - 16:17, 26/11/2019

Từ khi định cư, lập bản, cộng đồng dân tộc Lào nơi đây vẫn gìn giữ, bảo lưu và trao truyền được những bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Ngoài việc gìn giữ được những bản sắc văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc, nghề dệt thổ cẩm truyền thống còn tạo sinh kế, giúp người dân nơi đây ổn định và từng bước đưa kinh tế gia đình phát triển, bản làng ấm no.

Dù tuổi cao nhưng hằng ngày bà Nút vẫn truyền dạy cách thêu dệt hoa văn cho các phụ nữ trong bản
Dù tuổi cao nhưng hằng ngày bà Nút vẫn truyền dạy cách thêu dệt hoa văn cho các phụ nữ trong bản

Xã biên giới Pa Thơm giáp nước bạn Lào, nằm phía Tây huyện Điện Biên, cách TP. Điện Biên Phủ (Điện Biên) gần 40km. Đây là 1 trong 4 xã vùng ngoài lòng chảo thung lũng Mường Thanh. Toàn xã có 270 hộ dân, với gần 1.300 nhân khẩu, thuộc 3 cộng đồng dân tộc Lào, Cống và Khơ-mú sinh sống. Trong 6 bản của xã Pa Thơm, cộng đồng dân tộc Lào sinh sống ở tập trung ở bản Pa Xa  Lào, với 56 hộ và bản Pa Thơm, với 15 hộ dân.

Bước chân vào bản Pa Xa Lào, chúng tôi như “lạc” vào trong không gian lách cách, rộn ràng tiếng thoi đưa, “hoa mắt” trước sắc màu thổ cẩm của những tấm vải đang phơi, hong nắng bên hiên nhà, đầu hồi, dọc hành lang những con đường đấu nối các cụm dân cư là những dãy nhà truyền thống xây dựng song song, hướng mặt nhà vào nhau.

Đi sâu vào trung tâm bản, chúng tôi dễ dàng bắt gặp các mẹ, các chị, các bà đang cặm cụi, chăm chỉ bên khung dệt để dệt nên những tấm thổ cẩm. Ở một góc khác, là những người già đang cần mẫn chỉ bảo ý nghĩa và hướng dẫn cách tạo nên những loại hoa văn lạ, độc đáo cho những thiếu nữ trẻ.

Mải miết và luôn tay bên khung dệt vải, chị Lò Thị Thơm cho biết: “Nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người dân bản có từ lâu đời rồi. Khi tôi được 12 tuổi, thì mẹ đã truyền dạy nghề cho tôi”.

Hiện, nhà nào ở bản Pa Xa Lào cũng sở hữu một khung dệt thổ cẩm, ngoài cung cấp nguồn chất liệu may mặc cho cộng đồng trong bản, còn cung ứng cho thị trường. Khi vào những dịp gần Tết, nhu cầu sử dụng đến vải thổ cẩm của người dân nhiều hơn, thì các khung cửi sẽ phải hoạt động hết công suất. Bên khung cửi, người dân mắc thêm đèn điện chiếu sáng để tranh thủ thời gian dệt vải. Đêm xuống, tiếng thoi vẫn vọng đều trong thung lũng, một góc bản làng nơi biên cương vẫn bừng sáng.

Theo bà Lò Thị Nút, 75 tuổi, ở bản Pa Xa Lào, nghề dệt thổ cẩm nơi đây, được coi là nét văn hóa độc đáo của cộng đồng dân tộc Lào. Mỗi nét hoa văn thổ cẩm trên trang phục của phụ nữ cộng đồng dân tộc Lào là một nét tinh hoa văn hóa dân gian đã được chọn lọc, gìn giữ và trao truyền qua nhiều đời. Ngoài chức năng làm đẹp, các họa tiết như con công, con rồng cổ đỏ, con hươu và các hình tam giác, hoa thị… còn mang ý nghĩa bảo vệ sức khỏe cho chính người sử dụng trang phục.

Trang phục của cộng đồng dân tộc Lào có nhiều màu sắc như trắng, hồng, vàng, tím, xanh được nhuộm bằng chàm, vỏ, lá cây rừng. Từ đó nhiều đời nay, nghề dệt thổ cẩm đã trở thành phong tục tập quán của dân tộc Lào nên những người cao niên như bà luôn phải nỗ lực truyền dạy cho con cháu, để thế hệ đời con, cháu, chắt mình mãi mãi không được quên bản sắc của dân tộc.

Do tuổi cao, không trực tiếp tham gia vào công việc dệt vải nữa nhưng bà Nút vẫn ý thức được việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa của cộng đồng dân tộc mình qua các công việc kiểm tra, đánh giá chất lượng sản phẩm và truyền dạy cách thức thêu dệt hoa văn cho phụ nữ trong bản. Việc làm của bà cũng chỉ vì một mục đích duy nhất là để các đời con cháu sau này, không ai được quên bản sắc của dân tộc mình.


Tin cùng chuyên mục
Đêm hội cồng chiêng “Âm vọng cội nguồn - Đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum”

Đêm hội cồng chiêng “Âm vọng cội nguồn - Đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum”

Nằm trong khuôn khổ các hoạt động chào mừng Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Kon Tum lần thứ IV năm 2024, tối ngày 10/10, tại Nhà rông Kon Klor (phường Thắng Lợi, Tp. Kon Tum) đã diễn ra chương trình Đêm hội cồng chiêng, với chủ đề “Âm vọng cội nguồn - Đoàn kết các dân tộc tỉnh Kon Tum”.