Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Cao Bằng: Nhiều địa phương “hụt hơi” trong xây dựng nông thôn mới

Chu Gia - Thiên Đức - 11:03, 22/06/2021

Hiện nay, nhiều địa phương trong cả nước đã về đích nông thôn mới (NTM). Thế nhưng, vẫn còn nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa tỉnh Cao Bằng đang chật vật và tỏ ra "hụt hơi" khi triển khai Chương trình NTM.

Người dân ở huyện Hà Quảng cùng chung tay làm công trình NTM
Người dân ở huyện Hà Quảng cùng chung tay làm công trình NTM

122/139 xã chưa hoàn thành Chương trình NTM

Cần Nông là một xã khó khăn của huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Mặc dù có nhiều nỗ lực trong xây dựng NTM nhưng đến nay, xã chỉ hoàn thành 10/19 tiêu chí. Các tiêu chí chưa đạt được gồm, cơ sở vật chất văn hóa, thông tin và truyền thông, nhà dân cư, thu nhập, hộ nghèo, tổ chức sản xuất, môi trường…

Còn đối với xã Quang Trung, huyện Hòa An lại vấp phải "hòn đá tảng” trong xây dựng NTM, đó là tiêu chí giảm nghèo. Xã Quang Trung hiện nay có trên 49% hộ nghèo. Công tác giảm nghèo ở đây đang là vấn đề khiến cấp ủy, chính quyền địa phương trăn trở.

Ông Nông Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Quang Trung cho biết, hiện nay người dân chủ yếu trồng cây ngô, lúa nên thu nhập rất thấp. Đa số các hộ trên địa bàn xã thiếu đất sản xuất, đất đai dễ bạc màu nên người dân chưa có điều kiện phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, một số hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa có ý thức vươn lên thoát nghèo...

Không chỉ riêng 2 xã Cần Nông, Quang Trung mà nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đều gặp khó khăn trong xây dựng NTM. Nằm cách thành phố Cao Bằng trên 150 km, Bảo Lâm đang là huyện duy nhất của tỉnh Cao Bằng chưa có xã về đích xây dựng NTM. Đến nay, Bảo Lâm bình quân đạt 10,5 tiêu chí/xã. Xã đạt tiêu chí cao nhất là Yên Thổ cũng chỉ có 14/19 tiêu chí, xã thấp nhất đạt 8/19 tiêu chí. Các khó khăn lớn của huyện Bảo Lâm, là tỷ lệ hộ dân chưa có điện còn cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao…

Theo Văn phòng điều phối xây dựng NTM tỉnh Cao Bằng, trong tổng số 139 xã của tỉnh thực hiện xây dựng NTM, Cao Bằng còn 122 xã chưa hoàn thành Chương trình. Hiện nay, tỉnh có 74 xã mới chỉ đạt từ 5-9 tiêu chí/xã. Nhiều xã đạt dưới 10 tiêu chí đang là bài toán khó khăn về xây dựng NTM trong giai đoạn tới của tỉnh Cao Bằng.

Cần tập trung nguồn lực

Có thể nói, Chương trình xây dựng NTM đã qua một thời gian tương đối dài, nhiều địa phương thuận lợi đã hoàn thành mục tiêu về đích. Vì vậy, thời gian tới, thay vì "rải mành mành" nguồn lực, chúng ta cần phải tập vào những địa phương đạt tiêu chí thấp.

Ông Đỗ Thế Giáp, Chủ tịch UBND xã Cần Nông, huyện Hà Quảng cho biết, hiện nay xã đang rất thiếu nguồn lực để xây dựng Chương trình NTM. Theo tính toán của cơ quan chuyên môn, xã cần ít nhất 20 tỷ đồng để hoàn thiện các chỉ tiêu chưa đạt. Do đó, ngoài việc tiếp tục thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM, xã Cần Nông rất mong muốn các cấp, ngành bố trí ngân sách, có chính sách hỗ trợ phù hợp để địa phương thực hiện các tiêu chí NTM…

Cần ưu tiên đầu tư các thiết chế NTM, trong đó có các chợ trung tâm (trong ảnh một góc chợ ở thị trấn Pác Miều huyện Bảo Lâm)
Cần ưu tiên đầu tư các thiết chế NTM, trong đó có các chợ trung tâm (Trong ảnh: Một góc chợ ở thị trấn Pác Miều huyện Bảo Lâm)

Còn ông Ban Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Lâm cho biết, là một địa phương vùng sâu, vùng xa vốn đã gặp nhiều khó khăn nên việc xây dựng NTM của huyện, có xuất phát điểm thấp hơn nhiều so với các địa phương khác. Để có thể hoàn thiện Chương trình này, huyện cần phải huy động hơn 880 tỷ đồng. Đây là con số “quá sức” với chính quyền địa phương cấp huyện.

Ông Nông Thanh Mẫn, Phó Chánh Văn phòng Chương trình xây dựng NTM, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng cho biết, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã huy động trên 15.000 tỷ đồng để xây dựng NTM. Tuy nhiên, toàn tỉnh mới có 17 xã đạt chuẩn NTM.

Trong giai đoạn tới, tỉnh xác định cần ưu tiên bố trí vốn, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để các xã gặp khó khăn có cơ hội tăng tốc phát triển kinh tế-xã hội. Để giải quyết vấn đề này, tỉnh rất mong sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành ở Trung ương. 

Cùng với đó, chính quyền tỉnh cũng đề nghị các cơ quan liên quan, cần nghiên cứu bổ sung các chính sách đặc thù, tạo điều kiện cho những xã khó khăn tháo gỡ điểm nghẽn, tạo động lực cho các xã vùng sâu, vùng xa cố gắng xây dựng NTM, nhanh chóng hoàn thành mục tiêu.

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.