Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Phát huy hiệu quả các Chương trình MTQG từ việc hỗ trợ đúng nhu cầu của người dân

Thanh Phong - 15:10, 31/03/2025

Với phương châm hỗ trợ đúng nhu cầu của người dân để phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) những năm qua Cà Mau đã thực hiện hiệu quả Chương trình. Với cách làm thiết thực đã tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân và các mô hình đang từng bước phát huy hiệu quả.

Từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đang triển khai hỗ trợ đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn.
Từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh đang triển khai hỗ trợ đầu tư xây dựng nhiều công trình giao thông nông thôn.

Sau 4 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, với sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành linh hoạt, hiệu quả của cấp ủy, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân, tỉnh Cà Mau đã đạt những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực.

Toàn tỉnh có 1.659 hộ được hỗ trợ về đất ở, nhà ở, chuyển đổi nghề thay cho đất sản xuất và hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán; hỗ trợ đầu tư xây dựng mới 113 công trình, duy tu bảo dưỡng 76 công trình hạ tầng, giao thông tại địa bàn xã, ấp đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 88 dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng cho hơn 1.000 hộ tham gia. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tôn tạo, nâng cấp một số hạng mục của 04 điểm chùa; đầu tư hỗ trợ trang thiết bị văn hóa cho 10 Salatel và nhà sinh hoạt văn hóa của 65 ấp, khóm đặc biệt khó khăn; xây dựng mới thêm 02 Salatel; trang bị thêm 02 chiếc ghe Ngo.

Ghi nhận tại xã Thanh Tùng, huyện Ðầm Dơi, tỉnh Cà Mau, địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Thời gian qua, nhờ các chính sách hỗ trợ của Ðảng, Nhà nước, đời sống người dân ở xã Thanh Tùng được nâng lên đáng kể, diện mạo vùng đồng bào khởi sắc.

Triển khai các Chương trình MTQG, UBND xã luôn thực hiện đúng quy trình, quy định, cụ thể: Tổ chức họp lấy ý kiến Nhân dân công khai, dân chủ. Khi triển khai hỗ trợ thì phải đảm bảo số lượng, chất lượng đúng như dự án được phê duyệt. Sau khi hỗ trợ thì xã cũng thường xuyên cử cán bộ xuống phối hợp với thôn kiểm tra, hướng dẫn người dân.

Trong niềm vui “an cư” ông Danh Văn Sinh, ấp Tân Ðiền B, xã Thanh Tùng cho biết: Gia đình ông được được hỗ trợ 60 triệu đồng để cất nhà, theo Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Có căn nhà mới, là ước mơ cả đời của ông đã thành hiện thực.

Ðược biết, gia đình ông Danh Văn Sinh là hộ dân sống lâu đời ở đây, nhưng vì hoàn cảnh đông con, làm chỉ đủ cái ăn, nên nhiều năm qua, dù căn nhà xuống cấp, xiêu vẹo nhưng gia đình không có điều kiện sửa chữa. Hiện những người con của ông có gia đình riêng nhưng đi làm ăn xa, gửi con về cho ông bà trông giữ. Cuối năm 2024, chính quyền địa phương xét hỗ trợ gia đình ông Sinh căn nhà trị giá 60 triệu đồng. Ông Sinh bày tỏ: “Có nhà kiên cố, các cháu có chỗ ở ổn định, vợ chồng già chúng tôi cũng yên tâm phần nào”.

Không chỉ hỗ trợ nhà, địa phương cũng quan tâm, rà soát hỗ trợ theo nguyện vọng của người dân. Như hộ anh Kim Tân, ấp Tân Ðiền B, có nhu cầu chăn nuôi nên xã hỗ trợ con giống để gia đình có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế.

Ông Phạm Anh Luyện, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Thanh Tùng, cho biết: “Hộ anh Tân được hỗ trợ 5 con heo giống và thức ăn chăn nuôi. Gia đình cũng vừa đăng ký thoát nghèo cuối năm 2024, hiện thuộc diện được hỗ trợ nhà ở, đang chờ nguồn vốn để triển khai xây cất nhà cho gia đình”.

Toàn xã có 324 hộ đồng bào DTTS, với hơn 1.920 khẩu, hiện còn 33 hộ nghèo và 9 hộ cận nghèo. Trong năm 2025, thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát, địa phương có tổng số 46 căn (xây mới 24 căn, sửa chữa 22 căn). Trong đó, nhà hộ nghèo được hỗ trợ theo Chương trình  là 9 căn, cho hộ đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, thực hiện Tiểu dự án 3 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng DTTS và miền núi) thuộc Dự án 5 (Phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực) của Chương trình 1719, từ năm 2022 đến nay, các địa phương của tỉnh Cà Mau đã mở được 16 lớp đào tạo nghề cho các đối tượng là người DTTS, người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo sinh sống ở các ấp, xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện: Ðầm Dơi, U Minh, Ngọc Hiển, Trần Văn Thời... với tổng kinh phí gần 6,6 tỷ đồng.

Nhờ được học nghề, nhiều người dân tộc thiểu số ở Cà Mau đã có việc làm và thu nhập ổn định.
Nhờ được học nghề, nhiều người dân tộc thiểu số ở Cà Mau đã có việc làm và thu nhập ổn định.

Cùng với việc ban hành các chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, việc thực hiện Tiểu dự án 3 còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân; hỗ trợ lao động là người DTTS tiếp cận thuận lợi với thông tin thị trường lao động, dịch vụ hỗ trợ kết nối việc làm; hỗ trợ thanh niên DTTS tìm kiếm việc làm phù hợp với khả năng, nguyện vọng.

Từ việc triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Tính đến hết năm 2024, toàn tỉnh còn 2.890 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,94% (giảm 2.010 hộ, giảm 0,66% so với năm 2023); 3.865 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 1,26% (giảm 923 hộ, giảm 0,3%).

Với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước và địa phương, sự linh hoạt trong triển khai hỗ trợ theo nhu cầu và phù hợp với điều kiện của từng gia đình, việc làm này đã tạo được sự đồng thuận cao trong Nhân dân. Đây chính là yếu tố then chốt để phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các Chương trình MTQG.

Tin cùng chuyên mục
Tín dụng chính sách làm thay đổi đời sống đồng bào DTTS huyện Đăk Glei

Tín dụng chính sách làm thay đổi đời sống đồng bào DTTS huyện Đăk Glei

Từ chỗ không dám vay vốn vì sợ không có điều kiện để trả nợ, giờ đây, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Đăk Glei (Kon Tum) đã thay đổi nếp nghĩ, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Từ đó, xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, nâng cao thu nhập và vươn lên có cuộc sống ổn định.