Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Phát huy hiệu quả chính sách dân tộc: Nhìn từ cuộc sống của đồng bào Brâu, Rơ-măm

Lê Hường - 10:59, 26/02/2020

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, thu nhập bình quân đầu người tăng lên cùng với đời sống tinh thần được nâng lên rõ rệt… Đây là kết quả của các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ đồng bào dân tộc Brâu và Rơ-măm - hai dân tộc có dân số dưới 1.000 người, sinh sống tập trung duy nhất ở tỉnh Kon Tum.

Trẻ em dân tộc Brâu học tại điểm trưởng thôn Đăk Mế
Trẻ em dân tộc Brâu học tại điểm trưởng thôn Đăk Mế

Dân tộc Brâu hiện có 165 hộ/570 nhân khẩu, sinh sống tập trung ở thôn Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi; dân tộc Rơ-măm có 141 hộ/470 nhân khẩu, sống ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy. Trước đây, đồng bào dân tộc Rơ-măm và Brâu sống du canh du cư, đời sống khó khăn. 

Năm 2005, Dự án hỗ trợ, phát triển dân tộc Brâu và dân tộc Rơ-măm giai đoạn 2005 - 2010 được phê duyệt, tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện hiệu quả. Trong 5 năm thực hiện, Dự án đã xây dựng, sửa chữa hơn 10km đường giao thông; 3 công trình trường học, 2 nhà rông văn hóa, 2 nhà ở truyền thống của dân tộc Brâu; hỗ trợ khai hoang 378ha đất sản xuất; xây dựng kiên cố 184 căn nhà, 134 giếng nước sinh hoạt, mắc điện cho 129 hộ, làm nhà vệ sinh cho 99 hộ… Ngoài ra, đồng bào còn được đầu tư, hỗ trợ từ các chương trình, chính sách dân tộc khác như: Chương trình 135; chính sách định canh, định cư; hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo… 

Nhờ đó, hầu hết các hộ dân đồng bào Rơ-măm ở làng Le (xã Bờ Y), đồng bào Brâu ở thôn Đăk Mế đều đã có nhà ở kiên cố, 100% số hộ có điện thắp sáng và sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; biết làm lúa nước hai vụ, trồng các loại cây công nghiệp (cao su, bời lời…) và biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đời sống kinh tế được nâng lên rõ rệt, hủ tục dần lùi xa, bà con chăm lo bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống.

Đáng chú ý là dân số người Brâu và người Rơ-măm đã tăng lên đáng kể. Như ở thôn Đăk Mế, năm 2003, cả thôn chỉ có 84 hộ thì đến thời điểm này đã tăng lên thành 165 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo của thôn Đăk Mế cũng giảm nhanh, từ 64/84 hộ nghèo năm 2003 giảm đến thời điểm hiện tại còn 7/165 hộ. Thu nhập bình quân của thôn Đăk Mế hiện đã đạt 30 triệu đồng/người/năm, cuộc sống ngày càng ổn định.

Cũng như đồng bào Brâu, đồng bào Rơ-măm ở làng Le cũng đã có nhiều đổi thay tích cực. Hiện làng có 141 hộ thì chỉ còn 42 hộ nghèo. 

Nói về những thay đổi của làng Le, già làng A Blong kể: Được Nhà nước xây đường, xây trường, kéo điện, bộ mặt của làng thay đổi hẳn. Bà con được hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn cách trồng trọt, chăn nuôi; rồi còn được hướng dẫn giữ gìn vệ sinh, môi trường, “ăn chín, uống sôi” để phòng ngừa các loại dịch bệnh. Cuộc sống của bà con bây giờ khác xưa lắm. 

Theo ông U Minh Nam, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, những đổi thay tích cực của đồng bào Brâu và đồng bào Rơ-măm đã tiếp thêm động lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc cũng như chính quyền địa phương các cấp. Từ nay đến năm 2025, thực hiện Quyết định số 2086/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 về Đề án hỗ trợ, phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người, Kon Tum được bố trí hơn 156 tỷ đồng để đầu tư, hỗ trợ đồng bào Brâu và đồng bào Rơ-măm, với mục tiêu giảm nghèo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào một cách bền vững. 

Tin cùng chuyên mục
Bình Định: Hiệu quả từ các câu lạc bộ chống tảo hôn

Bình Định: Hiệu quả từ các câu lạc bộ chống tảo hôn

Nhận thức được những tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (TH&HNCHT) ảnh hưởng chất lượng cuộc sống, sức khoẻ sinh sản của thế hệ trẻ đồng bào DTTS, tỉnh Bình Định và các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh đã vào cuộc quyết liệt, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giảm thiểu nạn tảo hôn. Trong đó, việc đẩy mạnh thành lập các câu lạc bộ (CLB) phòng chống tảo hôn trong trường học đã mang lại hiệu quả bước đầu.