Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Phát huy nguồn lực từ Tiểu dự án 1, Dự án 5, Chương trình MTQG 1719: Ưu tiên đầu tư những cơ sở giáo dục thực sự khó khăn (Bài 2)

Thúy Hồng - 10:04, 18/07/2023

Với mục tiêu đầu tư nhằm đổi mới, củng cố hoạt động và phát triển hợp lý hệ thống các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú đặt ra, tại Tiểu dự án 1, Dự án 5, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn I: Từ 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị trường học cho hệ thống các trường chuyên biệt này. Trong đó, chú trọng rà soát ưu tiên đầu tư cho những cơ sở giáo dục thực sự khó khăn.

Công trình của Trường PTDT nội trú Pác Nặm, Bắc Kạn được khởi công đầu tư từ nguồn vốn Tiểu dự án 1, Dự án 5
Công trình của Trường PTDT nội trú Pác Nặm, Bắc Kạn được khởi công đầu tư từ nguồn vốn Tiểu dự án 1, Dự án 5

Ban hành nhiều văn bản hướng dẫn

Thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5 về Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường PTDT nội trú, trường PTDT bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS”, các hạng mục được đầu tư theo Chương trình MTQG 1719 là nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất khối phòng/công trình phục vụ ăn, ở, sinh hoạt cho học sinh và phòng công vụ giáo viên; nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất/khối phòng/công trình phục vụ học tập; bổ sung, nâng cấp các công trình phụ trợ khác; đầu tư cơ sở vật chất phục vụ chuyển đổi số giáo dục phục vụ việc giảng dạy và học tập trực tuyến cho học sinh....

Ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của Bộ GD&ĐT, cho biết: Bộ đã ban hành các văn bản như: Công văn số 2184/BGDĐT-GDDT ngày 26/5/2022 và Công văn số 1339/BGD&ĐT-GD&DT ngày 30/3/2023 về việc hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Tiểu dự án. 

Theo đó, đã có 38/42 địa phương đã xây dựng kế hoạch, mục tiêu nhiệm vụ giai đoạn 2021 - 2025 (đạt 90,47%); còn 4/42 địa phương chưa xây dựng chiếm 9,53%.

Theo Quyết định Chương trình MTQG 1719, tổng số nguồn vốn được phân bổ để triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5, là 8.074.638 triệu đồng; trong đó, vốn đầu tư là 6.293.046 triệu đồng; vốn sự nghiệp 1.781.592 triệu đồng.

Đến nay, các địa phương đã thực hiện phân bổ 1.485.511 triệu đồng. Trong năm 2022, giải ngân được 646.412 triệu đồng đạt 43,11%, trong đó ngân sách Trung ương là 602.792 triệu đồng, đạt 43,15%. Năm 2023, Bộ GD&ĐT đã đề xuất giao: 2.117,116 triệu đồng, vốn đầu tư là 1.584,486 triệu đồng; vốn sự nghiệp là 532.630 triệu đồng.

Từ nguồn vốn, các địa phương đã triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trường DTNT, DTBT, các dự án phục vụ dạy và học. Như tại Bắc Kạn, năm 2022, địa phương đã triển khai thực hiện 8 công trình trường học. Hiện nay, đã thi công 2 trường, thực hiện thủ tục lựa chọn thầu thi công xây dựng 3 trường, đang thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở 3 trường.

Ông Sầm Văn Du - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn cho biết: Đối với hạng mục đầu tư xây dựng các trường DTNT, DTBT do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh triển khai thực hiện. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng các trường học trong giai đoạn năm 2023 - 2025, là 106.029 triệu đồng. Hiện nay, Bắc Kạn đã thi công 2 trường là Trường PTDT nội trú Pác Nặm và Trường PTDT bán trú tiểu học Công Bằng, huyện Pác Nặm. 

Ngoài đầu tư xây dựng các công trình trường học, thì Sở GD&ĐT được giao nhiệm vụ tổ mua sắm bổ sung thiết bị cho trường. Hiện Sở đang thực hiện tổ chức lập dự toán mua sắm theo dự toán và kế hoạch.

Bám sát cơ sở tháo gỡ vướng mắc

Mặc dù, việc triển khai thực hiện Tiểu dự án 1, Dự án 5, không gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách như một số dự án khác, nhưng trên thực tế triển khai, vẫn còn một số những khó khăn nên hầu như các địa phương thực hiện dự án còn chậm.

Cụ thể, tại Thanh Hóa, ông Nguyễn Văn Dĩnh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Tỉnh  được Trung ương phân bổ 248.639 triệu đồng vốn đầu tư giai đoạn I. Sở đã phối hợp với Ban Dân tộc và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh phê duyệt danh mục các công trình thực hiện trong giai đoạn.

Đoàn công tác khảo sát Trường phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hoá được xây dựng từ năm 1991. Đây là trường sẽ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn Tiểu dự án 1, Dự án 5
Đoàn công tác Bộ GD&ĐT khảo sát Trường PTDT nội trú tỉnh Thanh Hoá được xây dựng từ năm 1991. Đây là trường sẽ được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn Tiểu dự án 1, Dự án 5

Theo đó, Thanh Hóa có 39 dự án (10 trường PTDT nội trú, 29 trường PTDT bán trú và trường có học sinh bán trú); xây mới, nâng cấp, cải tạo hệ thống khối phòng phục vụ học tập, ăn, ở cho học sinh và giáo viên; các công trình nước sạch, hạ tầng kỹ thuật. Mặc dù, nguồn vốn được phân bổ sớm, kế hoạch chi tiết, rõ ràng, nhưng tiến độ vẫn chậm.

Ông Nguyễn Văn Dĩnh chia sẻ, nguyên nhân do trước đó, dự án gặp vướng mắc về cơ chế quản lý tổ chức Chương trình MTQG 1719 theo yêu cầu của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính, trong đó nhiều nội dung phải trình HĐND cấp tỉnh quyết định cần nhiều thời gian để hoàn thiện hồ sơ, dẫn đến chậm tiến độ, triển khai các dự án án đầu tư xây dựng cơ bản. Bên cạnh đó, các dự án có khối lượng công việc lớn, thủ tục thực hiện theo trình tự đòi hỏi cần nhiều thời gian, dẫn đến thời gian thi công ngắn, khối lượng hoàn thành và giải ngân còn thấp.

" Vừa qua, ngày 24/6 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022. Hiện nay, các địa phương đang tích cực thực hiện tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các nội dung, dự án Chương trình.

Tại Trà Vinh,  với tổng mức đầu tư cả 2 năm là trên 65 tỷ đồng, tỉnh triển khai các dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng tại 8 trường dân tộc nội trú trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay các công trình chưa thể giải ngân, do chưa có sự thống nhất về địa bàn được thụ hưởng dự án của cơ quan tham mưu ở địa phương, để trình cấp thẩm quyền phê duyệt danh mục đầu tư đối với một số trường.

Ông Lê Như Xuyên - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc ( Bộ GD&ĐT) cho biết, đối với Chương trình MTQG 1719, kể từ khi triển khai thực hiện, Bộ đã luôn sát sao thực tiễn; tổ chức kiểm tra, khảo sát tại cơ sở để chỉ đạo, nắm bắt khó khăn, vướng mắc từ cơ sở phản ánh, kịp thời phối hợp với các địa phương, bộ ngành liên quan rà soát, tham mưu đến Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định đã ban hành nhằm phù hợp với thực tiễn thực hiện, qua đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư, Bộ GD&ĐT chú trọng hướng dẫn các địa phương rà soát những điểm nóng, những cơ sở giáo dục thực sự khó khăn để ưu tiên đầu tư trong giai đoạn này. Mục tiêu của Bộ, là đầu tư trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; lựa chọn đúng đối tượng cần phải đầu tư và nhanh chóng khẩn trương hoàn thành các hạng mục đầu tư để đưa vào sử dụng và phát huy công năng.

Đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo kiểm tra, khảo sát tại Trường PTDTNT tỉnh Trà Vinh
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT kiểm tra, khảo sát tại Trường PTDT nội trú tỉnh Trà Vinh

Ông Lê Như Xuyên nêu ví dụ, trong điều kiện kinh phí năm 2022 được phê duyệt rất muộn, khối lượng công việc nhiều, tiến độ gấp, nhưng Bộ GD&ĐT vẫn thực hiện nghiêm các bước tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu thực tế của các địa phương để xây dựng kế hoạch phân bổ nguồn vốn hằng năm và trong giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, đến nay, hầu hết các nhiệm vụ do Bộ GD&ĐT chủ trì và triển khai thực hiện hoàn thành theo kế hoạch đặt ra.

"Chương trình MTQG 1719,  là một Chương trình lớn, giai đoạn triển khai kéo dài. Để đạt được kết quả tốt, đảm bảo đúng theo tiến độ, kế hoạch, mục tiêu đề ra, cần tiếp tục có sự phối hợp chặt chẽ với địa phương, cơ sở giáo dục để nắm bắt thực tế, tiếp tục tháo gỡ khó khăn vướng mắc phát sinh nếu có trong quá trình triển khai thực hiện", ông Xuyên  đề xuất ý kiến.