Dân bản tín nhiệm… thì mình làm thôi
Đó là lời chia sẻ mộc mạc là của Trưởng bản Buộc Mú Xồng Bá Lầu, xã Na Ngoi (Kỳ Sơn, Nghệ An). Chàng trai người Mông năm nay 36 tuổi, nhưng đã là một Trưởng bản được người dân tín nhiệm, tôn trọng ở xã vùng biên xa lơ xa lắc này.
Mấy năm trước, Lẩu là thanh niên vượt khó làm giàu trên những đỉnh núi mờ sương bằng việc trồng đào, mận, gừng, tam thất, sâm Puxailaileng… Nhiều người ở bản Buộc Mú mang ơn Lẩu, bởi người trẻ này đã giúp không ít dân bản thoát nghèo.
Ra trường năm 2012, với tấm bằng Đại học kinh tế (Đại học Huế), Lẩu về quê lập nghiệp. Vượt qua bao gian khó, ý chí của tuổi trẻ cùng khát vọng vươn lên không mệt mỏi của chàng trai trẻ đã đơm hoa kết quả.
Hiện nay, thu nhập từ trồng đào, mận, gừng, tam thất, sâm Puxailaileng… cũng đã mang về cho Lẩu mỗi năm hàng trăm triệu đồng. Lâu chia sẻ: Mình biết gì thì bày cho mọi người cái ấy thôi. Ai mình cũng bày tận tình cả mà. Mình muốn bà con trong bản cùng nhau phát triển kinh tế để đẩy đuổi đói nghèo.
Thấy Lẩu nói được làm được… chẳng ai bảo ai, người dân bản Buộc Mú đã nhất trí bầu chọn anh làm Trưởng bản. Kể đến đây, Lẩu cười thật hiền: Dân bản tín nhiệm thì mình làm thôi. Mình sẽ dốc hết sức, cùng cấp ủy chính quyền đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới tốt hơn.
Câu chuyện của chị Bàn Thị Sản, sinh năm 1986, Người có uy tín, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ thôn Húc, xã Phú Thịnh (Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang) cũng rất đáng để chúng ta thán phục về tư duy và kinh nghiệm trồng cây ăn trái. Mô hình kinh tế ban đầu của chị Sản, là 500 gốc quất 18 năm tuổi. Đáng nói là quất cho quả quanh năm, suốt tháng nên là nguồn thu chính của gia đình trong những năm qua.
Đặc biệt, từ nguồn thu bán quất, chị Sản còn bàn với chồng đầu tư, chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả. Trên diện tích hơn 4ha đất sản xuất, gia đình chị hiện trồng các cây ăn quả như bưởi, mít, hồng không hạt với khoảng 800 gốc. Đa phần các loại cây ăn quả đều đã cho thu hoạch. Hàng năm, sau khi trừ chi phí, mô hình kinh tế của chị cho thu nhập từ 200 triệu đồng trở lên.
Nói về người trẻ Bàn Thị Sản, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thịnh Phạm Ngọc Chung bày tỏ: Không chỉ gương điển hình trong phát triển kinh tế, 6 năm được người dân bầu là Người có uy tín, chị Sản đã luôn nêu cao vai trò, trách nhiệm, chủ động tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với bà con; nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân; những vụ việc làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.. kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương có giải pháp xử lý và giải quyết.
Người ta thường nói, “khôn đâu đến trẻ”, quả đúng là kinh nghiệm, kĩ năng làm việc của người trẻ chưa đủ, nhưng phải nói rằng, có thêm người trẻ cùng tham gia, việc làng, việc bản trở nên rộn rã hơn, tươi mới hơn, khí thế hơn. Bởi một điều rất chắc chắn là Người có uy tín trẻ tuổi, những người trẻ làm trưởng bản, tham gia công tác xã hội ở bản làng có những ưu thế nhất định là: Có sức khỏe, nhanh nhạy trong tiếp cận thông tin; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới; đa phần có trình độ chuyên môn, bằng cấp được đào tạo, luôn nhiệt huyết, tìm tòi, sáng tạo. Từ những việc làm thực tế đó, đã làm cho người dân tin tưởng, làm theo; để các phong trào của bản làng trở nên hiệu quả hơn, thiết thực hơn.
“Dư địa” của người trẻ vùng DTTS
Phải khẳng định rằng, mảnh đất để thanh niên nói chung, thanh niên người DTTS nói riêng thể hiện bản thân, còn rất rộng. Ở vùng DTTS&MN, “dư địa” này dường như có vẻ còn lớn hơn. Cũng dễ hiểu thôi, do điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, do nhận thức của một bộ phận người dân chưa đầy đủ… con em vùng đồng bào DTTS&MN một thời không được học hành đầy đủ. Chính vì thế, thanh niên người DTTS ít có cơ hội, ít có điều kiện để tham gia việc làng, việc bản; việc phát triển kinh tế, làm giàu… đóng góp cho quê hương cũng trở nên chật vật, vất vả hơn. Thành ra, vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu cứ thế tiếp diễn qua bao thế hệ…
Những năm gần đây, việc quan tâm, tạo điều kiện cho thanh niên người DTTS học hành đầy đủ, tiếp cận các kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế, xã hội rất được Đảng và Nhà nước quan tâm, chú ý. Đặc biệt, kể từ khi triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719), việc quan tâm, phát triển năng lực, trình độ; tạo điều kiện cho thanh niên DTTS phát triển… đặc biệt được quan tâm hơn.
Các dự án, tiểu dự án trong Chương trình MTQG 1719 đã dành nhiều nội dung cụ thể, hỗ trợ, tạo điều kiện cho học sinh, thanh niên người DTTS học tập, tập huấn, vay vốn phát triển kinh tế… Đây chính là nền tảng quan trọng để có được một thế hệ trẻ người DTTS trong tương lai có đủ kiến thức, trình độ, năng lực, sức khỏe… để chung tay gánh vác trách nhiệm với bản làng, cùng góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Nhìn từ thực tế, vùng DTTS&MN dẫu địa bàn cách trở, xa ngái, điều kiện tự nhiên không thuận lợi, nhưng vẫn có thừa những tiềm năng, thế mạnh để thanh niên nơi đây tự tin khẳng định bản thân. Quỹ đất rộng lớn từ rừng núi, khí hậu, thổ nhưỡng… chính là các yếu tố cần và đủ để người trẻ vùng DTTS phát triển kinh tế, làm giàu, đóng góp sức mình vào công cuộc xây dựng quê hương.
Nhìn từ những mô hình, ý tưởng khởi nghiệp của những người trẻ ở vùng DTTS, chẳng phải bắt đầu từ các điều kiện ấy mà phát triển kinh tế từ nông, lâm nghiệp hay sao? Nhìn từ những mô hình, ý tưởng khởi nghiệp hiện tại, chẳng phải là người trẻ đang tận dụng tốt điều kiện sẵn có của bản làng, quê hương mà gây dựng sự nghiệp cho bản thân từ các homestay, từ các mô hình du lịch cộng đồng… hay sao?
Có một điều rất đáng vui và trân trọng, là ngày càng có nhiều thanh niên người DTTS tự tin, vượt lên chính mình để khẳng định bản thân. Đó không chỉ thể hiện cho lý tưởng, hoài bão, khát vọng của tuổi trẻ mà còn cho thấy nhận thức, suy nghĩ, hành động của thanh niên vùng DTTS đã tiến những bước dài trong thời đại mới hôm nay.