Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Thấy gì từ đội ngũ Người có uy tín ngày càng trẻ hóa?

Lê Ngọc - 08:32, 05/05/2023

Từ trước đến nay, phần lớn Người có uy tín trong đồng bào DTTS là những người trung niên, cao tuổi, có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều hơn những người trẻ tích cực cống hiến công sức, trí tuệ cho cộng đồng được bà con tín nhiệm bầu là Người có uy tín. Trong giai đoạn triển khai thực hiện các chính sách dân tộc hiện nay, rất cần sự quan tâm phát triển đội ngũ Người có uy tín trẻ tuổi để phát huy “sức trẻ”.

Diện mạo mới tại vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên hôm nay. (Trong ảnh: Làng du lịch cộng đồng Kon Bring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh minh hoạ)
Diện mạo mới tại vùng đồng bào DTTS ở Tây Nguyên hôm nay. (Trong ảnh: Làng du lịch cộng đồng Kon Bring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Ảnh minh hoạ)

Những Người có uy tín trẻ tuổi

Tuổi đời còn rất trẻ, nhưng anh Pờ Và Hừ (SN 1994), dân tộc La Hủ, bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè (Lai Châu) đã được bà con dân bản tín nhiệm bầu làm Trưởng bản, Người có uy tín. Đáp lại sự tin tưởng của bà con, anh luôn phát huy vai trò trong việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các phong trào ở cơ sở, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của địa phương. Đặc biệt, anh đã mở đường giúp bà con phát triển kinh tế từ cây sâm Lai Châu.

Năm 2018, anh Hừ đưa cây sâm Lai Châu về trồng thành công trong vườn nhà và cũng từ vườn sâm, gia đình anh có thu nhập ổn định. Anh Hừ kể, khi thấy doanh nghiệp vào xã khảo sát trồng sâm, gia đình đã học hỏi và lên rừng tìm sâm giống về trồng. Cây sâm phù hợp với đất, phát triển tốt. Ngoài bán củ sâm, gia đình anh Hừ còn cung cấp hạt giống và cây giống ra thị trường, trồng thêm một số loại cây dược liệu khác, nên thu nhập khá ổn định.

“Mình làm rồi hướng dẫn kỹ thuật, vận động bà con làm theo để phát triển kinh tế. Đến nay, bản Sín Chải B đã có 44 hộ tham gia trồng sâm với diện tích mỗi vườn dao động từ 40 - 100 m2/hộ. Tôi hy vọng, cây sâm không chỉ giúp bà con bản Sín Chải B giảm nghèo bền vững mà còn vươn lên làm giàu”, anh Pờ Và Hừ chia sẻ.

Từ một địa phương khó khăn của xã Pa Vệ Sủ, những năm gần đây, đời sống của người dân bản Sín Chải B ngày càng được cải thiện. Bà con có sự chuyển biến rõ rệt về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa bỏ các tập tục lạc hậu. Có được kết quả này, nhờ công lao đóng góp rất lớn của anh Pờ Và Hừ.

Cũng là Người có uy tín trẻ tuổi của huyện vùng biên Kỳ Sơn (Nghệ An), anh Và Bá Lầu, bản Liên Sơn, xã Nậm Càn được đồng bào Mông bầu làm Người có uy tín từ năm 2018 khi mới 38 tuổi.

Nhanh nhạy nắm bắt xu thế xã hội hiện đại, anh Và Bá Lầu dễ dàng tiếp cận công nghệ số, tìm hiểu, khai thác thông tin trên mạng internet và sử dụng thành thạo các ứng dụng Zalo, Facebook, Gmail… Nhờ đó, những thông tin, chủ trương từ xã, huyện chuyển về được anh chuyển tới bà con một cách nhanh chóng, đầy đủ nhất.

Để tiết kiệm thời gian đi lại phổ biến thông tin, anh lập ra các nhóm Zalo, Facebook để thông tin, trao đổi công việc và cũng là nắm bắt thêm thông tin của bà con trong bản, đặc biệt là kết nối, nắm bắt thông tin của bà con đi làm ăn xa, đồng thời động viên họ chăm chỉ làm ăn, chấp hành luật pháp, góp phần xây dựng bản làng yên ấm.

Trong bối cảnh công nghệ số, chuyển đổi số… những nhân tố trẻ là Người có uy tín như: Và Bá Lầu, Pờ Và Hừ đã góp phần vào sự phát triển toàn diện vùng đồng bào DTTS. Người có uy tín trẻ tuổi đã phát huy vai trò xung kích, tiếp cận thông tin, ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới, thể hiện được vai trò, trách nhiệm của mình đối với cộng đồng nên được người dân ủng hộ, làm theo. Bên cạnh đó, chính đồng bào cũng nhận thấy những điểm mạnh từ người trẻ nên đã tự tin trao cho người trẻ giữ vai trò, trọng trách là Người có uy tín.

Anh Pờ Và Hừ, bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chăm sóc vườn sâm của gia đình. (Ảnh: Thuỳ Anh)
Anh Pờ Và Hừ, bản Sín Chải B, xã Pa Vệ Sủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu chăm sóc vườn sâm của gia đình. (Ảnh: Thuỳ Anh)

Hoàn thiện chính sách trong giai đoạn mới

Qua thực tiễn triển khai Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí lựa chọn, công nhận Người có uy tín và chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS cho thấy, chế độ, chính sách đối với Người có uy tín đã kịp thời động viên, khích lệ Người có uy tín phát huy vai trò, có nhiều đóng góp tích cực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; trở thành những tấm gương tiêu biểu để đồng bào DTTS tin tưởng, nghe và làm theo.

Theo tổng hợp báo cáo của các địa phương, năm 2023 cả nước có 28.538 Người có uy tín và đội ngũ Người có uy tín trẻ tuổi ngày càng nhiều hơn. Cụ thể: Người có uy tín dưới 30 tuổi là 86 người (0,3%); từ 30 đến dưới 40 tuổi là 1.167 người (4,09%); từ 40 đến dưới 50 tuổi là 3.034 người (10,63%); từ 50 đến dưới 60 tuổi là 6.560 người (22,97%); từ 60 đến dưới 70 tuổi là 10.685 người (34,44%); từ trên 70 tuổi là 7.006 người (24,55%).

Ông Lầu Bá Tểnh - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) cho biết: Toàn huyện có 191 Người có uy tín, trong đó Người có uy tín trẻ tuổi (dưới 45 tuổi) chiếm khoảng 13%. Đội ngũ Người có uy tín đang được trẻ hóa, hiện người trẻ tuổi nhất ở huyện Kỳ Sơn được bầu làm Người có uy tín mới 37 tuổi. Điều đó cho thấy, đồng bào đã thay đổi quan niệm “Người có uy tín phải là người cao tuổi”. Vì vậy, chính sách cho Người có uy tín trong giai đoạn tới cần quan tâm để phát huy “sức trẻ”.

Đánh giá về vai trò của Người có uy tín, ông Cầm Bá Tường, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh: Hiện, Thanh Hóa có 1.281 Người có uy tín, trong đó Người có uy tín có độ tuổi từ 30 - 40 tuổi là 9 người; từ 40 - 50 tuổi là 64 người; từ 50 - 60 tuổi là 270 người. Gần đây, việc bầu chọn Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có nhiều thay đổi. Thực tế cho thấy, Người có uy tín trẻ tuổi có những ưu thế nhất định: Có sức khỏe, nhanh nhạy trong tiếp cận thông tin; ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới; đa phần có trình độ chuyên môn, bằng cấp được đào tạo, luôn nhiệt huyết, tìm tòi, sáng tạo. Từ những việc làm thực tế đó đã làm cho người dân tin tưởng, làm theo.

Để tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 12 của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện trình Chính phủ. Cùng với việc triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trong đó chính sách cho Người có uy tín được bố trí một tiểu dự án riêng, thì Quyết định mới được ban hành sẽ mang lại hiệu quả nhiều hơn nữa. Do đó, việc điều chỉnh chính sách để phát huy sức trẻ của đội ngũ Người có uy tín là yêu cầu tất yếu phù hợp với thực tế hiện nay.

Để tiếp tục phát huy vai trò của Người có uy tín, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các bộ, ban, ngành xây dựng dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 12 của Thủ tướng Chính phủ, dự thảo đang trong quá trình lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân để hoàn thiện trình Chính phủ.