Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc: Diện mạo mới trên các bản làng (Bài 3)

Thúy Hồng - 17:35, 06/12/2023

Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS các tỉnh vùng Tây Bắc không chỉ đánh thức sức sống tiềm tàng của nhiều tài nguyên du lịch, mà còn tạo sinh kế bền vững cho người dân nơi đây. Qua đó, góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi khu vực Tây Bắc bền vững.

Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS các tỉnh miền núi Tây Bắc đánh thức sức sống tiềm tàng của nhiều tài nguyên du lịch
Phát triển du lịch cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS các tỉnh miền núi Tây Bắc đánh thức sức sống tiềm tàng của nhiều tài nguyên du lịch

Tạo sinh kế ổn định cho đồng bào DTTS

Những năm quan, với tiềm năng thế mạnh từ cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc, mô hình du lịch cộng đồng đang tạo ra hướng đi bền vững, từng bước thay đổi tư duy phát triển kinh tế của người dân vùng cao trên nền tảng bảo tồn, khai thác tiềm năng lợi thế của địa phương.

Như tại điểm du lịch cộng đồng bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, từ khi đưa mô hình du lịch cộng đồng vào hoạt động, trung bình 1 năm bản Sin Suối Hồ đón trên 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Từ một bản nghèo, hiện người dân Sin Suối Hồ đã có của ăn của để khi thu nhập bình quân/người đạt trên 20 triệu đồng/năm.

Theo Trưởng bản Vàng A Chỉnh, trước đây Sin Suối Hồ từng là “điểm nóng” về tệ nạn ma túy. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, khi đưa mô hình du lịch cộng đồng vào hoạt động, người dân Sin Suối Hồ đã có việc làm và thu nhập ổn định, thu nhập bình quân/người đạt trên 20 triệu đồng/năm.

Còn tại huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang, nhờ đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, đời sống người dân được nâng cao, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Mô hình du lịch công đồng đã góp phần thay đổi diện mạo các bản làng vùng cao Tây Bắc
Mô hình du lịch công đồng đã góp phần thay đổi diện mạo các bản làng vùng cao Tây Bắc

Toàn huyện Hoàng Su Phì, có 7 làng văn hóa du lịch cộng đồng được huyện phê duyệt, trong đó có 1 làng văn hóa du lịch tiêu biểu đã được UBND tỉnh công nhận. Trên 50 mô hình homestay đang hoạt động, đem lại nguồn thu từ 80 – 200 triệu đồng/năm. Nhiều làng văn hóa du lịch mang đậm bản sắc đã thu hút lượng lớn du khách đến tham quan, lưu trú. Tính riêng trong năm 2022, lượng khách du lịch đến huyện đạt 94.250 lượt, doanh thu ước đạt trên 80,2 tỷ đồng.

Thành công trong việc thu hút khách, tạo nguồn thu kinh tế ổn định cho người dân như điểm du lịch cộng đồng dân tộc Dao ở thôn Nậm Hồng, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Toàn thôn Nậm Hồng có 40 hộ gia đình Dao đỏ sinh sống thì có 11 hộ cải tạo, nâng cấp nhà ở theo kiến trúc dân tộc Dao để làm homestay; 6 điểm sinh thái nghỉ dưỡng; 4 nhà hàng ăn uống. 

Các hoạt động du lịch được tổ chức chuyên nghiệp, từ đội vận chuyển đưa đón khách bằng xe máy, hoạt động lưu trú, ăn ở; trải nghiệm dịch vụ dệt vải, hái chè; tắm nước lá thuốc, văn nghệ cho đến dẫn tour khám phá.

Anh Triệu Mềnh Kinh, Giám đốc Hợp tác xã Du lịch cộng đồng thôn Nậm Hồng chia sẻ: Hợp tác xã hoạt động theo mô hình chuỗi dịch vụ homstay, nuôi trồng cung cấp thực phẩm cho khách du lịch, hướng dẫn du lịch…, vừa giúp tạo việc làm cho người dân vừa liên kết tiêu thụ hàng hóa cho bà con giúp người dân có thu nhập, đời sống ngày càng khấm khá.

Hướng tới ngành kinh tế mũi nhọn

Du lịch hiện đang là một ngành kinh tế quan trọng đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Ngày 16/01/2017 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TW xác định phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngày 18/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển hiệu quả du lịch bền vững. 

Đây là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển du lịch Việt Nam, tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác; cũng là cơ hội lớn cho du lịch các tỉnh Tây Bắc phát huy mọi tiềm năng phát triển du lịch nhanh và bền vững hơn.

Với các tỉnh khu vực Tây Bắc, du lịch không chỉ hướng đến trở thành ngành kinh tế mũi nhọn mà còn là “cầu nối” để giao lưu văn hóa, kết nối với các địa phương, tạo nên điểm nhấn trong bức tranh du lịch cả nước.

Mô hình du lịch cộng đồng đã giúp tạo sinh kế cho đồng bào DTTS
Mô hình du lịch cộng đồng đã giúp tạo sinh kế cho đồng bào DTTS

Để du lịch vùng Tây Bắc phát triển tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, 8 tỉnh trong khu vực đã xây dựng các sản phẩm du lịch mang dấu ấn, thương hiệu riêng, tạo điểm nhấn khác biệt đối với du khách, dựa trên các thế mạnh nổi trội của từng địa phương.

Từ năm 2010, các tỉnh Tây Bắc có chương trình hợp tác phát triển du lịch nhằm tăng cường phối hợp khai thác có hiệu quả tiềm năng du lịch của mỗi địa phương và thúc đẩy sự tăng trưởng du lịch của khu vực. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các tỉnh Tây Bắc đã tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch thu hút hơn 36,3 triệu lượt khách thăm quan, với tổng doanh thu du lịch gần 105.000 tỷ đồng.

Như tại Lào Cai, đã xây dựng nên một “hệ sinh thái du lịch cộng đồng” khá bài bản. Với trên 20 tuyến du lịch cộng đồng, các điểm du lịch cộng đồng ở Lào Cai đã thu hút trên 1 triệu lượt khách mỗi năm, mang đến thu nhập bình quân đạt trên 30 triệu/hộ/năm.

Hiện nay, các tỉnh Tây Bắc đang xây dựng các tour, tuyến kết nối giữa các địa điểm có ruộng bậc thang đẹp; chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, như đường giao thông, dịch vụ viễn thông, cơ sở lưu trú, ăn uống; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc bản địa, tăng cường hoạt động phục dựng và trình diễn các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc, tạo điểm nhấn thu hút du khách...

Trong tháng 9 năm 2023, các tỉnh Tây Bắc đã công bố 2 sản phẩm du lịch liên kết vùng Tây Bắc mở rộng năm 2023 gồm: Về miền di sản ruộng bậc thang câu chuyện “Người dệt thổ cẩm giữa trời Tây Bắc’ và Ngược dòng sông Đà về miền ký ức câu chuyện “Người giữ hồn Tây Bắc”.

Đặc biệt việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho đồng bào.

Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép
Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với tiêu thụ nông đặc sản và sản phẩm OCOP là giải pháp tối ưu, mang lại lợi ích kép

Chị Lò Thị Liên, HTX nông nghiệp dịch vụ Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai cho biết: Nhờ liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP với các khu du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giúp HTX thúc đẩy, tiêu thụ sản phẩm tới du khách, đem lại lợi ích cao hơn người nông dân.

Với sự phát triển mạnh mẽ của du lịch cộng đồng hiện nay, thì mô hình này không chỉ góp phần phát triển du lịch trong cả nước mà còn góp phần tạo sinh kế cho người dân. Du lịch cộng đồng đã góp phần đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương, nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt tạo sinh kế, cải thiện đời sống của bà con dân tộc thiểu số tại các địa phương.

Ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á (ATI), Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) nhận định: Du lịch cộng đồng tạo sinh kế bền vững cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi. Thông qua những du lịch phục vụ du khách đến trải nghiệm như lưu trú, hướng dẫn viên, kinh doanh ẩm thực, sản xuất và kinh doanh đặc sản và quà lưu niệm của địa phương...giúp nâng cao thu nhập cho người dân. 

Tuy nhiên, hiện nay, tại một số địa phương, việc phát triển du lịch cộng đồng còn chạy theo phong trào, chưa tạo được sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách. Do đó, để phát triển du lịch cộng đồng gắn với tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc thể số và miền núi, các địa phương cần có kế hoạch xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với cải thiện sinh kế bền vững để khai thác các giá trị văn hóa bản địa, bảo vệ môi trường...

Theo ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch châu Á, để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, mỗi địa phương phải có định hướng rõ ràng, lựa chọn những giá trị văn hóa đặc trưng của từng dân tộc gắn với phát triển các sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó cần có lộ trình thực hiện cụ thể để đào tạo nhân lực, xây dựng cảnh quan bản làng và các sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách trong và ngoài nước.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.