Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển đội ngũ cán bộ người DTTS: Nhìn từ Nghệ An

Minh Thu - 21:51, 21/07/2020

Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án phát triển đội ngũ cán bộ công chức, viên chức người DTTS trong thời kỳ mới đã được tỉnh Nghệ An triển khai từ năm 2016. Tuy nhiên, sau 4 năm, việc thực hiện Quyết định này đang còn nhiều hạn chế; thậm chí chưa được nhiều địa phương quan tâm.

Người dân bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương làm đường giao thông nông thôn.
Người dân bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương làm đường giao thông nông thôn.

Khi bố trí, sử dụng cán bộ đúng người đúng việc

Nga My hiện đang được xem là một trong những xã điển hình của huyện Tương Dương về việc bố trí, sắp xếp và chuẩn hóa cán bộ. 3 năm qua, 100% cán bộ, công chức xã Nga My đều có trình độ đại học trở lên (24/24 người), 1 người có trình độ trên đại học, trong đó có 18/24 cán bộ là người DTTS.

Nhờ bố trí cán bộ đúng người, đúng việc, các mặt công tác ở Nga My đều đạt hiệu quả cao. Nhiều năm liền, xã đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Riêng 6 tháng đầu năm 2020, tổng diện tích lúa đạt 166,4ha, tăng gần 7% so cùng kỳ; diện tích trồng cỏ voi đạt 18ha, tăng 225%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Ở huyện Kỳ Sơn, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Huyện ủy đã chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, sắp xếp cán bộ người DTTS hợp lý, hài hòa... Tỷ lệ cán bộ DTTS từ Ban Thường vụ (BTV), Ban Chấp hành (BCH) Huyện ủy đến các phòng, ban đạt 60 - 80%. Nhiệm kỳ 2015 - 2020, BCH huyện ủy có 28/38 cán bộ người DTTS. Cấp xã có hơn 90% cán bộ, công chức xã là người DTTS.

Với những đóng góp to lớn của đội ngũ cán bộ người DTTS, tình hình phát triển KT-XH huyện Kỳ Sơn nhiệm kỳ 2015 - 2020 đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 5,55%; văn hóa, xã hội có bước phát triển, công tác giảm nghèo đạt kết quả cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ trên 60% (năm 2016) còn 46,11% (năm 2019).

Những hạn chế cần giải quyết

Bên cạnh những địa phương làm tốt công tác bố trí, sử dụng cán bộ, một số huyện, đơn vị trong tỉnh Nghệ An vẫn chưa quan tâm đúng mức, chưa phát huy được khả năng, sở trường của cán bộ trong quá trình giao việc, dẫn đến tình trạng đội ngũ cán bộ là người DTTS dần thưa vắng.

Như ở huyện Nghĩa Ðàn, 11 ủy viên BTV Huyện ủy không có cán bộ người DTTS. Cán bộ cấp huyện và BCH Huyện ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 là người DTTS chỉ chiếm lần lượt gần 8,7 và 10,8%... Huyện Tương Dương có 90% số dân là người DTTS, trong đó dân tộc Khơ mú và dân tộc Mông chiếm gần 20%. Tuy nhiên, trong số 129 cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện chỉ có 1 người Mông, 2 người Khơ mú công tác ở hội, đoàn thể…

Ở cấp tỉnh, các nhiệm kỳ trước đều có cán bộ người DTTS giữ chức vụ trong BTV Tỉnh ủy, nhưng nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã giảm đáng kể. Chỉ có 7 ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh là người DTTS, giảm 2 ủy viên BCH, 1 ủy viên BTV Tỉnh ủy so với nhiệm kỳ trước. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công tác ở khối Ðảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chỉ chiếm 2,8%; khối chính quyền chiếm 4,6%.

Ông Vy Mỹ Sơn, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết, trong các Nghị định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức đều có những quy định ưu tiên người DTTS trong đào tạo, sử dụng. Tuy nhiên, tại tỉnh Nghệ An, vấn đề này vẫn chưa thực sự được quan tâm. Bởi thế, số cán bộ là người DTTS cứ giảm dần theo các năm.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới, theo ông Sơn, các sở, ban, ngành, huyện, thị trong tỉnh Nghệ An cần thực hiện đầy đủ các văn bản hướng dẫn của cấp trên, đặc biệt là Quyết định 402/QĐ-TTg, từ đó có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS một cách hợp lý nhất.