Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Phát triển nguồn nhân lực y tế vùng DTTS và miền núi: Cần có chính sách đãi ngộ phù hợp (Bài 3)

Thúy Hồng - 17:52, 18/03/2021

Với nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan, việc thu hút nguồn nhân lực y tế là các bác sĩ, dược sĩ, kỹ thuật viên... chất lượng cao vốn dĩ đã khó, để giữ chân họ ở lại lâu dài với tuyến dưới càng khó hơn.

Trách nhiệm cao, thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân khó thu hút đội ngũ y bác sỹ về làm việc ở cơ sở
Trách nhiệm cao, thu nhập thấp là một trong những nguyên nhân khó thu hút đội ngũ y bác sỹ về làm việc ở cơ sở

“Trải thảm đỏ” vẫn ít người đến

Lào Cai là một trong những địa phương luôn quan tâm, đầu tư tư nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở. Tỉnh cũng đã xây dựng, triển khai chính sách thu hút bác sỹ về công tác tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu vùng xa. 

Từ năm 2016, HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 36/2016/NQHĐND, ngày 18/7/2016 để thu hút đội ngũ bác sỹ. Theo đó, bác sỹ đa khoa đào tạo hệ chính quy về công tác tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, hoặc bác sỹ đa khoa đào tạo hệ chính quy về công tác tại các cơ sở y tế tuyến xã, được hưởng chính sách theo loại tốt nghiệp từ 80 - 140 triệu đồng; bác sỹ chuyên khoa cấp II, bác sỹ nội trú được hỗ trợ 150 triệu đồng; bác sỹ chuyên khoa cấp I được hỗ trợ 100 triệu đồng. Bên cạnh đó, đội ngũ y bác sĩ còn được hưởng nhiều chính sách đãi ngộ thu hút tiền lương và được hưởng trợ cấp khi được cử đi đào tạo chuyên khoa…

Mặc dù, có những chính sách khá hấp dẫn như vậy, nhưng địa phương vẫn luôn trong tình trạng thiếu bác sĩ từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở. Theo ông Hoàng Quốc Hương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lào Cai thì hiện nay, từ tuyến tỉnh, tuyến huyện đều thiếu bác sĩ. 

Cụ thể, sau 5 năm thực hiện chính sách thu hút, ngành Y tế Lào Cai mới tuyển dụng được 127 thạc sĩ, bác sĩ về công tác tại tỉnh. Trung bình mỗi năm toàn ngành chỉ tuyển dụng được 30 - 35 bác sĩ/ 27 trung tâm bệnh viện đa khoa từ tỉnh đến huyện và 164 trung tâm y tế xã. 

Để đạt được mục tiêu 15 bác sỹ/vạn dân theo tiêu chí của Bộ Y tế ,thì giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lào Cai còn thiếu khoảng 305 bác sĩ. Do vậy, ngày 04/12/2020, HĐND tỉnh Lào Cai tiếp tục ban hành chính sách thu hút, đãi ngộ, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021 – 2025 nhằm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đội ngũ y bác sĩ chất lượng cao về địa phương.

Tại Đăk Nông, từ năm 2014, đã ban hành Nghị quyết số 09/2014/NQ-HĐND quy định chính sách thu hút, đãi ngộ đối với bác sỹ, dược sỹ đại học và sau đại học về công tác tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh Đăk Nông giai đoạn 2015 - 2020. Nhưng sau hơn 5 năm thực hiện, ngành Y tế tỉnh Đăk Nông vẫn đang trong tình trạng vừa thiếu bác sỹ, vừa phân bổ không đều giữa các huyện, thành phố.

Điển hình như Trung tâm Y tế huyện Đăk G’Long, sau hơn 5 năm thực hiện chính sách thu hút, chế độ đãi ngộ nhân lực, ngành Y tế huyện Đắk G’Long chưa thu hút được bác sĩ, dược sĩ nào về công tác.

Theo Bác sĩ Huỳnh Thanh Huynh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk G’Long cho biết: Nguyên nhân khó thu hút đội ngũ bác sĩ về công tác tại cơ sở, là do hầu hết đội ngũ bác sỹ trẻ muốn có được môi trường làm việc hiện đại, đông bệnh nhân để họ có điều kiện cọ xát, nâng cao tay nghề; nhưng với điều kiện kinh tế, xã hội hiện tại, huyện Đăk G’Long chưa thể đáp ứng được.

Chế độ đãi ngộ chưa tương xứng

Hiện nay, ngành y tế vẫn chưa có thống kê cụ thể và toàn diện về tình trạng bác sĩ chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư, để từ đó đánh giá, nhìn nhận lại thực trạng sử dụng nguồn nhân lực y tế thời gian qua. Nhưng theo khảo sát của các bệnh viện có cán bộ y tế xin nghỉ việc, thì phần lớn lý do là áp lực công việc, lương thấp, chế độ đãi ngộ không tương xứng… khiến đội ngũ y, bác sĩ bỏ bệnh viện công ngày càng phổ biến ở các địa phương hiện nay.

Nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa trên cả nước vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng bác sỹ
Nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa trên cả nước vẫn đang thiếu hụt nghiêm trọng bác sỹ

Ngoài ra, còn có các lý do là địa bàn vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, thiết bị còn sơ sài khiến việc phát huy chuyên môn nghiệp vụ sẽ bị hạn chế...

Thực tế để có được tấm bằng bác sĩ,  người học phải đầu tư một khoản tiền rất lớn, (ước khoảng 400 đến 500 triệu đồng), chưa kể những chi phí phát sinh khác và thời gian học dài hơn (từ 5 đến 6 năm). Tuy nhiên, khi ra trường, lương của nhiều cán bộ y tế làm việc tại các bệnh viện công chỉ khoảng 3-4 triệu đồng/tháng. Hiện lương ngành Y vẫn được chi trả theo thời gian công tác, với hệ số cứng nhắc, vừa thấp vừa cào bằng, không liên quan đến hiệu suất công việc.

Áp lực công việc lớn, nhưng với mức thu nhập như vậy, các bác sĩ rất khó bảo đảm cuộc sống. Trong khi đó, tại bệnh viện tư nhân, thu nhập của bác sĩ cao hơn từ 4 - 5 lần so với làm việc tại bệnh viện công lập, môi trường làm việc thuận lợi cho cán bộ y tế có điều kiện phát huy trình độ tay nghề vào công tác chăm sóc người bệnh. 

Việc dịch chuyển bác sĩ đến y tế tư nhân cho thấy, y tế công lập và y tế tư nhân đã bước đầu có sự cạnh tranh; nguồn nhân lực chất lượng sẽ dịch chuyển về nơi nào có điều kiện môi trường, cơ sở vật chất y tế để hoạt động chuyên môn và thu nhập cao hơn.

Điển hình như, trường hợp của bác sĩ N. D. Đ, bác sỹ chuyên khoa I, Trưởng khoa Ngoại một bệnh viện đa khoa tuyến huyện ở tỉnh Lào Cai, vào tháng 5/2018,  sau 12 năm công tác đã có đơn xin thôi việc. Mặc dù đơn chưa được chấp thuận, nhưng bác sĩ Đ đã tự ý nghỉ để đến làm việc cho một bệnh viện tư nhân trên địa bàn tỉnh, bởi nơi làm việc mới dù có vất vả nhưng mức thu nhập cao hơn rất nhiều.

Việc nhiều bác sĩ bệnh viện công, chuyển sang bệnh viện tư, ở khía cạnh nào đó đang trở thành đòn bẩy thúc đẩy y tế tư nhân phát triển, giảm tải bệnh viện công. Nhưng nếu hiện tượng này xảy ra ở nhiều địa phương, và năm nào cũng tái diễn thì cũng cần xem lại cơ chế đãi ngộ đối với bác sĩ, nhân viên y tế. 

Thực trạng này, tiếp tục đặt ra thách thức cho công tác nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân cũng như thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia về y tế ở các địa phương, các vùng có điều kiện sống còn khó khăn.


Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 ở Kỳ Sơn (Nghệ An): Thành công bắt đầu từ sự đồng lòng

Chương trình MTQG 1719 ở Kỳ Sơn (Nghệ An): Thành công bắt đầu từ sự đồng lòng

Diện mạo hạ tầng cơ sở ngày một khang trang, đời sống dân sinh đang tiếp tục chuyển biến tích cực..., chính là kết quả từ sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) trong thực hiện hiệu quả các dự án, nội dung của Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 ( Chương trình MTQG 1719).