Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Phát triển sản phẩm gạo Điện Biên theo chuỗi giá trị

PV - 11:14, 09/02/2023

Sản phẩm gạo Điện Biên thơm ngon, đã tạo được chỗ đứng nhất định trên thị trường nông sản miền Bắc; sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị cũng là mục tiêu phấn đấu của tỉnh.

Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên thu hoạch lúa tại vùng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên thu hoạch lúa tại vùng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.

Hiện nay, quy mô sản xuất lúa tại cánh đồng Mường Thanh vẫn ổn định, mỗi vụ diện tích gieo cấy khoảng 4.000h - 4.500 ha, một số vùng sản xuất lớn như: Thanh Yên, Thanh Hưng, Thanh An và Thanh Xương thuộc huyện Điện Biên. Các giống lúa cho năng suất khá cao, trung bình từ 60 - 64 tạ/ha, trong đó giống Vai gãy cho năng suất cao nhất với 66,67 tạ/ha, thấp nhất là 61,02 tạ/ha đối với Bắc thơm số 7.

Mặc dù diện tích vùng nguyên liệu lớn song tại mỗi xã, mỗi khu vực lại có diện tích canh tác nhỏ, manh mún, chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa. Những năm gần đây, huyện Điện Biên đã triển khai nhiều dự án dồn điền đổi thửa trên cánh đồng Mường Thanh, song do nguồn kinh phí hạn hẹp nên mới chỉ triển khai thực hiện tại các xã: Thanh Yên, Thanh Hưng và Thanh Xương. Diện tích dồn điền đổi thửa quá nhỏ so với diện tích tổng thể của cánh đồng Mường Thanh, hiệu quả các dự án dồn điền đổi thửa chưa cao. Bên cạnh đó, hiện nay nông dân đang sử dụng quá nhiều giống lúa, có thời điểm lên tới 20 loại giống. Điều này sẽ dẫn tới gia tăng tình trạng lúa lẫn; chất lượng lúa giảm và rất khó phòng trừ sâu bệnh.

Tỉnh có 2 giống lúa: IR64 và Bắc thơm số 7 là những giống lúa chất lượng cao, đã được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị, hàng hóa. Tuy nhiên, những năm gần đây, cơ cấu giống đối với 2 loại giống này đã bị giảm sút rất nhanh, thay vào đó là các giống lúa: Séng cù, Vai gãy... Có những vụ lúa, giống Séng cù chiếm đến 60% cơ cấu giống. Hiện nay, tại cánh đồng Mường Thanh đang diễn ra tình trạng người dân bón phân và phun thuốc bảo vệ thực vật nhiều hơn so với khuyến cáo của cán bộ nông nghiệp, số lần bón và phun tăng lên, thậm chí gấp đôi bình thường do tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp. Từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị sản phẩm lúa gạo Điện Biên.

Các hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là một “mắt xích” trọng yếu trong quy trình sản xuất lúa gạo. Tuy nhiên, trên cánh đồng Mường Thanh, các hình thức liên kết còn rất hạn chế. Hiện nay, huyện Điện Biên mới xây dựng được 3 mô hình liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp.

Giới thiệu các sản phẩm gạo được sản xuất trên cánh đồng Mường Thanh
Giới thiệu các sản phẩm gạo được sản xuất trên cánh đồng Mường Thanh

Hiện nay, mô hình sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị ở cánh đồng Mường Thanh được cấu thành theo quy trình: Đầu vào - sản xuất - thu gom - chế biến - thương mại - tiêu thụ. Để xây dựng hiệu quả mô hình liên kết sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo chuỗi giá trị đòi hỏi phải giải quyết dứt điểm những hạn chế, tồn tại tại mỗi khâu trong quy trình.

Đối với đầu vào sản xuất, hiện nay hệ thống phân phối giống trên địa bàn Tp. Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên rất lớn. Các loại giống cung cấp trên thị trường đều thuần chủng, có năng suất, chất lượng cao. Vấn đề là cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cần xác định những giống lúa chủ lực để phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị để từ đó kiểm soát, ban hành cơ cấu giống phù hợp. Đồng thời, cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động thử nghiệm giống trên địa bàn bằng việc đưa ra quy chế báo cáo, khoanh vùng và thời hạn thử nghiệm đối với các loại giống, sau đó có những phân tích, đánh giá chất lượng từng loại giống.

Do diện tích sản xuất của các hộ gia đình trên cánh đồng Mường Thanh nhỏ lẻ, manh mún nên cần đẩy nhanh việc dồn điền đổi thửa, tiến tới quy hoạch các vùng sản xuất tập trung để giảm thiểu tình trạng lẫn tạp, nâng cao chất lượng sản phẩm nhờ việc đồng bộ thực hiện theo một quy trình sản xuất khép kín.

Ông Chu Văn Bách - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Điện Biên cho biết: Bên cạnh việc dồn điền đổi thửa, những năm gần đây, huyện Điện Biên đã tăng cường áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tình trạng lúa lẫn, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong quy trình sản xuất. Đặc biệt là trong khâu gieo cấy, thu hoạch và chế biến sản phẩm. Đến nay, diện tích áp dụng máy cấy khoảng 500 - 600 ha và tiếp tục được mở rộng trong các mùa vụ tiếp theo.

Công tác thu gom, chế biến sản phẩm là khâu quan trọng nhất trong liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị. Lúa sau khi thu hoạch chủ yếu được các cửa hàng xay xát thu gom, chế biến và phân phối ra các thị trường ngoài liên kết chuỗi giá trị.

Ông Chu Văn Bách cho biết: Thu gom, chế biến đang là vấn đề khó khăn trong phát triển sản phẩm gạo Điện Biên theo chuỗi giá trị. Hiện nay, trên địa bàn huyện có một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất theo chuỗi song năng lực sản xuất có hạn nên khối lượng thu gom, chế biến sản phẩm đạt thấp so với sản lượng thực tế. Chính vì vậy, những năm qua, bên cạnh hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để thu gom, chế biến sản phẩm, UBND huyện Điện Biên đã và đang xây dựng các cơ chế ưu đãi, thu hút đầu tư các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư các dự án sản xuất lúa gạo chất lượng cao tại cánh đồng Mường Thanh. Chỉ khi thu hút được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn vào đầu tư tại địa bàn thì vấn đề thu gom, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gạo mới được giải quyết dứt điểm.

Nông dân Điện Biên thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh
Nông dân Điện Biên thu hoạch lúa trên cánh đồng Mường Thanh

Bên cạnh đó, công tác xúc tiến thương mại thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cũng đang được các doanh nghiệp, hợp tác xã và các cấp chính quyền quan tâm thực hiện. HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Yên đã đưa sản phẩm thương hiệu Tâm Sáng vào chuỗi siêu thị của Winmart, hay Công ty Trường Hương đưa sản phẩm Hương Việt 3 vào chuỗi thực phẩm sạch Bắc Tôm và Sói Biển... Bên cạnh đó, hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Công Thương cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ các doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm.

Trên cơ sở nhận diện được những tồn tại, hạn chế, ngành chức năng, các cấp chính quyền đã và đang từng bước triển khai các giải pháp khắc phục. Hi vọng sản phẩm gạo Điện Biên sớm được phát triển theo chuỗi giá trị bền vững, khẳng định thương hiệu, nâng cao thu nhập cho nông dân. 

Tin cùng chuyên mục
Cần Thơ: Khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2024

Cần Thơ: Khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2024

Ngày 1/11, Trung tâm Xúc tiến đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm TP. Cần Thơ đã tổ chức khai mạc Hội chợ Nông nghiệp quốc tế Việt Nam 2024. Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu và Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường tham dự khai mạc.