Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phát triển bền vững các dân tộc có khó khăn đặc thù

Phát triển toàn diện đồng bào dân tộc Rơ Măm từ nâng cao chất lượng dân số

Lê Hường - 20:26, 30/11/2023

Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm tỷ lệ trẻ em người DTTS dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (chiều cao theo tuổi) xuống dưới 30%; suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) xuống dưới 15,8%. Cùng với Dự án 7 thì Tiểu dự án 1 – Dự án 9 của Chương trình MTQG 1719 trực tiếp hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc Rơ Măm đang góp phần đồng hành cùng tỉnh Kon Tum hướng tới mục tiêu này.

Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Rơ Măm mang tới Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tại Lai Châu diễn ra vào tháng 11/2023 (Ảnh Tào Đạt)
Trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Rơ Măm mang tới Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người tại Lai Châu diễn ra vào tháng 11/2023 (Ảnh Tào Đạt)

Nhiều yếu tố tác động đến chất lượng dân số

Rơ Măm là một trong 5 dân tộc có dân số ít người nhất của nước ta hiện nay, và là một trong 14 DTTS có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1227/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng bào Rơ Măm sinh sống tập trung, duy nhất tại làng Le, xã Mo Rai (Sa Thẩy, Kon Tum). Tính đến cuối năm 2022, làng Le có 222 hộ, trên 700 nhân khẩu; trong đó dân tộc Rơ Măm có 178 hộ, 586 khẩu.

Những năm qua, cùng với các chính sách chung cho vùng đồng bào DTTS và miền núi thì đồng bào dân tộc Rơ Măm ở làng Le đã được thụ hưởng chính sách đặc thù dành cho các dân tộc rất ít người. Các chính sách đầu tư, hỗ trợ được triển khai đồng bộ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, góp phần quan trọng nâng cao đời sống của đồng bào Rơ Măm.

Theo Quyết định số 744/QĐ-UBND ngày 15/11/2022 phê duyệt Đề án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Rơ Măm) trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2025 (Đề án 744), các chính sách đầu tư, hỗ trợ đã giúp đồng bào Rơ Măm từng bước giảm nghèo bền vững, chất lượng đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh ban đầu cơ bản được đảm bảo; chất lượng dân số, tuổi thọ của dân tộc Rơ Măm từng bước được cải thiện...

Chị Y Doan,dân tộc Rơ Măm, người dân làng Le chia sẻ: “Được sự quan tâm của Nhà nước, bà con trong làng cũng đã chăm chỉ làm ăn. Như tôi được hỗ trợ một con bò sinh sản, nay đã đẻ được 3 con. Bà con rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã hỗ trự để có cuộc sống tốt hơn, phát triển hơn”.

Mặc dù đời sống của đồng bào Rơ Măm đã có bước phát triển, tuy nhiên, trong Đề án 744, UBND tỉnh Kon Tum cũng nhận định, đồng bào vẫn còn khó khăn, còn khoảng cách phát triển khá lớn so với các dân tộc khác trên địa bàn. Đặc biệt, việc chăm sóc sức khỏe cho đồng bào mặc dù được quan tâm nhưng vẫn còn hạn chế, tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng vẫn còn cao; tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến chất lượng dân số, nguồn nhân lực vẫn chưa được cải thiện nhiều.

Các chính sách đầu tư, hỗ trợ đã giúp đồng bào Rơ Măm từng bước giảm nghèo bền vững. (Ảnh minh họa)
Các chính sách đầu tư, hỗ trợ đã giúp đồng bào Rơ Măm từng bước giảm nghèo bền vững. (Ảnh minh họa)

Bắt đầu từ bảo đảm bữa ăn dinh dưỡng

Theo ông Đinh Quốc Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, Đề án 774 là cụ thể hóa các hoạt động của Tiểu dự án 1 – Dự án 9 thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg (Chương trình MTQg 1719). Một trong những nội dung được tỉnh chú trọng triên khai là hỗ trợ bảo vệ và phát triển dân tộc Rơ Măm.

Triển khai Đề án 744, theo kế hoạch, mỗi năm tỉnh Kon Tum sẽ hỗ trợ 20 bà mẹ mang thai (bao gồm các hoạt động: tư vấn dinh dưỡng, hỗ trợ dinh dưỡng; tầm soát dị tật bẩm sinh; hỗ trợ chi phí đi lại đến cơ sở y tế...). Ngoài ra, Đề án 744 cũng thực hiện hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc Rơ Măm sinh con đúng chính sách dân số, mức hỗ trợ tối đa 03 triệu đồng/bà mẹ.

Đối với trẻ em dân tộc Rơ Măm dưới 05 tuổi, tỉnh dự kiến mỗi năm hỗ trợ 20 trẻ triển khai các hoạt động: tầm soát, chẩn đoán, điều trị các loại bệnh bẩm sinh phổ biến (10 triệu đồng/trẻ); hỗ trợ chi phí đi lại (tối đa 500 nghìn đồng/trẻ); hỗ trợ điều trị suy dinh dưỡng cho trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng (tối đa 03 triệu đồng/trẻ). Riêng đối với hoạt động hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, tỉnh Kon Tum dự kiến mỗi năm hỗ trợ 60 trẻ dân tộc Rơ Măm, với mức hỗ trợ tối đa là 550 nghìn đồng/tháng/trẻ.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum Đinh Quốc Tuấn cho biết, trong năm 2023, tỉnh đã triển khai hoạt động hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập đối với trẻ em dân tộc Rơ Măm theo quy định tại văn bản số 3995/UBND-KGVX ngày 16/11/2023 của UBND tỉnh Kon Tum. Việc triển khai hỗ trợ đã góp phần tăng tỷ lệ chuyên cần của học sinh, từng bước tác động đến quá trình nâng cao tầm vóc, thể trạng cho học sinh dân tộc Rơ Măm.

Thực hiện hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý dân tộc Rơ Măm, tỉnh Kon Tum dự kiến mỗi năm hỗ trợ 60 trẻ dân tộc Rơ Măm, với mức hỗ trợ tối đa là 550 nghìn đồng/tháng/trẻ. (Trong ảnh: Lớp học mẫu giáo làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy)
Thực hiện hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý dân tộc Rơ Măm, tỉnh Kon Tum dự kiến mỗi năm hỗ trợ 60 trẻ dân tộc Rơ Măm, với mức hỗ trợ tối đa là 550 nghìn đồng/tháng/trẻ. (Trong ảnh: Lớp học mẫu giáo làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy)

Hiện ở làng Le có một điểm trường Tiểu học - Mầm non, 92 học sinh; trong đó có 51 học sinh mẫu giáo. Ngoài các chính sách về miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, các trẻ em mầm non dưới 5 tuổi của điểm trường được hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý, với mức 550 nghìn đồng/tháng/trẻ; kinh phí hỗ trợ được thực hiện 5 tháng/năm học, cấp trực tiếp bằng tiền mặt.

Cô giáo Lê Thị Phương, Hiệu trưởng Trường mầm non xã Mo Rai, cho biết: “Thực hiện chính sách trong thời gian qua cho thấy, các cháu học sinh được cải thiện rõ rệt hơn về sức khỏe khi được hỗ trợ bảo đảm bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý”.

Theo đánh giá của Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, việc triển khai hoạt động hỗ trợ đảm bảo bữa ăn dinh dưỡng cân đối hợp lý cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập đối với tre em dân tộc Rơ Măm có ý nghĩa trong việc thực hiện hiệu quả Kế hoạch số 1794/KH-UBND ngày 15/6/2023 về phát triển nguồn nhân lực các DTTS trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030 của UBND tỉnh. Tỉnh Kon Tum xác định việc nâng cao thể trạng, sức khỏe của trẻ em là giải pháp để phát triển nguồn nhân lực các DTTS. 

Tỉnh Kon Tum đặt mục tiêu đến năm 2025 duy trì giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi người DTTS xuống dưới 35,5‰; tuổi thọ bình quân của người DTTS bằng hoặc trên 67 tuổi; giảm tỷ lệ trẻ em người DTTS dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (chiều cao theo tuổi) xuống dưới 32% ; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) xuống dưới 21,3%. Đến năm 2030, giảm tỷ lệ trẻ em người DTTS dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (chiều cao theo tuổi) xuống dưới 30%; suy dinh dưỡng (cân nặng theo tuổi) xuống dưới 15,8%.

Tin cùng chuyên mục
Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Đi qua những bản làng của đồng bào dân tộc rất ít người ở Lai Châu: Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc (Bài cuối)

Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó có 4 dân tộc Mảng, Cống, Lự, Si La là thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù. Nhờ các chính sách đối với của Đảng, Nhà nước, bộ mặt các bản làng dân tộc rất ít người của tỉnh Lai Châu dần thay đổi. Đặc biệt, giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế tiểu dự án 1, Dự án 9 về đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn nhằm giải quyết toàn diện những vấn đề cấp thiết của đồng bào.