Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Trang địa phương

Phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi của Hà Nội

H. Thanh - 15:54, 21/01/2023

Với việc triển khai hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội... vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô hiện đã có nhiều thay đổi rõ nét và đầy ấn tượng. Đón năm mới 2023, mừng Xuân Quý Mão, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hà Nội đã có những chia sẻ với Báo Dân tộc và Phát triển xung quanh những thành tựu vượt bậc vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô cũng như những định hướng phát triển vùng trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn thăm tặng quà cán bộ lão thành cách mạng huyện Chương Mỹ
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn thăm tặng quà cán bộ lão thành cách mạng huyện Chương Mỹ

Diện mạo vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô hiện như thế nào kể từ thời điểm Hà Nội mở rộng địa giới hành chính cho đến nay, thưa Ông?

Ông Lê Hồng Sơn: Sau khi mở rộng địa giới hành chính (năm 2008), Hà Nội có hơn 30 ngàn ha diện tích là vùng DTTS và miền núi, chiếm khoảng 10% diện tích tự nhiên của Thành phố. Địa bàn sinh sống tập trung của đồng bào DTTS của Thủ đô, với 50/53 thành phần DTTS ở 13 xã và 1 thôn thuộc 5 huyện: Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Sau nhiều năm triển khai đồng bộ, hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô đã chuyển biến rõ nét.

Đến thời điểm này, 100% xã thuộc vùng đã đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người bình quân toàn vùng đạt trên 50 triệu đồng/người/năm; 100% các xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn quốc gia về y tế, 100% người dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; 100% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh… Đây là dấu ấn phát triển, là tiền đề cho chặng đường mới để Thành phố tiếp tục tập trung phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô.

Ông có thể chia sẻ những điểm nhấn trong việc huy động nguồn lực để phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi Thủ đô?

Ông Lê Hồng Sơn: Ở mỗi giai đoạn, Thành phố đã ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô, đảm bảo phù hợp, hiệu quả. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020, HĐND Thành phố đã ban hành nghị quyết phê duyệt kinh phí 1.000 tỷ đồng đầu tư 69 dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn này.

Giai đoạn 2021 – 2025, Hà Nội dự kiến bố trí tổng kinh phí 2.144,523 tỷ đồng từ ngân sách Thành phố để triển khai thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi theo Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Thành phố dự kiến đầu tư 121 dự án với tổng vốn 1.647,702 tỷ đồng. Hiện Thành phố đã bố trí 935,700 tỷ đồng, đã giải ngân đạt trên 80% theo kế hoạch. Còn với nguồn vốn sự nghiệp (496,821 tỷ đồng), đến nay Thành phố đã bố trí 5,879 tỷ đồng, đã giải ngân đạt trên 90% theo kế hoạch.

Phụ nữ dân tộc Mường, huyện Ba Vì biểu diễn cồng chiêng
Phụ nữ dân tộc Mường, huyện Ba Vì biểu diễn cồng chiêng

Sự hiện diện của 50/53 thành phần DTTS chứng tỏ Hà Nội là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa của dân tộc Việt Nam. Thành phố đã có những cơ chế, chính sách gì để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS, thưa ông?

Ông Lê Hồng Sơn: Hà Nội là Thủ đô. Bên cạnh số lượng người DTTS sinh sống tập trung tại 5 huyện thì đồng bào các DTTS cư trú đan xen ở 30/30 quận, huyện của Thành phố. Dù xuất phát điểm như thế nào thì tất cả đều giữ được hình ảnh các DTTS đoàn kết trong cộng đồng dân tộc Việt Nam. Hà Nội luôn tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào DTTS trên địa bàn phát huy nội lực, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng Thủ đô và đất nước.

Để phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS, các huyện có đồng bào DTTS sinh sống tập trung đều đã xây dựng và thực hiện hiệu quả “Đề án khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các DTTS đến năm 2020”. Việc duy trì và thành lập mới các đội cồng chiêng dân tộc Mường; mua sắm nhạc cụ, trang phục truyền thống; tổ chức các hoạt động văn hóa... vừa tạo ra không khí vui tươi, phấn khởi vừa là cơ sở để xây dựng đời sống văn hóa mới. Đặc biệt, Thành phố đã xây dựng được 46 công trình nhà văn hóa thôn, bản, tăng cường chất lượng thiết chế văn hóa ở vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô.

Hành trình gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các DTTS ở Hà Nội thời gian qua đã góp phần không nhỏ xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo. Giai đoạn 2021 – 2025, việc bảo tồn giá trị văn hóa DTTS trên địa bàn Thủ đô bước vào một hành trình mới khi Thành phố triển khai Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.

Phát huy vai trò của đội ngũ Người có uy tín trong đồng bào DTTS vừa là nhiệm vụ chính trị, vừa là giải pháp quan trọng để thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc. Ông đánh giá gì về nhận định này, trên cơ sở thực tế vùng đồng bào DTTS và miền núi của Thủ đô?

Ông Lê Hồng Sơn: TP. Hà Nội luôn xác định lực lượng Người có uy tín trong đồng bào DTTS là “cánh tay nối dài” của chính quyền và ngành chức năng trong phát triển kinh tế, xóa bỏ các tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống… Để phát huy vai trò của họ, ngoài các chính sách được quy định tại Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 06/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ, thì Thành phố đã ban hành chính sách riêng để động viên, khuyến khích Người có uy tín.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 8/12/2021 của HĐND TP. Hà Nội, từ tháng 1/2022 đến nay, Người có uy tín trong đồng bào DTTS trên địa bàn Thành phố được hưởng mức hỗ trợ hằng tháng bằng 50% mức lương cơ sở/người/tháng (745 nghìn đồng). Tính đến hết tháng 12/2022, Thành phố đã hỗ trợ 1 tỷ 130 triệu đồng cho 152 Người có uy tín trên địa bàn.

Chính sách hỗ trợ hằng tháng đã động viên Người có uy tín phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình tại địa phương. Trong thời gian tới, Thành phố sẽ tham mưu trình cấp có thẩm quyền xây dựng, ban hành chính sách mua bảo hiểm y tế cho Người có uy tín không thuộc thành phần hưu trí, gia đình chính sách, gia đình có công. Đây sẽ là nguồn động viên to lớn để Người có uy tín phát huy tốt vai trò của mình với cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn ông!