Hình mẫu xây dựng nông thôn mới
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Hà Lâu Lý Văn Diểng cho biết, bà con trong thôn Khe Lẹ, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) cuối năm 2018 về trước sống ở nơi cũ, các gia đình ở biệt lập, mỗi nhà ở một nơi xa cách nhau. Do điều kiện khó khăn, sản xuất, đi lại giao lưu với bên ngoài cách trở, nên tỷ lệ hộ nghèo của thôn không dưới 50%...
Trái hẳn với trước đây, thôn Khe Lẹ giờ được quy hoạch các gia đình liền kề với nhau, nhà nào cũng xây kiên cố, lợp ngói. Nơi ở mới, đường chạy quanh thôn là đường bê tông rộng đủ để 2 xe ôtô vào ra thuận lợi, lại có hoa trồng hai bên đường và có hệ thống đèn cao áp thắp sáng vào ban đêm. Ở nơi mới gần trung tâm xã, con em đến trường gần hơn, bà con đi lại giao lưu kinh tế với bên ngoài cũng dễ dàng thuận tiện hơn…
Anh Trương Công Ngàn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Ninh, khi còn đương nhiệm là Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên cho biết, 2 bản Nà Cả (xã Phong Dụ) và Khe Lẹ (xã Hà Lâu) là mẫu hình trong việc di dân tái định cư của Tiên Yên trong thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM) ở vùng cao DTTS đặc biệt khó khăn (ĐBKK).
Trong đó, với Khe Lẹ - nơi an cư của 100% người Dao Thanh Y có nhiều điều đặc biệt. Thứ nhất, đồng bào người Dao ở đây đồng lòng xây dựng nơi ở mới theo đúng quy hoạch được Nhà nước và tỉnh Quảng Ninh phê duyệt. Thứ hai, bà con đồng lòng, tập trung chuyển về nơi ở mới cùng một ngày. Thứ ba, khi về nơi ở mới, bà con quyết tâm phát triển kinh tế, chăn nuôi gia súc, gia cầm ở một khu tập trung và trồng rau quả ở một khu theo quy hoạch. Đây có thể nói là “ cuộc Cách mạng ” lịch sử về nhận thức của đồng bào DTTS ở Tiên Yên trong xây dựng NTM.
“Đặt hàng” cho ngày mai
Khe Lẹ bây giờ, thực sự là phố ở bản. Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Khe Lẹ Sằn Chi Nàm cho biết, người dân Khe Lẹ sống hoàn toàn dựa vào nông lâm nghiệp. Trong năm 2019, năng suất lúa bình quân đạt 43 tạ/ha (tăng so với năm trước 0,5 tạ/ha). Trong năm 2019, người Dao thôn Khe Lẹ tập trung chăm sóc rừng trồng, cả năm không để xảy ra vụ cháy rừng nào và trồng mới thêm 20ha rừng (chủ yếu là keo). Hiện trong thôn duy nhất chỉ còn một hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo, cả thôn có 35 hộ, thì 34 hộ đạt gia đình văn hóa mới…
Trước khi khép lại năm 2019, Khe Lẹ cũng thoát khỏi diện ĐBKK và Hà Lâu là xã cuối cùng của huyện Tiên Yên ra khỏi diện xã ĐBKK. Năm mới 2020 này, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên Hà Hải Dương “đặt hàng” với đồng bào Dao Thanh Y Khe Lẹ nhiều mẫu hình cho ngày mai.
Trước hết, người đứng đầu Huyện ủy, UBND huyện Tiên Yên mong muốn bà con Khe Lẹ thực sự đoàn kết, đại đoàn kết như lời Bác dạy, gìn giữ phong tục tập quán tốt đẹp, duy trì nét đẹp văn hóa, lối sống, trang phục, đặc biệt là giữ gìn ngôn ngữ dân tộc Dao, phát biểu bằng tiếng Dao, sinh hoạt văn hóa, múa hát bằng tiếng Dao. Tiếp đến mong muốn bà con giữ rừng, kiên quyết không phá rừng, vì rừng là “trái tim” giữ cho nhịp đập bền vững dài lâu của đồng bào DTTS Tiên Yên. Bà con Khe Lẹ tiếp tục trở thành hình mẫu về đoàn kết hỗ trợ giúp đỡ nhau trong sản xuất, đời sống, tích cực phát triển kinh tế, thực sự là miền quê đáng sống vùng DTTS ở tỉnh Quảng Ninh.
“Khe Lẹ đã là hình mẫu về xây dựng nhà ở. Bây giờ, huyện “đặt hàng” bà con cán bộ đảng viên Khe Lẹ làm sao phát triển trở thành vườn rau quả hàng hóa mẫu của tất cả các xã trong huyện theo hướng sạch an toàn, để đưa đến bán cho khách tại chợ Hà Lâu - một sản phẩm du lịch mới của Tiên Yên”, ông Hà Hải Dương nhấn mạnh.