Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Đổi thay ở Vĩnh An

Phương Lê - 11:22, 14/01/2020

Về với Vĩnh An, huyện Tây Sơn (Bình Định) những ngày giáp Tết, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi sự đổi thay nhanh chóng của địa phương. Những cánh đồng lúa chín trĩu hạt vươn mình đón nắng mai, những con đường bê tông thẳng tắp chạy dài khắp thôn, làng; hệ thống điện lưới quốc gia, điểm bưu điện văn hóa, trường học, trạm xá cũng đã được xây dựng khá hoàn chỉnh, góp phần làm nên diện mạo một Vĩnh An đầy sức sống.

Đội cồng chiêng xã Vĩnh An luôn duy trì luyện tập.
Đội cồng chiêng xã Vĩnh An luôn duy trì luyện tập

Đời sống phát triển

Vĩnh An là xã miền núi, toàn xã có hơn 350 hộ dân, trong đó gần 96% là đồng bào Ba Na. Những năm trước đây, Vĩnh An rất khó khăn, khó từ giao thông đến y tế, giáo dục; sản xuất lạc hậu nên kém hiệu quả, cái đói, cái nghèo, thiếu ăn, bệnh tật luôn đeo bám người dân... Thế nhưng, nhờ sự đầu tư của Nhà nước và nỗ lực vươn lên của người dân, giờ đây, những điều nói trên đã thành chuyện cũ. Thay vào đó là sự tươi mới, tràn ngập niềm vui.

Ông Đinh Ven, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh An, cho biết: Được sự hỗ trợ về nhiều mặt của tỉnh, huyện, đời sống vật chất và tinh thần của bà con đã từng bước được cải thiện. Đặc biệt từ khi có Chương trình 135, 134, Nhà nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi, nước sinh hoạt, chuyển giao tiến bộ Khoa học - Kỹ thuật (KHKT), chuyển đổi giống cây trồng, mùa vụ giúp tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất, chăn nuôi.

Từ năm 2006, người dân Vĩnh An đã có nước sạch để dùng. Đến nay, 100% hộ dân được đấu nối đường ống dẫn nước sạch đến tận nhà. 100% số hộ được sử dụng điện thắp sáng, 95% số hộ có nhà ngói tường gạch; hầu hết đều có phương tiện nghe nhìn, xe máy đi lại...

Trong sản xuất nông - lâm nghiệp, nhờ được “cầm tay chỉ việc”, áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, thay đổi tập tục sản xuất lạc hậu, nên năng suất, sản lượng các loại cây trồng, vật nuôi ngày càng được nâng cao. Nhờ vậy, từ một nơi thường xuyên nhận trợ cấp, nay đã chủ động hoàn toàn về lương thực.

Già làng Đinh Hương, phấn khởi cho biết: Sự đổi thay của xã miền núi Vĩnh An hôm nay là nhờ sự quan tâm hỗ trợ nhiều mặt của cấp trên, bên cạnh đó có sự nỗ lực của cán bộ và Nhân dân trong xã. Mọi nhu cầu trong cuộc sống như điện, nước, thuốc men chữa bệnh, trường học… đều được Nhà nước quan tâm đầy đủ. Bà con chúng tôi một lòng theo Đảng, quyết tâm xây dựng xã Vĩnh An ngày càng khởi sắc hơn.

Giữ gìn bản sắc văn hóa

Tự bao đời nay ở Vĩnh An, từ người già đến trẻ nhỏ, từ gái đến trai, ai ai cũng yêu thích cồng chiêng và xem nó như một phần máu thịt của mình. Hiện, Đội cồng chiêng của xã Vĩnh An, do anh Đinh Ngắc trực tiếp quản lý và hướng dẫn có khoảng 25 thành viên, độ tuổi dao động từ 15 - 25 tuổi. Đội luôn duy trì tập luyện mỗi tuần từ 1 - 2 buổi, khi mặt trời ẩn đằng sau đỉnh núi hoặc những đêm trăng sáng. Tiếng cồng, tiếng chiêng vang khắp núi rừng, khi khoan thai réo rắt, khi đượm buồn ngân nga.

Bên cạnh cồng chiêng, bắn nỏ cũng là thế mạnh của đồng bào Ba Na Vĩnh An. Những hạt nhân có thể kể đến như: Đinh Nhin, Đinh Thưa, Đinh Rum (làng Giọt 1), Đinh Thép (làng Kon Giang)... Chúng tôi có dịp đến thăm nhà 2 anh em Đinh Thưa và Đinh Rum, trong ngôi nhà sàn đơn sơ, có khoảng gần 30 chiếc Huy chương Vàng, Bạc mà 2 anh em anh đã nỗ lực đạt được từ các cuộc thi bắn nỏ, Ngày hội Văn hóa - Thể thao của tỉnh và khu vực miền Trung- Tây Nguyên. Theo Đinh Thưa, ở đây trẻ nhỏ lên 7, lên 8 đã biết cầm cung, cầm nỏ, biết đánh cồng chiêng theo nhịp đơn giản. Lớn lên, theo học các cụ cao niên rồi trở nên thành thục lúc nào không hay.

Ông Đinh Ngắc, một nghệ nhân ở Vĩnh An trăn trở: Cồng chiêng là nét văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào Ba Na. Chúng tôi luôn cố gắng giữ gìn và truyền lửa cho các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, trong quá trình truyền dạy và tập luyện cũng gặp không ít khó khăn. Do đời sống bà con còn nghèo, hằng ngày, họ phải lên nương, lên rẫy nên ít có thời gian tập luyện thường xuyên. Song, bằng niềm yêu thích nghệ thuật nhạc cụ truyền thống, chúng tôi đã sát cánh bên nhau cùng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của cha ông để lại.


Tin cùng chuyên mục
Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Triển lãm thành tựu kinh tế - xã hội Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh

Sáng 22/11, Ban Tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 120 năm thành lập tỉnh Đắk Lắk tổ chức khai mạc Triển lãm “Thành tựu kinh tế - xã hội tỉnh Đắk Lắk chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh; 80 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam; 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà tham dự.