Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em vùng DTTS ở Gia Lai: Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ (Bài 2)

Hòa Bình - 13:37, 29/11/2023

Nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ, tỉnh Gia Lai đã triển khai các chương trình và thực hiện nhiều giải pháp, trong đó Gia Lai đang tích cực triển khai Dự án 7 chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng - chống SDD trẻ em. Đây là 1 trong 10 dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Chương trình MTQG 1719)

Y, bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai thăm khám cho bệnh nhi bị viêm phổi trên nền suy dinh dưỡng
Y, bác sĩ Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai thăm khám cho bệnh nhi bị viêm phổi trên nền suy dinh dưỡng

Chú trọng dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời

Dự án 7 thuộc Chương trình MTQG 1719, chú trọng đến công tác cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em thông qua hỗ trợ can thiệp trực tiếp đối tượng phụ nữ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 5 tuổi tiếp cận với các can thiệp trực tiếp phòng - chống SDD, thiếu vi chất dinh dưỡng (cung cấp gói tư vấn dinh dưỡng, đa vi chất, sản phẩm dinh dưỡng, quản lý SDD cấp tính tại cộng đồng...). Hỗ trợ can thiệp trực tiếp trẻ học đường (từ 5 đến dưới 16 tuổi) cải thiện bữa ăn học đường, theo dõi tình trạng dinh dưỡng định kỳ và tư vấn dinh dưỡng, hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ SDD, giáo dục cho trẻ về chăm sóc dinh dưỡng hợp lý và tăng cường vận động thể lực, phòng - chống SDD... Đồng thời, hỗ trợ nâng cao nhận thức và hành vi của các đối tượng thông qua việc tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tư vấn chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em 0 - 16 tuổi.

Trên cơ sở những nội dung mục tiêu được đặt ra, thời gian qua, xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang)-là một trong những địa phương có nhiều đối tượng được thụ hưởng Dự án 7. Trong đó, xã đang triển khai hiệu quả mô hình quản lý, điều trị SDD cho trẻ em.

 Theo bà Huỳnh Thị Phương Dung, Phó Trạm trưởng Trạm Y tế xã Kon Chiêng: Dự án đã giúp 60 trẻ thoát khỏi tình trạng SDD. Ngoài ra, cán bộ y tế thường xuyên tổ chức sinh hoạt, tư vấn về nuôi dưỡng chăm sóc trẻ nhỏ (nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung, chăm sóc trẻ bệnh…); hướng dẫn lựa chọn chế biến thức ăn cho từng độ tuổi trẻ; cũng như tư vấn cách sử dụng các thực phẩm sẵn có tại địa phương… góp phần cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ.

Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Gia Lai phối hợp Trung tâm Y tế huyện Chư Sê và chính quyền địa phương khảo sát, đánh giá triển khai Mô hình chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại xã Ayun (xã vùng III), huyện Chư Sê. Đối tượng hưởng lợi trực tiếp của mô hình là phụ nữ mang thai; bà mẹ, người chăm sóc trẻ dưới 2 tuổi; trẻ em từ 0 đến dưới 2 tuổi; hộ gia đình có trẻ em dưới 2 tuổi có triển khai mô hình.

Các bà mẹ kiểm tra cân nặng cho trẻ tại Mô hình chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời ở xã Ayun
Các bà mẹ kiểm tra cân nặng cho trẻ tại Mô hình chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời ở xã Ayun

Tại buổi khảo sát, đánh giá triển khai Mô hình chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại xã Ayun, cán bộ y tế đã tổ chức cân đo cho trẻ, khảo sát chế độ ăn, cách chăm sóc trẻ của các bà mẹ có con dưới 2 tuổi; khảo sát chế độ dinh dưỡng của các bà mẹ đang mang thai…Qua đó, cán bộ y tế tư vấn, hướng dẫn những điều cần lưu ý và tư vấn chế độ dinh dưỡng hợp lý cho phụ nữ mang thai, bà mẹ đang nuôi con nhỏ dưới 2 tuổi.

Bên cạnh đó, từ sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) Việt Nam, tỉnh Gia Lai triển khai xây dựng mô hình “Câu lạc bộ chế biến thức ăn bổ sung dinh dưỡng cho trẻ dựa vào cộng đồng” với mục tiêu góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi tại các xã dự án nói riêng và toàn tỉnh nói chung. 

Trong đó, xã Ayun (huyện Mang Yang) được chọn triển khai thí điểm xây dựng mô hình Câu lạc bộ dinh dưỡng, với mục tiêu tạo ra và duy trì một điểm chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về chăm sóc dinh dưỡng sức khỏe cho trẻ em ngay tại địa phương, giúp nhiều người biết cách chế biến các thực phẩm tốt tại nhà mình, bổ sung phòng ngừa suy dinh dưỡng cho trẻ.

Tăng cường tuyên truyền chăm sóc trẻ đúng cách

Ngoài ra, với mục tiêu kéo giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (SDD) thể nhẹ cân xuống còn 17% và 29% trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể thấp còi trong năm 2023, Gia Lai đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng tuyên truyền, hướng dẫn cách chăm sóc trẻ đúng cách.​

Tại Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai, cùng với điều trị bệnh cho trẻ em, các bác sĩ cũng tiến hành truyền thông, hướng dẫn các bà mẹ có thai và đang nuôi con nhỏ các kiến thức trong chăm sóc, chế độ ăn uống khoa học, góp phần nâng cao thể trạng cho trẻ.

Chị Siu Pốt (xã Ia Tôr, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Sau khi được các bác sĩ hướng dẫn cách cho trẻ ăn đúng cách, mình đã nhận ra những cách sai trong việc cho con bé ăn uống. Khi ra viện, mình sẽ làm đúng theo hướng dẫn để cải thiện cân nặng, sức khỏe cho con”.

Để thực hiện hiệu quả công tác giảm và phòng, chống SDD ở trẻ em, TP. Pleiku cũng tăng cường công tác tuyên truyền cho những gia đình có trẻ bị suy dinh dưỡng tập trung cải thiện, nâng cao chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn tại nhà và trường học cho trẻ; xây dựng mô hình chăm sóc trẻ trong 1.000 ngày đầu đời; tổ chức các chương trình phòng, chống suy dinh dưỡng ở trẻ em kết hợp với các chiến dịch cân đo, khám, sàng lọc nhằm kịp thời phát hiện những trẻ bị suy dinh dưỡng và có nguy cơ bị suy dinh dưỡng, từ đó có các biện pháp tư vấn, giáo dục dinh dưỡng cho bà mẹ hoặc người nuôi dưỡng trẻ hợp lý. Nhờ vậy, đến nay tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi chỉ còn 3,6%, tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao còn 7,6%.

Bà Nguyễn Thị Hằng, nhân viên chuyên trách dinh dưỡng, Trung tâm Y tế thành phố Pleiku cho hay: Sắp tới, đơn vị sẽ tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế xã phường làm công tác dinh dưỡng, theo dõi chặt chẽ tăng trưởng ở trẻ em và phục hồi suy dinh dưỡng cho trẻ bị SDD; bằng cách tổ chức các đợt cân đo cho trẻ dưới 5 tuổi, bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6 đến 60 tháng tuổi và phụ nữ sau sinh dưới 1 tháng. Đồng thời, tổ chức các lớp thực hành dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai, cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi, người nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ nhỏ.

Trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS cần được quan tâm cải thiện dinh dưỡng, nâng cao thể trạng
Trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS cần được quan tâm cải thiện dinh dưỡng, nâng cao thể trạng

Đối với Mô hình chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời tại xã Ayun (xã vùng III), huyện Chư Sê dự kiến sẽ thành lập tại tất cả các xã vùng III trên địa bàn tỉnh Gia Lai; trong đó phấn đấu trong năm 2023 sẽ có 21 xã/43 xã vùng III thành lập được mô hình này. 

Khi đi vào hoạt động, mô hình sẽ tập trung vào việc tuyên truyền, hướng dẫn các phụ nữ có thai chế độ dinh dưỡng hợp lý trong thời gian mang thai; tuyên truyền việc nuôi con bằng sữa mẹ, tầm quan trọng của việc cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng; chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ trong từng giai đoạn; hướng dẫn và thực hành chế biến thức ăn dinh dưỡng cho trẻ…

Để triển khai hiệu quả công tác phòng chống SDD tại Gia Lai, Phó Giám đốc Sở Y tế, Đinh Hà Nam cho biết: Hiện tại Gia Lai có khoảng 6.097 trẻ SDD cấp tính nặng nhưng chỉ có 171 trẻ được thu dung điều trị ngoại trú (chiếm 3,6%). Vì vậy tỉnh Gia Lai muốn nâng số trẻ được tham gia điều trị nhiều hơn số hiện tại; Đề nghị hỗ trợ thêm một phần kinh phí cho y tế thôn bản để động viên khuyến khích hoạt động có hiệu quả. 

Ngoài ra, tỉnh Gia Lai kiến nghị Bộ Y tế hỗ trợ nguồn kinh phí để địa phương mua sản phẩm hỗ trợ trẻ bị SDD cấp tính nặng có điều kiện điều trị cả nội trú và ngoại trú. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phòng - chống SDD cho trẻ cũng được tăng cường, triển khai rộng khắp. Cán bộ y tế cơ sở thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các bà mẹ có thai và đang nuôi con nhỏ kiến thức trong chăm sóc, chế độ ăn uống khoa học, góp phần nâng cao thể trạng cho trẻ.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.