Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Phòng chống thiên tai ở vùng DTTS, miền núi Quảng Ngãi: Lo xa để tránh buồn gần

Thành Nhân - 15:54, 02/11/2021

Những năm qua, tình trạng sạt lở là nỗi ám ảnh đối với người dân miền núi. Nhận diện được mối nguy hiểm luôn thường trực, chính quyền các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đang nỗ lực để gia cố những nơi có nguy cơ sạt lở, sửa chữa trường học, đường giao thông, xây dựng khu tái định cư... Sự quan tâm của các cấp, các ngành đã làm vơi bớt nỗi lo của người dân trước hiểm họa của thiên tai.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra tiến độ thực hiện các khu tái định cư cho người dân miền núi
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra tiến độ thực hiện các khu tái định cư cho người dân miền núi

Chủ động trước mùa mưa bão

Xã Ba Giang, huyện Ba Tơ là một trong những địa bàn thường xuyên xảy ra sạt lở. Chính vì thế, huyện đã tập trung xây dựng các khu tái định cư (TĐC), để di dời người dân sống ở những vùng sạt lở đến nơi an toàn. Sau nhiều tháng xây dựng, khu TĐC xã Ba Giang, vừa chính thức hoàn thành trong niềm vui mừng của người dân. Huyện Ba Tơ và xã Ba Giang đã tổ chức bốc thăm, phân nền cho 38 hộ dân, để di dời nhà cửa về nơi ở mới. Trước đó, đã có 5 hộ dân nhường đất làm khu TĐC đã được cấp đất, dựng nhà và chuyển vào nơi ở ổn định.

Anh Đinh Văn Bắp, ở thôn Nước Lô, xã Ba Giang, sau khi được cấp đất trong khu TĐC bày tỏ: "Sau khi nhận đất nền, tôi dỡ ngôi nhà sàn đang ở để chuyển về, dựng lại tại khu TĐC. Cả làng đều được về khu TĐC mới, nên thay phiên dựng nhà cho nhau, bảo đảm đến cuối năm, cả làng ai cũng có nhà mới".

Bà Trần Thị Thanh Thúy, Chủ tịch UBND xã Ba Giang cho biết, người dân vui vì có nơi cao ráo, an toàn để ổn định cuộc sống. Chính quyền cũng an tâm khi mùa mưa bão tới không còn hộ dân ở vùng sạt lở, vùng ven sông suối mất an toàn nữa. Một số hộ chưa bố trí đất để làm nhà đợt này, thì cũng có nhà tránh bão là trụ sở, trường học vừa xây dựng xong ở khu trung tâm xã mới.

Tại huyện Sơn Tây, đợt sạt lở kinh hoàng hồi cuối năm 2020 khiến hơn 100 hộ dân mất nhà cửa, phải chịu cảnh ở nhà tạm, ở nhờ trong thời gian dài. Vừa qua, huyện đã khởi công xây dựng 2 khu TĐC mới. Trong đó, 1 khu TĐC ở xã Sơn Long (vốn mức đầu tư 29 tỷ đồng) và 1 khu TĐC ở xã Sơn Bua (37 tỷ đồng). Hiện Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Sơn Tây đang đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ.

Nhiều tuyến đường ở miền núi Quảng Ngãi bị sạt lở do mưa bão
Nhiều tuyến đường ở miền núi Quảng Ngãi bị sạt lở do mưa bão

Còn tại huyện Trà Bồng, địa phương đã trích kinh phí san lấp, tạo khoảng cách an toàn từ nơi ở đến điểm sạt lở ở xã Trà Hiệp; đồng thời tập trung hoàn thành việc khắc phục hư hỏng trụ sở các xã Trà Phú, Trà Giang. Ngoài ra, huyện đang đôn đốc nhà thầu hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng các công trình khắc phục sạt lở, gồm: Đường trung tâm xã ra Trà Quân (cũ) đi thôn Trà Ong, dài 2,4km; đường trung tâm xã Trà Phong đi xã Trà Thanh (tổng mức đầu tư 50 tỷ đồng, gồm kè chống sạt lở và nền đường, tổng chiều dài 9km). Bên cạnh đó, huyện đầu tư khắc phục hư hỏng 8 trường học, bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão.

Trong khi đó, huyện Minh Long cũng tập trung xây dựng cầu và đường từ xã Long Môn (Minh Long) đi xã Sơn Kỳ (Sơn Hà), bị hư hỏng do mưa bão cuối năm 2020. Theo Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất huyện Minh Long, hiện công trình cầu đã đạt điểm dừng kỹ thuật, bảo đảm an toàn khi mưa lũ về, giúp giao thông liền mạch giữa các vùng dân cư. Cùng với đó, huyện tập trung đôn đốc thi công khu TĐC Làng Tranh (dưới), xã Long Sơn, để sớm hoàn thành, di dời người dân ở vùng sạt lở về nơi an toàn.

Các ngành chức năng tập trung khắc phục đoạn đường bị sạt lở để người dân đi lại thuận tiện
Các ngành chức năng tập trung khắc phục đoạn đường bị sạt lở để người dân đi lại thuận tiện

Bảo đảm an toàn cho người dân

Theo thống kê sơ bộ của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, chỉ tính riêng đợt mưa lớn kéo dài vừa qua, khiến nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi bị ngập lụt, sạt lở đất, với tổng khối lượng ước tính hơn 7.000 m3. Sạt lở đất và mưa lũ đang gây cản trở giao thông ở nhiều huyện miền núi, đặc biệt một số cụm dân cư còn bị chia cắt.

Điển hình là vụ sạt lở tại đèo Eo Chim, làm cho 490 hộ, với 2.216 người ở 3 thôn Trà Huynh, Trà Vân, Cà Đam (xã Hương Trà) bị cô lập. Đoàn công tác của Huyện ủy Trà Bồng và lực lượng chức năng vượt nhiều cây số đường rừng cõng lương thực, thực phẩm vào tiếp tế cho khu vực bên trong và bước đầu tiếp cận người dân ở 3 thôn Trà Huynh, Trà Vân, Cà Đam.

 Sau khi xảy ra sạt lở, lực lượng chức năng đã làm rào chắn và tạo lối mòn đi qua điểm sạt lở, để người dân có thể đi lại tạm thời. Tuy nhiên, phương án này chỉ là tạm thời để người dân có thể qua lại mua lương thực, thực phẩm thiết yếu, nếu mưa còn tiếp tục kéo dài, những vết nứt lớn rất có nguy cơ tiếp tục sạt lở.

Hay như vụ sạt lở núi tại thôn Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây, với khối lượng đất đá tràn xuống mặt đường khiến người dân không thể đi lại.

Được biết qua kiểm tra và nắm bắt tình hình thực tế, ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần chỉ đạo và yêu cầu các huyện miền núi cần cảnh giác với nguy cơ sạt lở núi; tập trung rà soát lại toàn bộ số hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở núi và khẩn trương di dời.

“Phải bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng của người dân, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về tài sản cho Nhân dân. Các địa phương cần thực hiện nghiêm túc di dời người dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở, nguy cơ lũ ống, lũ quét để làm sao người dân bảo toàn  được tính mạng, tải sản”, ông Đặng văn Minh nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục