Đường giao thông trên địa bàn huyện Thanh Sơn được nâng cấp từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719.Đời sống đồng bào được cải thiện
Triển khai Chương trình MTQG 1719, tỉnh Phú Thọ đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, chung tay, góp sức của các tầng lớp Nhân dân để thực hiện hiệu quả Chương trình.
Điển hình như ở xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập, mô hình sản xuất lúa nếp Gà gáy vụ mùa theo hướng hữu cơ được Hợp tác xã Mỹ Lung triển khai trên tổng diện tích 24ha với 125 hộ tham gia. Tổng kinh phí thực hiện mô hình gần 1,8 tỉ đồng; trong đó kinh phí hỗ trợ sau đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 là 468 triệu đồng.

Nguồn lực của Trung ương trong việc triển khai Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở địa phương. Do đó, việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư đang là vấn đề bức thiết. Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi”.
Ông Bùi Văn QuangChủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ
Sau gần ba năm triển khai, mô hình sản xuất lúa nếp Gà gáy Mỹ Lung theo hướng hữu cơ đạt hiệu quả cao. Năng suất bình quân đạt khoảng 152 kg/sào, cao hơn so với sản xuất vô cơ khoảng 12 kg/sào. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được đạt gần 1,1 triệu đồng/sào, cao hơn so với sản xuất vô cơ khoảng 320 nghìn đồng/sào.
Thấy được lợi ích từ đặc sản gạo nếp Gà gáy, ngày càng có nhiều hộ dân ở xã Mỹ Lung tham gia trồng trọt và mở rộng diện tích. Đến nay, ở xã Mỹ Lung có trên 70% số hộ tham gia trồng lúa nếp Gà gáy. Nguồn doanh thu hằng năm đạt trên 2 tỷ đồng đã giúp các thành viên của hợp tác xã và người dân xã Mỹ Lung vươn lên thoát nghèo, cải thiện cuộc sống.
Với huyện Tân Sơn, năm 2024 huyện được giao gần 223 tỷ đồng để thực hiện Chương trình MTQG 1719. Đến nay, việc triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án cơ bản đảm bảo theo kế hoạch đề ra, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Đặc biệt, hạ tầng giao thông, như cầu, đường đến trung tâm xã, đường giao thông nông thôn cơ bản đã đảm bảo thông suốt, 100% các xã có đường nhựa đến trung tâm; tỷ lệ giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 86,5%; tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố 95,7%…
Tại huyện Thanh Sơn, nơi có 61% dân số là đồng bào DTTS, từ nguồn vốn 219 tỷ đồng của Chương trình MTQG 1719, huyện đã linh hoạt lồng ghép và đầu tư xây dựng 159 công trình hạ tầng thiết yếu. Trong đó, làm mới trên 12km đường giao thông; cải tạo, nâng cấp trên 159km đường; xây mới 46 cây cầu, 241 công trình thủy lợi... Cùng với đó, huyện hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho 1.879 hộ dân; sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư xã Khả Cửu; hỗ trợ người dân phát triển kinh tế với hàng trăm mô hình kinh tế đồi rừng quy mô lớn...
Từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719, huyện Yên Lập đã đầu tư sửa chữa nhà 2 tầng với 8 phòng học; đầu tư phòng Tin học cho Trường THCS Mỹ LungTập trung đẩy mạnh tiến độ Chương trình MTQG 1719
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ vẫn còn thấp. Điển hình như ở Tân Sơn, theo báo cáo của UBND huyện, một số dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần chưa rõ về cơ chế thực hiện, hết đối tượng, do vậy phải đề nghị điều chỉnh nguồn vốn; nhiều nội dung quy định, hướng dẫn còn chậm.
Còn đối với huyện Thanh Sơn, qua rà soát, năm 2024, có 201 hộ chưa có đất ở (trong đó có 24 hộ không có đất ở, 177 hộ có đất nhưng chưa có GCNQSD đất). Đối với 24 hộ chưa có đất ở được hỗ trợ 44 triệu đồng từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, tuy nhiên các hộ này từ chối nhận bởi dù được hỗ trợ 44 triệu cũng không mua được đất; 177 hộ còn lại sẽ được UBND huyện bố trí ngân sách địa phương để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất ở, cấp GCNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các đối tượng. Đến thời điểm này, huyện Thanh Sơn vẫn chưa thực hiện được do chưa bố trí được nguồn kinh phí ngân sách huyện và cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về các danh mục hỗ trợ.
Cùng với đó, một số nội dung hỗ trợ như: Hỗ trợ nhà ở (nội dung 02) với 284 hộ xây mới và 132 hộ sửa chữa, được chia theo từng đợt, giao cho UBND các xã nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ chi trả, nhưng các hộ đăng ký thì chưa hoàn thành, hộ không đăng ký lại thực hiện hoàn thành nên số tiền hỗ trợ cũng chưa giải ngân được.
Để từng bước thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn, huyện Thanh Sơn đề nghị Trung ương và tỉnh tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chi tiết các nội dung, dự án của Chương trình MTQG 1719; sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung, hỗ trợ kinh phí cho một số nội dung của Dự án; mở rộng, bổ sung thêm các đối tượng, phạm vi hỗ trợ... phấn đấu đảm bảo, đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình MTQG 1719 để người dân sớm được thụ hưởng chính sách và địa phương hoàn thành hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
Theo ông Bùi Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ: Nguồn lực của Trung ương trong việc triển khai Chương trình MTQG 1719 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ở địa phương. Do đó, việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư đang là vấn đề bức thiết. Trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động tối đa mọi nguồn lực để tập trung hỗ trợ vùng đồng bào DTTS và miền núi”.
Với những nỗ lực tháo gỡ vướng mắc, Phú Thọ phấn đấu đến năm 2030 thu nhập bình quân của đồng bào DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 2%/năm. Tỉnh đặt mục tiêu trên 54% số xã và 50% thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã vùng đồng bào DTTS có đường ôtô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bêtông hóa; trên 80% thôn, bản vùng đồng bào DTTS có đường ôtô đến trung tâm được cứng hóa; 55% lao động trong độ tuổi là người DTTS, người Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được đào tạo nghề.