Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Chạm vào Hà Giang: Những người lữ hành đích thực (Bài 2)

Vũ Mừng - Chí Tín - 06:45, 13/03/2024

Cụm từ “The traveler” - “Người lữ hành”, không phải xuất hiện mới đây. Hàng nghìn năm về trước, từ thuở khai sinh loài người, các bộ lạc nguyên thủy đã chia làm hai loại, bộ lạc du mục và bộ lạc định cư. Theo thời gian, những nền văn minh hình thành, với các thành phố, pháo đài, bộ máy nhà nước. Con người dần dần quay về sống quây quần với cộng đồng của mình trong những lãnh thổ khác nhau. Nhưng có một số người nào đó, dường như vẫn còn vương vất lại dòng máu lãng du của tổ tiên mình, vẫn tiếp tục “lang thang” từ miền này đến miền khác.

Dốc Thẩm Mã
Dốc Thẩm Mã

Hà Giang mảnh đất địa đầu

Theo lời mời của Mary Jane Casanes, tôi trở thành thành viên thứ 12 của “đoàn người du mục”. Cùng những người bạn ngoại quốc thăm thú Hà Giang, tự đặt mình vào vị trí của những người từ phương xa tới để ngắm nhìn mảnh đất quen thuộc bỗng thấy Hà Giang hiện lên nhiều điều mới mẻ và thơ mộng!

Biển mây trên đỉnh Tây Côn Lĩnh
Biển mây trên đỉnh Tây Côn Lĩnh

Buổi sớm ở Hà Giang thường thấy sương giăng mờ trên những đỉnh núi, rải khắp các thửa ruộng bậc thang và đọng cả trên tóc cô gái bán quà sáng. Tiếp đó là tiếng bước chân thậm thịch của những cô gái Mông xuống chợ hòa lẫn vào tiếng hót của các loài chim rừng lẩn khuất trong ngọn cây sa mộc.

Khoảng chín, mười giờ khi nắng đã rải đều khắp các góc đá, nhuộm một màu vàng ươm lên những đỉnh răng cưa. Mây trắng mới chùng chình cất lên từ mặt đất và chỉ chịu dừng lại kết thành từng đợt rộng cả cây số vuông khi vướng phải bức tường núi lô nhô. Người ta có cảm giác những ngôi nhà như treo lơ lửng giữa không trung mà xung quanh là một vùng mây từa tựa như mặt biển trắng bạc!

Nhộn nhịp chợ phiên Mèo Vạc
Nhộn nhịp chợ phiên Mèo Vạc

Người Mông bắt đầu xuống chợ bày bán những túi thổ cẩm thêu hoa và trình diễn những điệu khèn dìu dặt. Các con đường chen kín người, gia súc và những gùi thổ đầy ắp những quả mận tím mọng. Ấy là vào khoảng tháng ba, tháng tư. Đến tháng năm, tháng sáu lại là mùa của những quả đào to tròn và xanh mướt. Tháng bảy, tháng tám là mùa của những quả lê chín vàng...

Nắng lên tới đỉnh đầu, người đi chợ cởi bớt áo cho vào trong gùi. Những người đàn ông dắt kèn vào ngực, dẫn vợ vào quán bánh rán thơm nức ven đường. Buổi chiều, sương và gió lạnh trở về rất nhanh để rồi đêm xuống, người ta phải đốt lên những đống lửa hoặc cuộn tròn trong chăn để tránh cái giá rét căn cắt của của núi rừng.

Dinh Vua Mèo tại thung lũng Sà Phìn
Dinh Vua Mèo tại thung lũng Sà Phìn

Có người bảo một ngày của Hà Giang hội đủ bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Dù chưa hẳn đã đúng, nhưng chính điều này lại khiến du khách vô cùng thích thú nhất là khi khám phá cao nguyên đá… Vừa đang lãng đãng cùng sương sớm ở Cổng Trời Quản Bạ, thoáng cái đã thấy nắng vàng ở Dốc Thẩm Mã. Chiều về ngồi trên mạn thuyền, xuôi theo dòng Nho Quế trải nghiệm gió thổi hun hút ở hẻm vực Tu Sản. Và đêm xuống, cái rét đậm của thung lũng Sà Phìn lại vây bủa ta. Lúc này đây, còn gì thú hơn là được nằm trên gác hai của một ngôi nhà người Mông, cuộn mình trong tấm chăn thổ cẩm ấm áp, đánh một giấc ngủ ngon lành khi ngay dưới kia là rộn ràng chợ đêm Đồng Văn trong khu Phố Cổ.

Lượn một vòng cùng Ha Giang loop

Năm 2023, trên nhiều diễn đàn, hội nhóm du lịch nước ngoài, cung đường "Ha Giang loop" liên tục được nhắc tới. Khi gõ Hashtag "Hagiangloop" trên Instagram cũng thu về gần 62.000 bài viết chia sẻ về địa danh này. Và có lẽ, cung đường này sẽ không bao giờ thôi hấp dẫn đối với những người ưa xê dịch, giống như tiềm năng du lịch của Hà Giang tưởng như chẳng bao giờ cạn vậy.

Những cung đường trên miền Cao nguyên đá. Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng
Những cung đường trên miền Cao nguyên đá. Ảnh: NAG Hoàng Dưỡng

"Ha Giang loop" được hiểu là con đường dài nhỏ hẹp quanh co, vòng vèo, khúc khuỷu mà điểm khởi hành có thể nối với điểm kết thúc khép lại thành một vòng tròn. Đầu tháng 3/2024, cung đường du lịch bụi này được nhà điều hành tour hạng sang Affordable Luxury Travel của Anh suy tôn vào top đường phượt ấn tượng nhất thế giới và xếp thứ 3/14 những điểm đến “phải ghé thăm” (Top 14 Must-Visit Holiday Destinations in March 2024).

Cao nguyên đá Đồng Văn (hay sơn nguyên Đồng Văn) là một cao nguyên đá trải rộng trên bốn huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc của tỉnh Hà Giang, Việt Nam. Ngày 3 tháng 10 năm 2010, hồ sơ "Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn" đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Vào thời điểm đó, đây là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á.

Cung đường Ha Giang loop dài 350 km bắt đầu từ Km số 0 Thành phố Hà Giang sang Quản Bạ, qua Yên Minh, lên Đồng Văn tới Mèo Vạc rồi quay trở lại điểm xuất phát ban đầu, vòng vèo vắt qua các hõm núi, đèo cao, vực sâu, các đứt gãy địa chất và hẻm vực của Cao nguyên đá Đồng Văn. Đặc biệt, cung đường này sẽ đi qua Mã Pì Lèng - một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, qua vùng cư trú của 22 dân tộc giàu bản sắc với ẩm thực tuyệt vời và văn hoá bản địa hấp dẫn.

Hành trình Ha Giang loop mê mẩn nhất phải được đi bằng mô tô. Với địa hình núi cao, nằm trong vùng hiếm đất canh tác, gần như toàn bộ cung đường sẽ đi qua cánh đồng đá khổng lồ mang dáng hình ngoạn mục. Việc di dịch khỏi không gian hẹp, việc rợn ngợp trước mênh mông của thiên nhiên, ngắm nhìn địa cầu phơi bày ngay trước mặt quá trình hình thành kiến tạo nên vỏ trái đất thật đáng để trải nghiệm.

Em bé người Mông trên con đường Hạnh Phúc
Em bé người Mông trên con đường Hạnh Phúc

Và lên tới đỉnh núi, nhìn những chiếc xe chạy như những chấm nhỏ xíu rù rì ù lì lăn lóc, bất kỳ ai khi quay phim chụp ảnh sẽ luôn hài lòng với các khuôn hình hoàn hảo nhất. Bởi, khi có các dòng xe “diễu hành” đó, người xem ảnh và video mới hình dung nổi độ hùng vĩ, tính cheo leo của đường đèo.

Tất nhiên, kiến tạo của trái đất đã rất đáng trầm trồ, nhưng sức sống của con người tươi sáng và bền bỉ trên vùng đất khí hậu khắc nghiệt mới là điều mang đến ngạc nhiên không hề nhỏ. Tới đây cũng cần phải nhắc thêm rằng, quá nửa chiều dài cung đường du lịch độc đáo ấy là đường Hạnh Phúc. Để mở được con đường Hạnh Phúc suốt 6 năm ròng, hơn 1.300 nam, nữ thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công đồng bào các dân tộc, đã góp sức hơn 2 triệu ngày công, đục khoét gần 3 triệu mét khối đá bằng sức người mà tạo tác nên dáng hình một con đường giữa trập trùng mây, trập trùng núi miền biên ải này.

Cột cờ Lũng Cú
Cột cờ Lũng Cú

Thăm Hà Giang, đi trên con đường Hạnh Phúc, Mary nhận ra thêm một điều thật đặc biệt: Các bạn đã đánh dấu điểm đầu tiên của đất nước bằng cột cờ Tổ quốc (Cột cờ Lũng Cú) trên đỉnh núi Long Sơn – Núi Rồng. Điều này rất đúng với những gì Mary được tìm hiểu, tinh thần tự hào dân tộc là phẩm chất của con người Việt Nam... 

Tin cùng chuyên mục
Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Tương Dương (Nghệ An): Người bảo tồn và "thắp lửa" đam mê âm nhạc truyền thống dân tộc Thái ở xã vùng sâu

Ở tuổi 60, nhưng ngay từ thuở 15, 16, ông Kha Văn Hưng đã say mê với nhạc cụ truyền thống dân tộc Thái của mình. Bao năm qua, ông dành biết bao tâm sức học hỏi để sử dụng, chế tác được nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào. Điều ông Hưng trăn trở, mong mỏi nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.