Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Quan tâm, chăm lo sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số

Như Hương - 19:02, 07/12/2021

Ngày 7/12, Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Trung tâm Nghiên cứu quyền con người vùng dân tộc miền núi (HLC), Hội hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi tổ chức Hội thảo tổng kết Dự án Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên dân tộc thiểu số (DTTS).

 Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Lê Sơn Hải phát biểu tại Hội thảo
Thứ trưởng, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Lê Sơn Hải phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải; Bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng đại diện Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam; Ông Koen Duchateau, Trưởng ban Hợp tác phái đoàn Liên minh Châu Âu đồng chủ trì Hội thảo.

Việt Nam có hơn 24,6 triệu thanh niên, chiếm gần 1/3 tổng dân số; tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai trong nhiều năm gần đây luôn đứng đầu khu vực và thế giới, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Bởi vậy Dự án Tổ chức xã hội thúc đẩy cải thiện sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và thanh niên DTTS do Liên minh Châu Âu tài trợ, được Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam triển khai từ 7/2017 – 12/2021 tại 2 vùng là huyện Krông Bông (Đắk Lắk) và huyện Lâm Hà (Lâm Đồng), nhằm huy động chính quyền địa phương, cộng đồng và các bên liên quan cải thiện các dịch vụ công về sức khỏe sinh sản ở Việt Nam.

Sau 4 năm hoạt động, Dự án đã mang lại nhiều thành công, trong đó có 3 kết quả lớn nhất, đó là góp phần thay đổi nhận thức, năng lực của phụ nữ và thanh niên DTTS ở 2 huyện Krông Bông và huyện Lâm Hà về quyền và chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, trang bị những kiến thức để họ có thể bảo vệ bản thân và gia đình trước các vấn đề dịch bệnh.

Kết quả thứ hai mà Dự án mang lại đó là có mức độ cải thiện rõ rệt về chất lượng dịch vụ công tại địa phương. Theo đó, 2 phòng khám được xây dựng và vận hành với các thiết bị hết sức hiện đại như máy siêu âm 4 chiều, máy theo dõi sản khoa, bộ đỡ đẻ... đạt tiêu chuẩn; được liên kết trực tiếp với hệ thống bảo hiểm quốc gia...

Thứ ba, Dự án đã được xây dựng được cơ chế phối hợp giữa các ban ngành, địa phương, các nhóm cộng đồng để cùng với chính quyền địa phương, trung tâm y tế huyện Krông Bông và huyện Lâm Hà trong thực hiện Dự án. Trong đó, quy định rõ vai trò, nhiệm vụ của các bên; nguồn lực thúc đẩy việc tuyên truyền; giám sát chất lượng dịch vụ công để đảm bảo kết quả bền vững của Dự án...

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Lê Sơn Hải ghi nhận những kết quả Dự án đã đạt được trong 4 năm qua. Với mục tiêu tăng cường các hoạt động của các tổ chức Nhân dân hướng tới nâng cao khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cho các nhóm đối tượng yếu thế ở các khu vực nông thôn và dân tộc thiểu số của Việt Nam, Dự án đã góp phần cùng với Chính phủ Việt Nam triển khai thực hiện các chính sách y tế, chăm sóc sức khỏe và dân số đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó, nhằm thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Giám đốc Chương trình ActionAid Quốc tế tại Việt Nam Chu Thị Hà cho biết: Từ thành công của Dự án, Tổ chức ActionAid Quốc tế đã và sẽ nhân rộng ra 12 tỉnh, thành trên cả nước (miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long) - nơi ActionAid  đang hoạt động.