Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Bình đã chi trả gần 72 tỷ đồng từ trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng

Vân Khánh - 21:05, 06/05/2024

Tính đến giữa tháng 3/2024, Quảng Bình đã chi trả gần 72 tỷ đồng tiền từ thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ cho các đối tượng hưởng lợi theo quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đạt hơn 86% kế hoạch năm 2023 được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng là chủ rừng được nhận hơn 20 tỉ đồng từ việc bán tín chỉ carbon. Đây là một con số lớn rất ấn tượng của Ban quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.

Quảng Bình đứng thứ 2 cả nước về tỷ lệ che phủ rừng
Quảng Bình đứng thứ 2 cả nước về tỷ lệ che phủ rừng

Vào tháng 10/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Ngân hàng Tái thiết và Phát triển quốc tế (IBRD) thuộc nhóm Ngân hàng thế giới (WB) đã ký kết thỏa thuận chuyển nhượng lượng 10,3 triệu tấn kết quả giảm phát thải khí nhà kính từ rừng tự nhiên thuộc vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018-2024, với số tiền 51,5 triệu USD.

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng (BV&PTR) Việt Nam đã nhận được 51,5 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới và đã thực hiện điều phối hơn 962 tỷ đồng đến 06 tỉnh (tương đương 80% lượng kết quả giảm phát thải đã ký kết), đối với số tiền 10,3 triệu USD tương đương 20% lượng kết quả giảm phát thải còn lại thì Quỹ BV&PTR Việt Nam đang xây dựng kế hoạch trình Bộ NN&PTNT phê duyệt để điều phối tiếp cho các tỉnh thực hiện chi trả theo quy định. Trong đó, Quảng Bình được nhận khoảng 235 tỉ đồng cho giai đoạn 2023-2025. Riêng năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt 82,4 tỉ đồng.

Quảng Bình là một trong 6 địa phương ở khu vực Bắc Trung Bộ được lựa chọn là địa bàn thí điểm loại dịch vụ mới - dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng. Đây cũng là những khoản tiền đầu tiên mà Việt Nam thu được từ việc trao đổi, chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng với các đối tác... Số tiền này khá lớn so với tổng thu ngân sách của Quảng Bình. Đặc biệt, năm 2023 Quảng Bình chỉ thu ngân sách được 5.700 tỉ đồng, đạt 80% kế hoạch.

Ông Trần Quốc Tuấn, giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Bình, cho hay truyền thống của người dân nhiều địa phương giáp rừng thường lấy việc sống dựa vào rừng là chính. Vì thế, giá trị lớn nhất của việc bán tín chỉ carbon không chỉ là tiền mà chính là việc thay đổi tư duy của người ở gần rừng. Khi chăm sóc rừng cũng có thể thu được tiền và giá trị tiền cũng không kém việc khai thác sản vật từ rừng thì người dân sẽ không còn tác động tiêu cực đến rừng nữa.

Vì giá trị bền vững này, tỉnh Quảng Bình có chủ trương mở rộng diện tích rừng khai thác trữ lượng carbon thêm với cả rừng trồng, đưa trữ lượng thu được toàn tỉnh có thể lên gấp đôi, mức tiền được trả cũng sẽ tăng cao. Và lợi ích kép, lớn hơn giá trị kinh tế đó là sự thay đổi hành vi ứng xử của người dân với rừng, với môi trường tự nhiên.

Tin cùng chuyên mục
Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Sơn La nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm nông nghiệp

Chủ động nâng cao nhận thức, tư duy trong sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ đó nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường. Đây là việc làm quan trọng mà ngành Nông nghiệp tỉnh Sơn La đang hướng tới, nhằm phát triển nền nông nghiệp cạnh tranh, tiến tới xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh và bền vững.