Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Quảng Bình: Người dân bức xúc vì dự án chậm tiến độ

Khánh Ngân - 17:31, 24/08/2021

Được khởi công xây dựng từ 2016, dự kiến hoàn thành sau 36 tháng thi công, tuy nhiên đến thời điểm này, dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn (thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình), mới xây dựng được 66% khối lượng. Nhiều hạng mục còn bỏ dở lãng phí nguồn vốn đầu tư, gây bức xúc trong dư luận.

Hạng mục nhà máy xử lý nước thải của dự án đang dang dở
Hạng mục nhà máy xử lý nước thải của dự án đang dang dở

Chậm tiến độ

Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn, có tổng mức đầu tư gần 13,6 triệu Euro từ nguồn vốn ODA Đan Mạch và vốn đối ứng, do nhà thầu Suez (Đan Mạch) làm nhà thầu thi công. Mục tiêu của Dự án là xây dựng hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý rác thải công suất 3.000m3/ngày, đêm cho đô thị Ba Đồn, nhằm cải thiện điều kiện môi trường đô thị, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Thế nhưng đã hết thời gian thi công, công trình vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.

Dự án này bao gồm hệ thống đường ống thu gom nước thải hộ gia đình; ống tự chảy và hệ thống đường ống áp lực với tổng chiều dài khoảng 13km. Với phạm vi thu gom trên địa bàn các xã, phường Quảng Thuận, Quảng Long, Quảng Thọ và toàn bộ thị xã Ba Đồn. Đến thời điểm này, cả ba hệ thống đường ống bao gồm đường ống thu gom nước thải hộ gia đình, ống tự chảy và ống áp lực chưa có hệ thống nào thi công hoàn thiện.

Bên cạnh hệ thống đường ống, dự án này còn có 4 trạm bơm, trong đó, trạm số 1, số 2, và trạm số 3 phục vụ bơm cho địa phận thị xã Ba Đồn cũng đang thi công dang dở chưa thể bàn giao đưa vào sử dụng. Cùng chung tình trạng với các trạm phục vụ cho địa phận thị xã Ba Đồn, Trạm số 4 phục vụ bơm cho hai phường Quảng Thuận và Quảng Thọ cũng đang thi công dang dở.

Hạng mục lớn nhất của dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn là nhà máy xử lý nước thải đặt tại phường Quảng Thuận. Có mặt tại đây, theo ghi nhận của phóng viên, công trình còn dang dở, nham nhở. Ngôi nhà hai tầng xây cơ bản đã xong phần thô, chưa sơn bả nằm bên phải, vào sâu hơn nữa, bồn nước mới đổ bê tông cao khoảng 2m, một dãy nhà (chưa rõ mục đích sử dụng) mới đổ xong phần cấu kiện bê tông. Công trường không một bóng thợ thuyền, và có dấu hiệu ngừng thi công đã lâu!

Trao đổi với phóng viên báo Dân tộc và Phát triển ông Nguyễn Thế Hảo, Trưởng Ban quản lý dự án ODA Bố Trạch - đại diện chủ đầu tư, cho biết: “Quá trình triển khai thực hiện dự án đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc dẫn đến việc thực hiện tiến độ dự án chậm so với kế hoạch. Đặc biệt, từ ngày 16/7/2019, hầu hết các công việc thi công đều tạm dừng. Nhà thầu chỉ thực hiện hoàn trả mặt đường một số tuyến ống tự chảy đã làm trước đó do tình hình dịch bệnh và một số phát sinh trong quá trình thi công đường ống, bể phốt...”.

Nhiều tuyến đường được đào lên để lắp đường ống việc hoàn trả mặt bằng rất chậm
Nhiều tuyến đường được đào lên để lắp đường ống việc hoàn trả mặt bằng rất chậm

Việc thi công và hoàn trả mặt bằng đường giao thông quá chậm trễ, gây ô nhiễm môi trường, giao thông đi lại khó khăn. Theo báo cáo đánh giá hiện trạng, việc thi công không dứt điểm trên từng tuyến cụ thể, mà tuyến nào cũng thi công dang dở; chậm hoàn trả mặt bằng. Điều này sẽ làm sụt lún, hư hỏng toàn bộ kết cấu mặt đường; việc chôn ống không được đầm nén bảo đảm theo quy định; quá trình thi công không có sự giám sát thường xuyên của đơn vị giám sát…. đã gây ra nhiều bức xúc cho người dân và áp lực cho chính quyền địa phương.

Cần có những giải pháp cụ thể

Cho đến thời điểm này (tháng 8/2021), dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn chỉ mới đạt 66% khối lượng công việc, dù đã hết thời gian thực hiện dự án theo phê duyệt ban đầu. Dự án này đang xin điều chỉnh chủ trương đầu tư bao gồm, tăng tổng mức đầu tư, thời gian thực hiện hoàn thành và thời gian giải ngân vốn vay ODA đến 31/12/2022. Tuy nhiên, nếu không quyết tâm và có những giải pháp cụ thể, thì dự án này lại có nguy cơ “lỗi hẹn”

Bởi nhìn từ thực tế, năm 2021, dự án này được bố trí 76 tỉ đồng, thế nhưng đến thời điểm này vẫn chưa thể giải ngân do nhà thầu giảm khối lượng thi công. Bên cạnh đó, do chưa được phê duyệt điều chỉnh chủ trương dự án, nên không có cơ sở giao vốn đối ứng để thanh toán thuế VAT gói thầu xây lắp dẫn đến việc nhà thầu lấy lý do để ngừng thi công ngoài hiện trường, và yêu cầu khiếu nại phát sinh. 

Được biết, trước thực trạng này, vừa qua ông Phan Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã cùng đoàn công tác đại diện các Sở, Ban ngành đã đi kiểm tra công trường dự án Thoát nước và vệ sinh đô thị Ba Đồn.

Ông Phan Mạnh Hùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (thứ 2 từ trái sang phải) đi kiểm tra dự án
Ông Phan Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (thứ 2 từ trái sang phải) đi kiểm tra dự án

Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đã yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục khẩn trương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nội dung đã chỉ đạo của UBND tỉnh đối với Dự án; trên cơ sở hợp đồng đã ký kết, cam kết của nhà thầu chính SUEZ, nhà thầu phụ khẩn trương huy động nguồn lực để thi công, đẩy nhanh tiến độ.

Phó Chủ tịch Phan Mạnh Hùng cũng yêu cầu, nhà thầu SUEZ quay trở lại thi công với 100% công suất để có khối lượng giải ngân vốn bố trí năm 2021; đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan trong thực hiện đảm bảo tiến độ, mục tiêu Dự án đã đề ra. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm thu xếp vốn để thực hiện hoàn thành công trình và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật.

Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt lần này của UBND tỉnh Quảng Bình, dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường đô thị Ba Đồn sẽ sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương, cải thiện môi trường đô thị Ba Đồn như mực tiêu ban đầu của Dự án đề ra.

Tin cùng chuyên mục
Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Cây của Yàng và câu chuyện giữ rừng

Cách TP.Kon Tum khoảng 60 km về hướng bắc, làng Đăk Chờ (xã Ngọc Tụ, huyện Đăk Tô, Kon Tum) nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi rừng hùng vĩ. Sâu trong khu rừng tại huyện Đăk Tô (Kon Tum) có một cây Sao cát hàng trăm năm tuổi đang được lực lượng chức năng luân phiên bảo vệ. Và câu chuyện giữ rừng của họ cũng đầy cam go, nguy hiểm.