Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Bình: Những điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo

Kim Ngân - 18:05, 18/12/2020

Xác định công tác giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương, tỉnh Quảng Bình đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo.


Tỉnh Quảng Bình tạo việc làm cho lao động nữ trong các doanh nghiệp. Ảnh TL
Tỉnh Quảng Bình tạo việc làm cho lao động nữ trong các doanh nghiệp. Ảnh TL

“Xuất ngoại” để thoát nghèo

3 năm trở lại đây, xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch đã chủ động xây dựng đề án giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động (XKLĐ). Cùng với đó, các tổ chức chính trị, đoàn thể trên địa bàn xã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho một bộ phận người nghèo về ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác giảm nghèo để họ chủ động phát huy nội lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Địa phương phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh, các đoàn thể của huyện, các đơn vị XKLĐ, các ngân hàng trên địa bàn làm tốt công tác tư vấn, vay vốn, định hướng... cho các đối tượng tham gia XKLĐ chọn việc làm, thị trường phù hợp với khả năng và hoàn cảnh gia đình. Từ đó, người dân có cơ hội tìm hiểu và được tư vấn, hướng dẫn các thủ tục, quy trình nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất cho người lao động tham gia XKLĐ.

Bên cạnh đó, xã Phúc Trạch tổ chức đoàn các trưởng thôn đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại một số địa phương làm tốt công tác XKLĐ trên địa bàn huyện. Đồng thời, giới thiệu những cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu có con em đi làm việc ở nước ngoài, mang lại hiệu quả kinh tế, giúp gia đình xóa đói giảm nghèo…

Từ những giải pháp này mà từ năm 2017 đến nay, xã Phúc Trạch có gần 600 lao động tham gia XKLĐ các nước, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia, Dubai, Lybia, UEA, Ảrập… Riêng năm 2018, xã đã lập hồ sơ 273 người XKLĐ, trong đó, lao động thu nhập cao nhất khoảng 45 triệu/người/tháng và trung bình xấp xỉ 15-17 triệu đồng/người/tháng. Lượng ngoại tệ từ nước ngoài gửi về địa phương mỗi năm đạt trên 100 tỷ đồng.

XKLĐ đã mở ra hướng đi mới cho việc thoát nghèo, theo đó nhiều hộ gia đình có người XKLĐ đã vươn lên thành hộ khá. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Nghị và bà Lê Thị Lịnh ở thôn Phúc Khê. Trước đây, gia đình ông Nghị chủ yếu phát triển nông nghiệp, cuộc sống khó khăn. Sau khi được cán bộ xã tuyên truyền chính sách XKLĐ, con trai ông đã đăng ký đi Đài Loan làm việc với mức lương 20 triệu đồng/tháng. Sau gần 1 năm, con trai ông đã gửi tiền về giúp gia đình trang trải cuộc sống. Hiện, gia đình ông đã thoát nghèo, cuộc sống ổn định.

Song song với XKLĐ, xã cũng tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cây trồng vật nuôi và phát triển, mở rộng nhiều ngành nghề mới. Nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: lạc lai, ngô lai, các loại giống có năng suất cao đã được nhân rộng.

Với những nỗ lực đó, công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo của xã Phúc Trạch có những chuyển biến rõ nét. Cụ thể, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã từ 39,39% (năm 2016) đã giảm xuống còn 12,03% cuối năm 2019. Tổng thu nhập bình quân đầu người đạt trên 29 triệu đồng/người/năm...

Người dân làm đường xây dựng nông thôn mới ở Quảng Bình. Ảnh TL
Người dân làm đường xây dựng nông thôn mới ở Quảng Bình. Ảnh TL

“Lấy ngắn nuôi dài”

Còn tại huyện Minh Hóa, trước đây, gia đình chị Cao Thị Hà ở xã Hóa Hợp nhiều năm liền nằm trong danh sách hộ nghèo của xã. Năm 2015, từ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất của Chương trình 135, chị Hà được hỗ trợ cây giống, phân bón chuyển từ trồng lạc sang trồng cây thanh long. Đến nay, gia đình chị đã có trên 220 trụ thanh long ruột đỏ, đem lai thu nhập thường xuyên cho gia đình.

Có nguồn thu nhập ổn định, chị Hà mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư chuồng trại nuôi lợn bản, đào ao nuôi cá. Đến nay, không những thoát nghèo, gia đình chị cũng đã trả hết nợ ngân hàng và có nguồn thu mỗi năm trên 150 triệu đồng.

Tương tự gia đình chị Hà, từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực vượt bậc của các hộ gia đình, hàng nghìn hộ nghèo ở các địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Minh Hóa đã vươn lên phát triển kinh tế, đóng góp vào kết quả giảm nghèo của huyện.

Theo ông Bùi Anh Tuấn, Bí thư Huyện ủy huyện Minh Hóa, chỉ tính năm 2019, toàn huyện đã có 826 hộ thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 24,73% xuống còn 18,35% (giảm 6,38% so với năm 2018). Cũng trong năm này, trên địa bàn huyện có 25 hộ tự làm đơn xin ra khỏi hộ nghèo.

“Đây là hành động đẹp cho thấy sự thay đổi về nhận thức tự vươn lên, xóa bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân ở huyện miền núi còn nhiều khó khăn như Minh Hóa”, ông Tuấn chia sẻ.

Tin cùng chuyên mục
Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Chiêm Hóa (Tuyên Quang): Chú trọng phát triển cây lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng bền vững

Diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang) rất lớn, đây được xem là tiềm năng, lợi thế để người dân sống nhờ rừng thêm cơ hội và điều kiện để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng. Việc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế cùng với các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là chính sách hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), có ý nghĩa quan trọng, để người dân có thêm điều kiện phát huy giá trị kinh tế ổn định cuộc sống và phát triển bền vững từ rừng.