Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Quảng Bình: Phục dựng nhiều lễ hội truyền thống từ nguồn lực Chương trình MTQG 1719

Văn Phong - 07:28, 22/11/2023

Sau 3 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, giai đoạn 1: 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) ở Quảng Bình đã đạt được những kết quả đáng kể. Đối với Dự án 6, thuộc Chương trình MTQG 1719, Quảng Bình đã đã triển khai nhiều hoạt động bảo tồn và khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS trên địa bàn.

Lễ hội trẩy lúa - một trong các lễ hội truyền thống ở Quảng Bình (Nguồn: Sưu tầm)
Lễ hội trẩy lúa - một trong các lễ hội truyền thống ở Quảng Bình (Nguồn: Sưu tầm)

Hiệu quả từ Dự án 6

Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, có hai DTTS chính là: Bru-Vân Kiều và dân tộc Chứt. Các DTTS còn lại với số dân không nhiều, như: Thổ, Mường, Tày, Thái, Pa Cô... Địa bàn cư trú của các DTTS thuộc các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện như Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa.

Thời gian qua, Quảng Bình đã tập trung vào việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS gắn với phát triển cộng đồng; tập huyến, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể; xây dựng các câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian. 

Một số địa phương cũng đã xây dựng các tủ sách cộng đồng và mua sắm trang thiết bị phục vụ các hoạt động văn hóa dân gian nhằm nâng cao mức thụ hưởng cho đồng bào dân tộc; chống xuống cấp các di tích quốc gia có giá trị tiêu biểu của đồng bào. Các đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá rộng rãi nét văn hóa truyền thống tiêu biểu đến đông đảo người dân trong nước, du khách quốc tế để kết nối phát triển du lịch, khai thác bản sắc văn hóa, tinh thần của đồng bào các dân tộc, tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, độc đáo.

Dự án 6 của Chương trình MTQG 1719 hướng tới mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào DTTS và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Trong quá trình thực hiện dự án, ngành Văn hóa - Thông tin tại Quảng Bình đã triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống độc đáo của các DTTS trên địa bàn tỉnh, liên kết chặt chẽ với việc phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Trong năm 2022 và 10 tháng năm 2023, Quảng Bình đã đầu tư nhiều dự án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS gắn với phát triển du lịch với tổng số vốn lên đến gần 20 tỷ đồng. Trong đó, đáng chú ý là dự án hỗ trợ đầu tư thiết chế văn hoá, thể thao tại vùng đồng bào DTTS và miền núi các huyện: Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa và Minh Hóa. Tỉnh xây dựng điểm đến du lịch tiêu biểu ở bản Đá Còi, xã Ngân Thuỷ và khu Động Châu-Khe Nước Trong, xã Kinh Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ; xây dựng Câu lạc bộ sinh hoạt văn hóa dân gian cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh...

Lễ hội đập trống của người Ma Coong ở Quảng Bình
Lễ hội đập trống của người Ma Coong ở Quảng Bình

Ở Quảng Bình đã bước đầu hình thành sản phẩm, tour du lịch gắn với khu vực đồng bào DTTS và miền núi. Có thể kể đến sản phẩm khám phá hang động thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Bru-Vân Kiều; khám phá khe Nước Trong, suối Tiên và chinh phục thác Cổng Trời-Bãi Đạn ở xã Kim Thuỷ, Ngân Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ và xã Trường Sơn, huyện Quảng Nình. Sản phẩm trải nghiệm thiên nhiên và tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa; Dự án du lịch suối nước nóng Bang Onsen Quảng Bình và nhất là Chương trình khám phá thiên nhiên, bản sắc văn hóa làng Tân Hóa do cộng đồng dân cư và Công ty Oxalis triển khai, thực hiện…

Phục dựng nhiều lễ hội truyền thống

Ông Mai Xuân Thành, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Bình cho biết: Những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao của tỉnh luôn quan tâm thực hiện nhiệm vụ kiểm kê, sưu tầm di sản văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Luôn cố gắng tổ chức, phục dựng các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS.

Theo ông Thành, đến thời điểm này, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh đã sưu tầm được gần 150 hiện vật, kiểm kê 6/7 loại hình. Đặc biệt, đối với người Bru-Vân Kiều, có 3 lễ hội truyền thống là đập trống của người Ma Coong, trỉa lúa và mừng cơm mới đã được Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia hiện đang được đồng bào gìn giữ và phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, ở một số lễ hội chỉ còn tồn tại phần lễ, phần hội không còn. Đối với người Chứt, có lễ cúng giang sơn là lễ hội lớn nhất tại xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa đang tổ chức định kỳ. Bên cạnh đó, còn có một số phong tục, tập quán tốt đẹp, như: Tục thờ thần bếp đang được toàn bộ người Sách ở xã Hóa Sơn bảo lưu. Nhìn chung, di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Chứt hiện tồn tại ít trong các bản làng. Hơn nữa, cái khó chung trong quá trình kiểm kê đối với cả người Bru-Vân Kiều và người Chứt là hiện chỉ tồn tại tiếng nói mà không có chữ viết.

Một nghi lễ trong lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều.
Một nghi lễ trong lễ hội mừng cơm mới của đồng bào dân tộc Bru – Vân Kiều.

Theo kế hoạch, vào dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11 tới đây, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh sẽ tổ chức trưng bày các hiện vật để phục vụ Nhân dân. Đây là dịp để người dân nâng cao hiểu biết về văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh, khơi dậy lòng tự hào và chung tay gìn giữ, phát huy, góp phần hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của dự án 6, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bà con, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Dù còn có nhiêu khó khăn, nhất là về vốn đầu tư nhưng Quảng Bình vẫn ưu tiên, đặt ra nhiều mục tiêu trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS gắn với phát triển du lịch. Quảng Bình coi đây là một phần quan trọng trong thực hiện Chương trình MTQG 1719 và Chương trình phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Để thực hiện hiệu quả Dự án 6, thời gian tới, toàn tỉnh Quảng Bình tiếp tục đẩy mạnh nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống và nghệ nhân đồng bào DTTS. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phục vụ cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đồng bào DTTS. Với các loại hình có nguy cơ mai một, tỉnh sẽ tăng cường ứng dụng khoa học, thực hiện “số hóa dữ liệu”, nhằm lưu giữ, bảo tồn, phát huy giá trị các loại hình văn hóa phi vật thể truyền thống của các DTTS trên địa bàn tỉnh.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.