Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Quảng Bình: Triển khai nhiều giải pháp phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Minh Ngọc - 10:18, 27/12/2022

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), biên giới và miền núi Quảng Bình có diện tích khoảng 3.845 km2, chiếm hơn 47% diện tích toàn tỉnh và dân số hơn 45.000 người (chiếm khoảng 4,98% dân số toàn tỉnh); có 9 xã biên giới với hơn 222 km tiếp giáo với nước bạn Lào. Nhằm phát triển sản phẩm du lịch vùng đồng bào DTTS và miền núi, Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển du lịch, tạo sinh kế cho đồng bào DTTS.

Quảng Bình có nhiều sản phẩm du lịch tại các vùng dân tộc thiểu số (ảnh oxalis)
Vùng DTTS ở Quảng Bình có nhiều sản phẩm du lịch (ảnh oxalis)

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Quảng Bình, là địa phương rất giàu tài nguyên du lịch, vùng đất giao thoa, hội tụ của nhiều luồng văn hóa vật thể và phi vật thể của khu vực Bắc Trung Bộ. Đây là địa bàn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu – Khe Nước Trong dọc theo hệ thống đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Là khu vực có vị trí chiến lược về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái của tỉnh.

Quảng Bình có các DTTS như Bru - Vân Kiều, dân tộc Chứt, sinh sống tập trung theo cộng đồng trên địa bàn các huyện: Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch, Quảng Ninh và Lệ Thủy. Đây là địa bàn có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, Khu bảo tồn thiên nhiên Động Châu-Khe Nước Trong dọc theo hệ thống đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, mỗi tộc người, dân tộc ở Quảng Bình có giá trị văn hóa độc đáo riêng và từ lâu đã diễn ra quá trình đan xen văn hóa, giao lưu, học hỏi lẫn nhau giữa các cộng đồng DTTS. Từ đó, vừa làm đậm đà thêm bản sắc văn hóa của các dân tộc và thích ứng với điều kiện sống hiện tại đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Với hơn 40 sản phẩm du lịch hiện đang khai thác tại địa bàn, các sản phẩm du lịch tại khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã bước đầu tạo được sức hút với khách du lịch trong nước và quốc tế. Các chương trình tham quan các di tích lịch sử, trải nghiệm văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên tuyến đường Hồ Chí Minh cùng một số lễ hội văn hóa độc đáo như: Lễ hội Đập trống của người Ma Coong, Lễ hội trỉa lúa của người Bru - Vân Kiều và Hò thuốc cá Minh Hóa đã trở thành các sự kiện văn hóa, du lịch thu hút sự quan tâm của du khách.

Thực hành trình diễn lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy)
Thực hành trình diễn lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy)

Du lịch Quảng Bình tiếp tục khẳng định một trong những điếm đến hấp dẫn hàng đầu Việt Nam và là một trong những điểm đáng trải nghiệm nhất tại khu vực châu Á và thế giới.

Ông Nguyễn Ngọc Quý, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho rằng du lịch Quảng Bình phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; việc phát triển du lịch mới chỉ tập trung chủ yếu tại Phong Nha – Kẻ Bàng, TP. Đồng Hới, chưa tạo ra chuỗi liên kết sản phẩm tại nhiều địa điểm trên địa bàn để mở rộng các phân khúc thị trường khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của du lịch, thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ, sản xuất phụ trợ…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Hồ An Phong, việc phát triển du lịch ở khu vực miền núi của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm du lịch còn thiếu đa dạng. Sự tham gia và lợi ích của người dân còn hạn chế. Thời gian tới, tỉnh bổ sung dịch vụ cho các sản phẩm du lịch hiện có của các địa phương đồng thời góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc.

Đồng bào Bru Vân Kiều ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống
Đồng bào Bru Vân Kiều ở xã Trường Sơn (huyện Quảng Ninh) giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống

Phát triển du lịch gắn bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa

Những tài nguyên thiên nhiên và văn hóa của đồng bào DTTS và miền núi Quảng Bình, có giá trị lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch tỉnh Quảng Bình nói riêng. Tuy nhiên các tiềm năng này chưa được phát huy, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số mặc dù đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn khó khăn, điều kiện tiếp cận văn hóa, chất lượng cuộc sống của người dân giữa khu vực miền núi và đồng bằng vẫn còn khoảng cách khá lớn đặc biệt là công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững.

Một trong những phương án để phát triển du lịch của Quảng Bình đó chính là đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, nghiên cứu hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch tìm hiểu văn hóa - lịch sử; sản phẩm du lịch theo dòng lịch sử kết hợp với sinh hoạt lễ hội và văn hóa nghệ thuật dân gian; nghiên cứu, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, kết hợp với phát huy các làng nghề truyền thống, các nét văn hóa độc đáo của các tộc người, hình thành các điểm du lịch văn hóa tộc người.

Theo thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, năm 2022, lượng du khách đến Quảng Bình ước đạt 2,1 triệu lượt, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2021. Năm 2023, Quảng Bình phấn đấu đón từ 3 - 3,5 triệu lượt khách trong đó số lượng khách quốc tế là 100.000 lượt.

Tại Hội nghị phát triển sản phẩm du lịch các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Quảng Bình mới đây (24/12), đại diện lãnh đạo Tổng cục Du lịch, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trao đổi, thảo luận về thực trạng công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Quảng Bình; về tiềm năng phát triển bền vững du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của khu vực; đề xuất các sản phẩm du lịch, khuyến nghị các cơ chế chính sách để thúc đẩy đa dạng hóa các sản phẩm du lịch với trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng để góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Phạm Văn Thủy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhận định vùng đồng bào DTTS ở nước ta có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú. Việc phát triển du lịch tại khu vực này vừa làm đa dạng hóa, bổ sung dịch vụ cho các sản phẩm du lịch hiện có của các địa phương đồng thời góp phần chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng các dân tộc tham gia các chuỗi du lịch, tác động mạnh mẽ đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân.

Vùng các DTTS, miền núi tỉnh Quảng Bình có cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ phân bố dọc theo hệ thống đường Hồ Chí Minh và còn lưu giữ nhiều di sản, giá trị văn hóa độc đáo.

Để thực hiện được "mục tiêu kép" vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa, trước tiên cần xác định rõ quan điểm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Đó là đáp ứng đồng thời yêu cầu về kinh tế - xã hội và môi trường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các chủ thể tham gia hoạt động du lịch, không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch trong tương lai.

"Để đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả việc phát triển du lịch bền vững tại khu vực các dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới, tỉnh Quảng Bình cần sớm cụ thể hóa thành các hoạt động cụ thể phù hợp với các hướng dẫn của Bộ Văn hóa – Thể Thao và Du lịch (được triển khai trong Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030-PV). Đồng thời, cần liên kết với các ngành du lịch địa phương lân cận để hoàn thiện các chuỗi sản phẩm mang tính liên vùng, nâng cao tính hấp dẫn của các sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch nội địa và quốc tế", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đề nghị.