Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Quảng Nam: Đồng bào DTTS được đảm bảo an toàn trước thiên tai

Tấn Sỹ - Thanh Huyền - 10:29, 02/11/2021

Trong điều kiện thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, thêm vào đó, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang xảy ra trên diện rộng ở miền núi, với sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Quảng Nam đã và đang tự bảo vệ mình trước thiên tai, dịch bệnh bằng nhiều cách làm khác nhau. Trong đó, đồng bào đã rất ý thức và chủ động di dời đến nơi an toàn mỗi khi mùa mưa đến; cũng như bảo vệ tài sản, dự trữ lương thực, thực phẩm…

Bản làng đồng bào DTTS thôn Aroi, xã Ga Ry, huyện Tây Giang
Đồng bào DTTS thôn Aroi, xã Ga Ry, huyện Tây Giang đang áp dụng nhiều giải pháp để đảm bảo an toàn trong những đợt mưa lũ

Di dời đến nơi an toàn

Trước các trận bão lũ, mưa lớn những ngày qua, hơn 100 hộ đồng bào Gié Triêng xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn được di dời đến vị trí an toàn. Có nơi ăn, ở ổn định, lại nằm vị trí cao, có thể quan sát toàn bộ những khu vực có nguy cơ sạt lở, nên bà con rất yên tâm. Những năm trước, việc vận động để di dời dân mỗi khi mưa bão đến rất khó khăn. Song, từ năm 2020, sau khi chứng kiến những thảm họa của sạt lở đất gây ra, cứ vào những ngày mưa, người dân lại tự giác di chuyển đến nơi an toàn.

Ông Hồ Văn Hành ở thôn 3, xã Phước Lộc chia sẻ: “Chúng tôi sợ lũ lụt lắm rồi, nên khi được hỗ trợ di chuyển đến nơi ở mới an toàn hơn thì chúng tôi vui mừng, phấn khởi lắm”.

Cũng tại xã Phước Lộc, ám ảnh của đợt mưa lũ, sạt lở đất hồi cuối năm 2020 với những thầy cô giáo nơi đây vẫn còn nguyên. Ngày đó, 4 học sinh của Trường Phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú Tiểu học - THCS Phước Lộc được nghỉ về với gia đình. Đúng lúc mưa bão ập đến, các em không may bị dòng nước lũ cuốn trôi.

“Rút kinh nghiệm sâu sắc trong mùa mưa bão năm trước, hiện nay, cùng với xây dựng nhà chống lũ an toàn ngay tại trường, chúng tôi còn luân phiên trông coi học sinh, không cho các em trở về gia đình khi mưa bão đến”, thầy giáo Trần Đình Ngộ, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú Tiểu học - THCS Phước Lộc nói.

Không chỉ ở Phước Sơn, giờ đây công tác di dời, cũng như ý thức di chuyển đến nơi an toàn của người dân vùng cao Quảng Nam đã thay đổi rất nhiều. Sau thảm họa sạt lở đất hồi cuối năm ngoái, bà con DTTS đã bắt đầu tính đến chuyện an toàn ở những vùng đất không lo sạt lở núi. Bên cạnh đó, chính quyền từ tỉnh đến huyện đã và đang quy hoạch, phân định những cùng có nguy cơ sạt lở cao, để di dời bà con đến nơi an toàn nhất có thể.

Nhiều giải pháp đảm bảo an toàn cho người dân miền núi trong mùa mưa bão đã và đang được tỉnh Quảng Nam quan tâm
Kịp thời khắc phục, đảm bảo an toàn giao thông cho người dân miền núi trong mùa mưa bão luôn được tỉnh Quảng Nam quan tâm

“Lo xa để tránh họa gần…”

Nói đến miền núi Quảng Nam, không chỉ nói đến những cuộc di dời dân đến  nơi an toàn. Mà còn nói đến công tác bảo đảm lương thực, thực phẩm cho bà con. Bởi, điều kiện địa hình đi lại phức tạp, chia cắt cục bộ dài ngày, nên bảo đảm cái ăn từ 1 đến 3 tháng, luôn là phương án được chính quyền và người dân hướng đến.

Tranh thủ những ngày nắng, bà con Cơ Tu đến Gươl làng để nhận gạo hỗ trợ của Nhà nước. Bình quân mỗi hộ được nhận 10kg gạo. Đây là đợt cấp gạo hỗ trợ mưa lũ lần thứ 2 của xã A Xan. Tuy mưa lũ cắt đường, song tình trạng thiếu ăn, dứt bữa, không xảy ra với hơn 2.000 đồng bào Cơ Tu vùng biên. Chị Pơ Loong Thị Hát ở xã A Xan, huyện Tây Giang bộc bạch: “Nhờ có gạo của Đảng, Nhà nước cấp phát, bà con ở đây không còn lo đói nữa”.

Theo ông Ta Ngôl Thiếu, Chủ tịch UBND xã A Xan, huyện Tây Giang, xã đã cấp 6 tấn gạo cho bà con trước mùa mưa bão vừa rồi và hiện đang dự trữ thêm 4 tấn, để kịp thời hỗ trợ, tránh tình trạng đói ăn trong thời gian mưa bão.

Gạo dự trữ cho mùa mưa bão tại Quảng Nam
Cán bộ địa phương tỉnh Quảng Nam kiểm tra kho gạo dự trữ cho mùa mưa bão

Với quan điểm “Lo xa để tránh họa gần - Chuẩn bị trong mùa khô để ứng phó cho mùa mưa”, trước tháng 9, huyện biên giới Tây Giang đã vận chuyển 50 tấn gạo về các xã. Số gạo được phân bổ về 63 thôn, sẵn sàng cấp cho bà con. Các tiểu thương buôn bán cũng dự trữ hàng tỷ đồng tiền hàng hóa, nhu yếu phẩm cho mùa mưa.

Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết: Tại các xã vùng cao hiện nay đang dự trữ 15 tấn gạo, đây là nguồn tập trung của huyện gởi các Đồn Biên phòng ở xã. Khi mưa bão tắc đường thì sẽ bảo đảm lương thực trong vài ba tháng.

Trước mùa mưa bão năm nay, tỉnh Quảng Nam đã hỗ trợ hơn 1.000 tấn gạo đến các huyện miền núi, biên giới. Các địa phương đã chủ động xuất cấp, dự trữ gạo ngay từng thôn, khu dân cư. Nhờ đó, qua các đợt mưa lũ, tắc đường, cái bếp của đồng bào vẫn luôn đỏ lửa và cái bụng vẫn no, chứ không xảy ra tình trạng thiếu ăn, dứt bữa. Điều này, khẳng định “hậu cần tại chỗ”, là một phương án tối ưu nhất trong ứng phó thiên tai, bão lũ hiện nay ở miền núi Quảng Nam.

Chính quyền địa phương thị sát tình hình trong mùa mưa bão tại khu vực miền núi Quảng Nam
Chính quyền địa phương thị sát tình hình trong mùa mưa bão tại khu vực miền núi Quảng Nam

Có thể nói, với các địa phương miền núi Quảng Nam, những hậu quả mà thiên tai, sạt lở núi để lại trong năm 2020 là quá nặng nề về người và tài sản. Cùng với công tác khắc phục hạ tầng dân sinh, thì việc tuyên truyền thay đổi nhận thức của bà con vùng cao trong ứng phó thảm họa thiên tai, sạt lở núi… được coi là giải pháp quan trọng nhất, để tạo nên những vùng đất an toàn, những bản làng bình yên.

Và qua thực tế những gì đã và đang diễn ra trong các cơn bão, mưa lũ của năm 2021 cho thấy, ý thức của người dân đã nâng cao. Thêm vào đó, các địa phương cũng đã chủ động hơn trong công tác ứng phó với mưa bão. Do đó, qua 7 cơn bão, rồi mưa lớn, song ở các bản làng vùng cao biên giới Quảng Nam trước mắt, hư hỏng về hạ tầng giao thông và một số các công trình phúc lợi; chưa  xảy ra thiệt hại về người, tài sản Nhân dân…

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Hàng loạt khó khăn vướng mắc trong giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Nghệ An: Hàng loạt khó khăn vướng mắc trong giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Vị trí đất được cấp ở xa, địa hình giao đất giao rừng đi lại khó khăn, sai lệch diện tích giữa hồ sơ và thực địa, nhu cầu người dân lớn nhưng quỹ đất ít… là những khó khăn, vướng mắc đang gây ảnh hưởng lớn đến việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở Nghệ An.