Từ các nguồn vốn Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, tỉnh Quảng Nam đã lồng ghép với các nguồn vốn khác để đầu tư, xây dựng nhiều công trình phục vụ dân sinh. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc phân bổ nguồn vốn hơn 2.655 tỷ đồng từ các Chương trình MTQG để các địa phương miền núi xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Chỉ riêng giai đoạn 2021-2023, đã phân bổ tổng nguồn vốn hơn 1.347 tỷ đồng để thực hiện xây dựng NTM; trong đó vốn đầu tư phát triển là hơn 828 tỷ đồng, phần còn lại là thuộc vốn sự nghiệp. Từ nguồn vốn này, nhiều công trình đã được xây dựng, hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, các địa phương miền núi ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS và miền núi nhằm đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tái nghèo, rút ngắn khoảng cách với các vùng khác.
Điểm nhấn trong việc xây dựng NTM ở miền núi Quảng Nam là việc linh hoạt lồng ghép hiệu quả nguồn vốn Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Trong 3 năm triển khai, tổng kính phí mà địa phương lồng ghép để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS hơn 1.240 tỷ đồng.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Nam, cho biết: Trong thời gian qua, địa phương đã linh hoạt lồng ghép nguồn vốn từ hai Chương trình MTQG nói trên để xây dựng hàng trăm công trình, dự án, và hình thành các chuỗi sản xuất, góp phần cải thiện sinh kế cho người dân, giúp giảm nghèo hiệu quả, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS. Nhớ đó, tỉ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt theo từng năm, như trong năm 2022 cả tỉnh giảm còn 6,63% (giảm 3.981 hộ), tưởng ứng giảm 0,96% so với năm 2021; năm 2023 giảm còn 5,66% (giảm 4.081 hộ), tương đương giảm 0,97% so với năm 2022.
Cũng theo ông Tấn, đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, địa phương đã lồng ghép để đầu tư 108 công trình, dự án ở các huyện miền núi. Trong đó gồm 52 dự án công trình giao thông; 31 công trình giáo dục; 13 dự án về nước sinh hoạt, điện và công trình thuỷ lợi; 12 dự án về sắp xếp dân cư, công trình văn hoá, khu chăn nuôi tập trung... Ngoài ra, địa phương triển khai 14 dự án án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng trên địa bàn 6 huyện miền núi với gần 500 hộ tham gia (chủ yếu hộ nghèo, cận nghèo, người DTTS)…Tổng kinh phí lồng ghép để thực hiện các tiêu chí nông thôn mới ở huyện nghèo, xã nghèo trong ba năm qua là hơn 1.000 tỷ đồng.
Còn đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, các địa phương đã lồng ghép thực hiện hàng loạt công trình như: Nhựa hóa và bê tông hóa được 51 công trình giao thông; xây mới và kiên cố hoá 10 công trình thuỷ lợi và điện; xây mới và nâng cấp 56 công trình giáo dục; 23 công trình về văn hoá; xây mới hai công trình thương mại nông thôn; và nhiều dự án về bảo tồn, phát huy giá trị vắn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Bên cạnh đó, địa phương cũng lồng ghép nhằm phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… các dự án này góp phần rất lớn vào thực hiện các tiêu chí NTM ở các xã miền núi.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang, cho biết: Từ nguồn vốn của các Chương trình MTQG, địa phương đã lồng ghép để thực hiện một số tiêu chí NTM trên địa bàn như: hỗ trợ người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; triển khai các công trình nước sạch, đường giao thông nông thôn; hoặc sử dụng trong việc hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát cho người dân địa phương… Việc lồng ghép các Chương trình MTQG để thực hiện các tiêu chí NTM là rất cần thiết. Thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc lồng ghép hỗ trợ người dân phát triển sản xuất và giảm nghèo bền vững.