Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Quảng Nam: Khó khăn trong việc giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia

T.Nhân - 04:50, 22/11/2023

Mặc dù, UBND tỉnh Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại tỷ lệ giải ngân vốn của các Chương trình này rất thấp.

Nhiều công trình thuộc các Chương trình MTQG tại Quảng Nam chưa thể giải ngân vốn (Ảnh minh hoạ)
Nhiều công trình thuộc các Chương trình MTQG tại Quảng Nam chưa thể giải ngân vốn (Ảnh minh hoạ)


Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, tỉnh Quảng Nam tỉnh Quảng Nam có 70 xã đặc biệt khó khăn với 230 thôn thụ hưởng chương trình. Quảng Nam đã xây dựng đề án, trình Ủy ban Dân tộc của Quốc hội phê duyệt với tổng nguồn vốn hơn 3.000 tỷ đồng, trong đó nguồn Trung ương hơn 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, triển khai giải ngân nguồn vốn đến nay được đánh giá là quá chậm.

Cụ thể, từ năm 2022 đến đầu năm 2023, Quảng Nam bắt đầu được phân bổ vốn trên 1.200 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư trên 600 tỷ, vốn sự nghiệp gần 600 tỷ đồng, bao gồm nguồn Trung ương và đối ứng địa phương. Nguồn vốn phân bổ khá lớn cho các địa phương miền núi của tỉnh nhưng các địa phương thực hiện quá chậm hoặc không thể thực hiện. Nhiều dự án đối diện với việc phải trả lại nguồn vốn cho Trung ương do không đáp ứng tiến độ.

Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh thực hiện trên địa bàn tỉnh năm 2022 chuyển sang và năm 2023 hơn 1.148 tỷ đồng.

Tính đến ngày 30/9, nguồn vốn sự nghiệp giải ngân đạt 23,4%, nguồn vốn đầu tư giải ngân đạt 31% kế hoạch vốn. Theo rà soát của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh, vào tháng 10/2023, đối với khối sở, ngành, trong tổng vốn năm 2023 được bố trí, các đơn vị cam kết giải ngân đến 31/12/2023 hơn 46,6 tỷ đồng, đề nghị điều chuyển, nộp trả/hủy dự toán hơn 8,2 tỷ đồng. Đối với khối huyện, thị xã, thành phố đã đề xuất nộp trả, điều chuyển kế hoạch vốn không có khả năng giải ngân hơn 71,7 tỷ đồng.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo các Chương trình MTQG tỉnh Quảng Nam cho rằng: Có rất nhiều khó khăn khi cùng một thời điểm triển khai 3 Chương trình MTQG. Nguồn kinh phí phân bổ thực hiện rất lớn nên khối lượng công việc quá tải do nhân lực hạn chế, có nơi không đáp ứng yêu cầu.

Các sở, ngành, hội, đoàn thể của tỉnh chịu trách nhiệm báo cáo chi tiết kế hoạch vốn đã phân bổ, giải ngân, các tồn tại, vướng mắc liên quan, kế hoạch giải ngân trong thời gian tới và đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn không có khả năng giải ngân cho UBND tỉnh đối với từng Chương trình MTQG. “Việc giải ngân chậm, ngoài nguyên nhân khách quan còn có các nguyên nhân chủ quan như công tác chỉ đạo thực hiện của một số đơn vị còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu, công tác thẩm định chưa đảm bảo thời gian quy định. Nguồn vốn chỉ điều chuyển khi rơi vào trường hợp bất khả kháng, những nơi hoặc dự án chưa giải ngân, các sở ngành, địa phương phải hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục phê duyệt dự án để đảm bảo căn cứ phân bổ hết kế hoạch vốn còn lại theo quy định”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Tin cùng chuyên mục