Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Quảng Nam: Người dân miền núi đón Xuân ấm áp trong ngôi nhà mới

T.Nhân-H.Trường - 06:46, 19/01/2024

Hàng chục hộ đồng bào Cơ Tu ở thôn Pho, xã Sông Kôn, Đông Giang (Quảng Nam) đang rất vui mừng vì chuẩn bị đón Tết cổ truyền trong những ngôi nhà mới được xây dựng. Trước đây, họ phải ở trong những căn nhà lụp xụp, được dựng thô sơ bằng ván ép, tre nứa, cây rừng…, mùa nắng nhìn lên mái nhà thấy mặt trời, còn mùa mưa thì không có chỗ để trú thân. Nhưng đó là câu chuyện của những năm về trước. Giờ đây, được sự hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đồng bào DTTS đã có được ngôi nhà mới khang trang.

Gia đình anh Alăng Bi (bên trái) rất mừng vì xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi
Gia đình anh Alăng Bi (bên trái) rất vui mừng vì xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi

Sau gần 5 năm, có dịp trở lại Sông Kôn, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì sự thay đổi của xã vùng sâu, vùng xa này. Những con đường bê tông thẳng tắp chạy dọc những ngôi nhà mới xây kiên cố; ruộng vườn tươi tốt; làng nghề tryuền thống được hồi sinh, giúp bà con cải thiện thu nhập, diện mạo của xã nghèo thay đổi hoàn toàn.

Tâm sự với chúng tôi, anh Arất Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn, nói rằng cách đây hơn 5 năm về trước, hệ thống đường giao thông nối các thôn chủ yếu là đường đất, nắng bụi, mưa bùn. Ngay cả tuyến đường dẫn lên trung tâm xã cũng lởm chởm ổ gà, ổ voi. Cả xã chỉ lác đác vài ngôi nhà được làm kiên cố, còn chủ yếu nhà được ép bốn phía bằng những tấm ván gỗ cũ. Nhưng nay đã khác xưa rất nhiều. Đó là nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, cộng với ý chí tự vươn lên trong cuộc sống của bà con.

“Xã Sông Kôn với hơn 90% là đồng bào Cơ Tu. Nhờ các chính sách ưu tiên cho đồng bào, nhiều mô hình sản xuất mới đã được đưa vào thực tiễn và có kết quả khả quan. Điều dễ thấy nhất là năm nay, hơn 30 hộ đồng bào đã về nhà mới trước dịp Tết Nguyên đán 2024. Người dân rất phấn khởi, bởi đây là cái Tết đầu tiên họ được an cư trong ngôi nhà mới mà họ mơ ước”, anh Trung phấn khởi nói và dẫn chúng tôi đến thăm một số hộ gia đình vừa xây được nhà mới.

Thấy khách đến chơi, anh Alăng Bi (36 tuổi, thôn Pho) hớn hở mời đi thăm quan một vòng căn nhà mới xây. Vợ chồng anh Bi trước đây thuộc diện hộ nghèo, thường ngày anh và vợ làm rẫy và làm thuê để kiếm tiền nuôi các con ăn học. Đến bây giờ, anh vẫn chưa tin được rằng vợ chồng mình có một căn nhà đẹp như vậy. “Công việc hang ngày của mình là chăm sóc keo thuê, thu nhập chỉ đủ để nuôi con. May mắn, trong đợt vừa rồi, vợ chồng mình được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu để làm nhà nên mừng lắm. Khi vợ chồng mình bắt đầu làm, anh em và xóm giềng hỗ trợ rất nhiệt tình nên mới có được ngôi nhà như hôm nay”, anh Bi nói.

Ngôi nhà mới của gia đình anh Atiêng Ôn đang hoàn thiện những bước cuối cùng để kịp đón Tết
Ngôi nhà mới của gia đình anh Atiêng Ôn đang hoàn thiện những bước cuối cùng để kịp đón Tết

Cũng theo anh Bi, sau khi được Nhà nước hỗ trợ 80 triệu đồng, vợ chồng anh vay mượn thêm khoảng 200 triệu để làm nhà. Quá trình làm nhà, anh em, hàng xóm nhiều người cũng giúp đỡ ngày công, vận chuyển vật liệu xây dựng. Đến nay, nhà đã được xây song, vợ chồng mình vui lắm. Tuy phải vay mượn thêm, song đây là động lực giúp gia đình mình ổn định cuộc sống và sẽ cố gắng làm ăn để trả nợ.

Cách đó không xa là ngôi nhà mới rộng rãi của anh Alăng Chinh (45 tuổi). Vợ chồng anh Chinh trồng keo, và làm thuê, cuộc sống gia đình hết sức khó khăn. Trước đây, hai vợ chồng anh phải quần quật mới đủ bữa cho bảy miệng ăn qua ngày. Cả gia đình anh sống trong căn nhà ộp ẹp được kết lại từ tre nứa và những tấm ván gỗ cũ kỹ. Lúc đó, cứ mỗi lần mưa gió là dột tứ phía, gia đình phải khổ sở lắm. Việc có được một ngôi nhà tươm tất như hôm nay, đối với vợ chồng anh là cả một niềm mơ ước lớn.

“Do không có điều kiện nên không dám nghĩ đến chuyện làm nhà. Đầu năm nay, được chính quyền địa phương hỗ trợ và động viên, vợ chồng mình mạnh dạn xây dựng nhà. Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình vay mượn thêm để xây dựng căn nhà này với tổng khoảng 160 triệu đồng. Ngoài ra, gia đình tận dụng thêm các vật dụng có sẵn để giảm bớt chi phí. Có được ngôi nhà như hôm nay, vợ chồng mình rất biết ơn Đảng, Nhà nước và bà con xóm giềng giúp đỡ. Tết này, nhà mình sẽ rất vui”, anh Chinh xúc động nói.

Dọc đường bê tông liên thôn, dưới những hàng cây xanh mướt, nhiều ngôi nhà mới của các hộ dân cũng đang trong giai đoạn hoàn thiện. Theo ghi nhận của chúng tôi, phần lớn là những ngôi nhà cấp 4, được xây theo kiểu nhà ống trên khoảnh đất rộng. Không khí lao động những ngày cuối năm khẩn trương, ai cũng muốn tranh thủ hoàn thiện nốt những công đoạn cuối cùng để gia chủ được vui đón Tết trong ngôi nhà mới.

Mấy hôm nay, mỗi khi xong việc ở chỗ làm, anh Atiêng Ôn (33 tuổi) lại trở về để cùng thợ lắp cửa cho ngôi nhà mới, bên cạnh ngôi nhà cũ được ghép từ những tấm gỗ cũ thưa. Để hoàn thiện ngôi nhà này, vợ chồng anh đã vay mượn thêm ngoài số tiền được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng. Anh là nhân viên bảo vệ rừng, vợ anh làm công nhân ở dưới Đà Nẵng. Đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng chỉ đủ trang trải cho mấy miệng ăn.

Anh Ôn tâm sự: Từ khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ xoá nhà tạm cho các hộ nghèo, gia đình anh vay mượn thêm để làm căn nhà mới với khoảng 300 triệu đồng. Sau bao nỗ lực, ngôi nhà mới đã được hoàn thành, vợ chồng mình sẽ cố gắng dành dụm để trả phần nợ đã vay mượn. Đây cũng là động lực để vợ chồng mình phấn đấu hơn.

Niềm vui nhân đôi khi Tết này gia đình anh Alăng Chinh (ngồi giữa) đón Tết trong ngôi nhà mới
Niềm vui nhân đôi khi Tết này gia đình anh Alăng Chinh (ngồi giữa) đón Tết trong ngôi nhà mới


Cùng chung niềm vui với các hộ dân, Phó Chủ tịch xã Sông Kôn Arất Trung nói thêm: Chính quyền cũng rất mừng vì trong năm qua đã có hơn 30 hộ nghèo xây dựng được nhà mới kịp đón Tết Nguyên đán 2024. Nhờ các chính sách từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, sự hỗ trợ từ UBND tỉnh và các cấp, ngành những ngôi nhà tạm bợ đã dần được xoá đi, thay vào đó là những ngôi nhà khang trang, rộng rãi, bà con rất mừng.

“Kể từ khi có chính sách về hỗ trợ xây mới nhà ở, người dân địa phương rất phấn khởi. Chính quyền địa phương đã nhanh chóng triển khai các chính sách liên quan đến xoá nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo trên địa bàn. Theo kế hoạch, có khoảng 300 trường hợp trên địa bàn cần xây dựng nhà mới, sửa chữa. Trong năm nay, địa phương đã triển khai được 30 trường hợp xây dựng nhà ở kiên cố đảm bảo ba cứng, trong năm sau sẽ tiếp tục vận động người dân để tiếp tục triển khai”, anh Trung cho biết thêm.

Ông Đinh Văn Bảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết: Theo rà soát, hiện nay ở địa phương có khoảng 1.425 nhà tạm. Huyện đã ban hành kế hoạch chung để triển khai thực hiện chương trình xoá nhà tạm cho người dân. Đối với trường hợp xây nhà mới, thì mỗi trường hợp được hỗ trợ 60 triệu đồng, 30 triệu đồng đối mỗi nhà sữa chữa. Địa phương đã triển khai xoá 129 nhà tạm theo nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, từ nguồn vốn khác là 165 nhà, tổng cộng đã xây mới 295 nhà. Dự kiến trong năm 2024, sẽ tiếp tục xoá hơn 600 nhà tạm, số còn lại sẽ được thực hiện trong năm 2025.

Tin cùng chuyên mục
Triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG ở Gia Lai: Rà soát, phân nhóm các dự án để tháo gỡ vướng mắc (Bài 2)

Triển khai hiệu quả các Chương trình MTQG ở Gia Lai: Rà soát, phân nhóm các dự án để tháo gỡ vướng mắc (Bài 2)

Mặc dù, từ nguồn lực của các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) đã giúp vùng đồng bào DTTS và miền núi Gia Lai có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nhiều nội dung, dự án thành phần của các Chương trình còn tồn tại những vướng mắc, bất cập dẫn đến nguồn vốn giải ngân còn thấp. Theo đó, tỉnh Gia Lai cũng đã đánh giá thực trạng, đặt ra mục tiêu cùng với những giải pháp căn cơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đảm bảo chính sách ban hành kịp thời đi vào cuộc sống.